DrAid cho COVID-19 – sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) của Công ty CP VinBrain (Vingroup) – vừa được Hội đồng Khoa học Bộ Y tế nghiệm thu và kiến nghị nên sớm đưa vào sử dụng hàng ngày tại các bệnh viện.
DrAid giúp bác sĩ theo dõi mức độ tổn thương phổi ở một bệnh nhân F0 trên ảnh X-quang phổi – Ảnh: B.C
Đây được coi là một công cụ hỗ trợ sàng lọc và tiên lượng điều trị COVID-19 mới hữu hiệu, góp phần chủ động dự phòng và kiểm soát dịch hiệu quả, nhất là trong giai đoạn COVID-19 đang tiếp tục lây lan như hiện nay.
Ứng dụng AI chẩn đoán và tiên lượng điều trị COVID-19 hàng đầu tại Việt Nam
Sau hơn 1 năm nghiên cứu và phát triển, mới đây, đại diện VinBrain cho biết đã chính thức hoàn thiện sản phẩm DrAid cho COVID-19 với khả năng giải toàn diện bài toán COVID-19 từ hỗ trợ chẩn đoán tới tiên lượng điều trị dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng.
Theo đó, mô hình AI đưa ra gợi ý về chẩn đoán và tiên lượng điều trị COVID-19 của DrAid cho COVID-19 được đào tạo trên bộ dữ liệu lớn được thu thập từ các nguồn dữ liệu mở trên thế giới và Việt Nam.
Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, đội ngũ VinBrain đã trực tiếp đi thu thập dữ liệu từ 26 khu cách ly F1 tại Bắc Giang và TP.HCM, 10 bệnh viện dã chiến và trung tâm cấp cứu COVID-19 tại TP.HCM và Hà Tĩnh.
Đến nay DrAid đã có nguồn dữ liệu lớn hàng đầu thế giới về COVID-19, gồm 21.421 hình ảnh X-quang ngực của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và 118.018 ảnh X-quang ngực tiêu chuẩn.
Các chuyên gia cho rằng với khả năng giải toàn diện bài toán COVID-19, DrAid cho COVID-19 hiện là ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiên phong tại Việt Nam đã được Hội đồng Khoa học Bộ Y tế nghiệm thu và kiến nghị đưa vào phác đồ chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc.
Theo ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc VinBrain, DrAid cho COVID-19 hội tụ nhiều ưu điểm nổi bật như chủ động cảnh báo COVID-19 trong mọi tình huống.
“Cụ thể, khi được tích hợp vào các máy chụp X-quang hoặc hệ thống công nghệ thông tin sẵn có tại các bệnh viện và cơ sở y tế, DrAid cho COVID-19 sẽ hoạt động như một “màng lọc” virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên diện rộng, giúp các bệnh viện và cơ sở y tế chủ động phát hiện người nghi nhiễm COVID-19. Điển hình như khi người dân đi kiểm tra sức khỏe được chỉ định chụp X-quang, ngay khi ảnh được đẩy lên hệ thống, DrAid cho COVID-19 sẽ lập tức cảnh báo nếu phát hiện các dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19, qua đó giúp các bệnh viện hoặc cơ sở y tế nhanh chóng có phương án cách ly hạn chế lây nhiễm, cũng như kịp thời điều trị cho bệnh nhân”, ông Hùng chia sẻ.
Đại diện đơn vị này cũng cho biết, tại các khu cách ly tập trung hoặc khu có nguy cơ cao, DrAid cho COVID-19 giúp phân luồng bệnh nhân trước khi xét nghiệm PCR: các F1 nghi nghiễm được khoanh vùng ngay và làm xét nghiệm PCR mẫu đơn, các trường hợp không nghi nhiễm thì làm PCR mẫu gộp và cách ly bình thường, nhờ vậy giúp tiết kiệm ngân sách y tế.
“Trong các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19, DrAid cho COVID-19 giúp các bác sĩ đ.ánh giá mức độ tổn thương phổi của bệnh nhân COVID-19 qua các ngày, từ đó đưa ra các chỉ định điều trị kịp thời và hiệu quả cho bệnh nhân”, vị này thông tin thêm.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cho biết chụp X-quang hiện vẫn là phương pháp chẩn đoán hình ảnh dễ tiếp cận nhất và được ứng dụng rộng rãi ở Y tế các cấp thuộc mọi vùng miền. Mô hình AI của DrAid cho COVID-19 lại được đào tạo trên bộ dữ liệu lớn các ảnh X-quang ngực thẳng. Bởi vậy, việc ứng dụng DrAid cho COVID-19 vào sàng lọc, chẩn đoán và tiên lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế rất thuận lợi và dễ dàng nhân rộng trên toàn quốc.
Như vậy, với sự hỗ trợ đắc lực của DrAid cho COVID-19, các chuyên gia tiên đoán việc dự phòng và kiểm soát COVID-19 sẽ được diễn ra hoàn toàn chủ động, mọi lúc mọi nơi, tối ưu các nguồn nhân lực và ngân sách Y tế.
Khi AI sát cánh cùng bệnh viện bước vào “bình thường mới”
Đại diện đơn vị này cho biết DrAid cho COVID-19 hiện đang được sử dụng để hỗ trợ các bác sĩ tiên lượng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một số bệnh viện dã chiến tại TP.HCM và Hà Tĩnh.
“Giá trị hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng điều trị của DrAid cho COVID-19 cũng đã được chứng minh và sử dụng thực tiễn trên các xe hay máy chụp lưu động với liều tia X-quang chỉ bằng máy chụp X-quang trước đây” vị này nói.
Theo đ.ánh giá của một số bác sĩ tại Trung Tâm Y Tế Kỳ Anh – Hà Tĩnh, AI đã giúp đỡ các bác sĩ khá nhiều khi theo dõi tổn thương qua các ngày, nhận diện rõ ràng là tổn thương lan rộng như thế nào. Ngoài ra, AI cũng giúp bác sĩ nhận diện các tổn thương nhỏ dễ bỏ sót.
BS tại bệnh viện dã chiến Kỳ Anh sử dụng DrAid để theo dõi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 – Ảnh: B.C
Sau khi ứng dụng DrAid trong đợt dịch bùng phát tại Bắc Giang, một lãnh đạo huyện Việt Yên, cho biết việc trí tuệ nhân tạo hỗ trợ sàng lọc, phát hiện sớm các F1 có nguy cơ cao trở thành F0 và các bệnh nền ở phổi đóng vai trò rất quan trọng, giúp lãnh đạo huyện có cơ sở đ.ánh giá các yếu tố dịch tễ từ đó ra các quyết định kịp thời, đảm bảo công cuộc phòng chống dịch hiệu quả.
Ông Trương Quốc Hùng cũng khẳng định tiềm năng ứng dụng của sản phẩm DrAid cho COVID-19 không chỉ giới hạn tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, như một công cụ hữu hiệu để chủ động dự phòng và kiểm soát đại dịch một cách toàn diện.
“Với giải pháp chẩn đoán và tiên lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 này, hệ thống y tế sẽ có thêm một công cụ hữu hiệu để chủ động ứng phó với đại dịch, giúp bệnh nhân COVID-19 được phát hiện sớm và điều trị, cứu chữa kịp thời”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ đang nhận được nhiều sự chú ý nhờ vào tiềm năng giải được các nút thắt then chốt trong bài toán dự phòng COVID-19 thông qua tốc độ, khả năng nhân rộng và tối ưu các nguồn lực kinh tế, con người. Bởi vậy, các ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ là trợ lý đắc lực cho các bác sĩ và người dân Việt Nam bước vào “bình thường mới” chung sống với COVID-19, nếu được khai thác chuẩn mực, chuyên sâu và ứng dụng phù hợp, đúng lúc đúng kịch bản.
Bác sĩ từng tập thở cho “bệnh nhân 91”: Trở thành F0 vẫn miệt mài cấp cứu những lá phổi đông đặc
Trong những ngày chạy đua giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19, anh Trương Văn Hiền không may bị nhiễm SAR-CoV-2 và trở thành F0.
Đều đặn mỗi ngày, mỗi ca làm việc, ngoài việc tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân F0, bác sĩ Trường Văn Hiền (chuyên gia vật lý trị liệu của Bệnh viện Chợ Rẫy), hiện đang tăng cường cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2, lại ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe của mỗi F0 tại đây. Từng là F0 nên bác sĩ Hiền hiểu được những gì bệnh nhân phải trải qua.
Đầu tháng 9, khi nhận kết quả mắc COVID-19, bác sĩ Hiền vẫn điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nặng thay vì nghỉ ngơi điều trị. Với trách nhiệm của một bác sĩ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, anh đã lựa chọn xin được ở lại để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân, san sẻ gánh nặng với đồng nghiệp.
Khi phát hiện bản thân trở thành F0, bác sĩ Hiền ban đầu có một chút lo lắng, nhưng sau đó nhanh chóng xua tan, bởi xung quanh anh có nhiều bệnh nhân đang rất nặng, nhu cầu cần tập vật lý trị liệu rất lớn và đang cần hỗ trợ.
“Tôi mắc COVID-19, nhưng may mắn không có triệu chứng, lại ham việc, ham vận động, nếu chỉ nằm cách ly thì phí quá. Hơn nữa khi bệnh viện cử tôi qua đây để hỗ trợ, bệnh viện đã ít người mà mình còn nằm trên giường bệnh thì mình rất lo lắng và khó chịu”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Mặc dù mắc COVID-19, bác sĩ Hiền vẫn xung phong tham gia “trận chiến”.
Nằm trên giường bệnh 1 tuần, anh đã thấy ngứa ngáy chân tay, vì anh vốn thích hoạt động. Bác sĩ Hiền liền xin ra “trận chiến”, mong muốn tiếp tục làm việc, hướng dẫn các bệnh nhân tập thở, tập vận động và được cấp trên chấp thuận. Lực lượng vật lý trị liệu từ Chợ Rẫy cử sang chi viện chỉ có ba người, cùng một số sinh viên tình nguyện, anh lại là trưởng nhóm nên quyết định duy trì công việc để “bớt vất vả cho đồng nghiệp”.
Không cho phép bản thân nghỉ ngơi, anh đến các giường bệnh dìu đỡ bệnh nhân, vỗ lưng, xoa bóp bên ngoài phổi, nhẹ nhàng giúp F0 tập cử động các khớp tay chân. Khi chưa nhiễm COVID-19, anh cận kề hỗ trợ hô hấp cho F0 thở máy, tập thở cho bệnh nhân phải thở oxy dòng cao, thở oxy bình thường… Khi là F0, công việc của anh vẫn vậy, thậm chí anh còn tự tin hơn, bám sát từng người, vừa lo tập thở vừa an ủi, vỗ về.
Vì là người nhiều năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy và tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, bác sĩ Hiền thấu hiểu sự dày vò của COVID-19 là như thế nào khi chứng kiến những hơi thở yếu ớt như ngọn đèn trước gió của bệnh nhân. Anh biết việc tập thở giúp người bệnh đi qua thời khắc nặng nhọc.
Công việc của bác sĩ Hiền tại đây được chia ra 2 trường hợp. Thứ nhất là hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân thở máy giúp bệnh nhân đào thải đờm nhớt. Trường hợp thứ 2 là thở máy liều cao HF oxy, đây là trường hợp giữa ranh giới thở máy và thở oxy, việc hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh chóng chuyển xuống thở oxy thì sẽ nhanh xuất viện.
Có những trường hợp sau tập vật lý trị liệu đã ngăn được thở máy, đưa ra thở oxy ít ngày thì có thể xuất viện. Công việc này còn giúp ích cho tinh thần bệnh nhân, tiếp thêm cho họ sự lạc quan khi thấy bản thân có thể tự vận động được.
“Trước khi trở thành F0, tiếp xúc với bệnh nhân tôi cảm thấy có phần rụt rè. Nhưng sau khi trở thành F0, tham gia điều trị, tôi tự tin hơn và không còn sợ sệt. Thậm chí việc động viên bệnh nhân dễ dàng hơn, người bệnh tin tưởng hơn vì đang cùng cảnh ngộ với nhau”, anh Hiền cho hay.
Được biết bác sĩ Hiền cũng là người đã hỗ trợ tập thở cho “bệnh nhân 91” (phi công người Anh từng mắc COVID-19 nặng tại Việt Nam năm ngoái) ngay từ những ngày đầu ông được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM về Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kinh nghiệm làm vật lý trị liệu giúp anh nhận thấy khi bệnh nhân đã phải thở máy, phổi đông đặc thì rất xơ cứng, cơ liên sườn cũng cứng theo. Nhiệm vụ của người tập vật lý trị liệu là làm mềm phổi, xoa bóp bên ngoài làm cho các cơ quanh phổi, vai mềm ra. Sau đó dùng kỹ thuật nén ép để gia tăng nhanh sự lưu thông của phổi, giúp ngăn ngừa phải thở máy, cứu lại những lá phổi.
Nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh, không chỉ bác sĩ Hiền mà cả đồng nghiệp của anh đều vui mừng.
Đến hiện tại, gia đình bác sĩ Hiền vẫn chưa biết bản thân anh từng là F0, vì mỗi lần gọi điện anh luôn giấu gia đình với tinh thần lạc quan và vui vẻ để gia đình an tâm. Hơn nữa bản thân anh cũng không cảm thấy mình bị bệnh nên không báo cho gia đình biết.
Hiện, anh Hiền đã có kết quả âm tính trở lại sau khoảng 10 ngày dương tính. Nhiều bệnh nhân chuyển nhẹ, xuất viện, có thể đi đứng, tự thở khí trời, gửi cho anh lời chào ấm áp. Đó như là món quà tinh thần cổ vũ thêm cho anh Hiền cùng các đồng nghiệp khác của mình tiếp tục với cuộc chiến khốc liệt.