Kiểu ăn sáng “ngược đời” giúp đốt mỡ gấp đôi

Các nhà nghiên cứu Anh khuyên bạn hãy đảo ngược lời khuyên truyền thống về cách bắt đầu ngày mới lành mạnh với việc ăn sáng rồi tập thể dục.

Các nhà khoa học từ Đại học Bath và Đại học Brimingham (Anh) đã chứng minh một ngày mới lành mạnh kiểu truyền thống với bữa ăn sáng, sau đó là ít phút tập thể dục, chưa hẳn là tốt nhất cho sức khỏe. Trái với mối lo sợ chưa ăn gì đã tập sẽ mệt mỏi, hạ đường huyết, nhóm nghiên cứu khuyên mọi người chỉ nên tập lúc bụng đói, sau đó hẳn ăn.

Hãy ăn một bữa sáng giàu năng lượng sau khi đã làm nóng cơ thể với bài tập thể dục, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ – ảnh: BATH UNIVERSITY

Các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm đã được chia thành 2 nhóm: một nhóm chỉ uống nước rồi tập luyện, sau đó mới ăn sáng; một nhóm ăn sáng rồi tập như lời khuyên phổ biến.

Chế độ được duy trì suốt 6 tuần lễ với 3 buổi sáng có tập thể dục mỗi tuần (50 phút/buổi, tập đạp xe trên máy). Các tình nguyện viên được cho ăn sáng đa dạng thành phần và giàu carbohydrate.

Sau 6 tuần thí nghiệm, cơ thể những người tập thể dục trước khi ăn thay đổi rõ ràng: tập như nhau nhưng họ đốt mỡ gấp đôi nhóm còn lại, đồng thời nhạy cảm hơn hẳn đối với insulin. Trái ngược với tình trạng kháng insulin, nhạy cảm insulin giúp một người có thể kéo giảm đường huyết hiệu quả hơn đa số chỉ với một ít insulin.

Theo tiến sĩ Javier Gonzalez (Đại học Bath), thành viên nhóm nghiên cứu, điều này đồng nghĩa với việc những người tập luyện trước khi ăn sáng đã tự cắt giảm được nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, do họ dễ tự cân bằng đường huyết hơn.

Theo thống kê toàn cầu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành năm 2014 lên đến 8,5%. Còn thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thì nêu ra tỉ lệ đến 9,4% riêng tại quốc gia này. Đa số các trường hợp là tiểu đường type 2, loại tiểu đường có nguyên nhân chủ yếu do thừa cân – béo phì, chế độ ăn uống, vận động thiếu lành mạnh.

A. Thư

Theo New York Post, Daily Mail/nguoilaodong

Cơ thể biến đổi ra sao sau thời gian dài không ăn sáng?

Không ăn sáng trong thời gian dài dẫn đến hạ đường huyết, hạ huyết áp, dinh dưỡng thiếu cân bằng, ảnh hưởng đến đường ruột.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị mọi người ăn 3 bữa một ngày. Các bữa ăn đều quan trọng, đặc biệt là bữa sáng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, con người có xu hướng bỏ bữa sáng, dẫn đến các hệ quả sau.

Hạ đường huyết và hạ huyết áp

Không ăn sáng dễ dẫn đến hiện tượng hạ huyết áp và hạ đường huyết bởi dù đã ăn bữa tối vào ngày trước đó, cơ thể vẫn tiêu hao glycogen khi ngủ. Hơn nữa, bữa sáng và bữa trưa cách nhau ít nhất 4 tiếng, khiến cơ thể không được kịp thời bù đắp năng lượng đã mất.

Bữa sáng bù đắp năng lượng đã mất sau giấc ngủ. Ảnh: FantaSea.

Dinh dưỡng thiếu cân bằng

Không ăn sáng trong thời gian ngắn thì sức khỏe không bị đe dọa. Nếu thói quen này diễn ra trong thời gian dài, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng.

Dinh dưỡng thiếu cân bằng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Đối với người lớn, đây còn là nguy cơ dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm.

Ảnh hưởng đến cân bằng đường ruột

Cố tình lờ đi khi dạ dày kêu đói hoặc chỉ uống nước lọc khiến hoạt động của dạ dày và đường ruột mất cân bằng, đặc biệt ở những người vốn tiêu hóa kém, hay đau bụng hoặc đầy hơi.

Tóm lại, ăn sáng vẫn đem lại nhiều lợi ích hơn là bỏ bữa. Do vậy, mọi người nên duy trì thói quen ăn sáng để bảo vệ sức khỏe.

Thanh Vân

Theo Sohu/VNE

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *