Thèm ăn và tiêu thụ đồ nhiều dầu mỡ là tình trạng mà nhiều người chúng ta trải qua. Thực phẩm này không chỉ sử dụng lượng dầu ăn quá nhiều mà nó còn chứa nhiều calo, nếu không có biện pháp hỗ trợ sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, cholesterol cao và bệnh tật khác.
Vậy phải làm gì sau khi ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ?
Bổ sung nước ấm
Làm gì sau khi ăn đồ nhiều dầu mỡ? Một mẹo hay đơn giản nhất mà bạn có thể thực hiện chính là uống nước ấm. Hành động này giúp làm dịu niêm mạc các cơ quan tiêu hóa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất thuận lợi hơn.
Nước có nhiệm vụ vận chuyển các dưỡng chất lẫn chất thải. Hấp thu nhiều dầu mỡ mà không uống đủ nước có thể khiến ruột non phải lấy nước từ thức ăn để thực hiện quá trình tiêu hóa, từ đó gây mất nước cho cơ thể và táo bón.
Ngược lại, bạn nên hạn chế uống nước đá sau bữa ăn “nặng nề” vì nó tạo áp lực lớn hơn cho hệ tiêu hóa. Nước đá lạnh làm loãng axit dạ dày và các cơ quan khác bên trong cơ thể. Ngoài ra, đồ lạnh khác như kem cũng nên tránh để không bị đầy hơi, khó tiêu.
Thải độc bằng thực phẩm lành mạnh
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo: Nếu bạn ăn đồ nhiều dầu mỡ thì nên thải bớt độc tố bằng thức uống khác, ví dụ như nước chanh ấm, nước ép trái cây… Các loại thức uống nhẹ từ thực vật giúp giảm nhẹ triệu chứng khó chịu sau khi tiêu thụ nhiều dầu mỡ.
Dinh dưỡng phong phú và các chất chống oxy hóa trong đồ uống từ rau quả cũng hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp nước cho cơ thể. Chú ý nên tránh uống cà phê và đồ uống chứa caffeine hay chất kích thích khác.
Vận động nhẹ
Đi bộ khoảng 30 phút sau bữa ăn no giúp thúc đẩy tiêu hóa, kích thích nhu động dạ dày hoạt động tốt hơn. Vì vậy, bạn nên đi dạo nhẹ nhàng để thư giãn tinh thần, đồng thời cũng giảm cảm giác nặng nề do ăn nhiều đồ dầu mỡ.
Bên cạnh đó, vận động nhẹ sau bữa ăn còn giúp đốt cháy calo mà không khiến bạn mất sức. Tuy nhiên, bạn không nên hoạt động mạnh khi vừa ăn no để tránh phản tác dụng. Lựa chọn không gian đi dạo thoáng mát, yên tĩnh sẽ càng đạt hiệu quả hơn.
Điều chỉnh những bữa ăn tiếp theo
Bạn không những cần biết làm gì sau khi ăn đồ nhiều dầu mỡ mà còn phải có kế hoạch ăn uống tiếp sau đó cho hợp lý hơn. Hãy chia nhỏ những bữa ăn tiếp theo và giảm thực phẩm nhiều calo, carbohydrate, đương nhiên là cả đồ dầu mỡ.
Rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt là lựa chọn lý tưởng để bạn giúp cơ thể được giải độc và cải thiện các vấn đề tiêu hóa. Ăn chậm, nhai kỹ và kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ trong mỗi bữa ăn để giảm gánh nặng cho các cơ quan trong cơ thể.
Dùng men vi sinh hỗ trợ
Để cân bằng sức khỏe tiêu hóa và nâng cao khả năng miễn dịch, bạn có thể bổ sung thêm men vi sinh sau khi ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ và tinh bột. Sữa chua là lựa chọn tuyệt vời đóng vai trò như món tráng miệng lành mạnh, thêm một ít trái cây nếu thích.
Tiêu thụ nhiều trái cây và rau xanh hơn
Thông thường, đồ ăn dầu mỡ sẽ ít chứa chất xơ và vi chất dinh dưỡng cần thiết, ngược lại nó chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa dễ gây táo bón, khó tiêu. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi giúp cân bằng lại dinh dưỡng và cơ thể nhẹ nhàng hơn.
Thư giãn tâm trí và đảm bảo giấc ngủ
Sau khi ăn no với thực phẩm nhiều năng lượng, bạn nên thư giãn với những thứ mình yêu thích, ví dụ như nghe nhạc, đi dạo trong vườn cây và sau đó tốt nhất nên có một giấc ngủ sâu.
Bí quyết để giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ
Bạn nên đa dạng hóa cách chế biến trong nấu nướng hằng ngày, kết hợp các món hấp, xào, luộc, nướng bên cạnh món chiên sử dụng nhiều dầu. Lý tưởng nhất là có nhiều cách nấu trong một bữa ăn để cân bằng dinh dưỡng.
Cùng là món chiên nhưng bạn có thể chọn cách chiên nhẹ thay vì chiên ngập dầu, dù sao sức khỏe vẫn là điều nên ưu tiên. Ăn chậm sẽ tạo cảm giác mau no hơn, giúp bạn kiểm soát được lượng calo tiêu thụ vào.
Nếu thích ăn đồ béo, bạn nên thay thế đồ chiên dầu bằng thực phẩm lành mạnh khác như quả bơ, sầu riêng, các loại hạt… Đặc biệt nhớ uống đủ nước để giúp cơ thể giải độc và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn biết làm gì sau khi ăn đồ nhiều dầu mỡ, cải thiện các vấn đề tiêu hóa và đảm bảo sức khỏe tốt.
Thiên Khuê (Theo Style)