Cởi trần nhào bột, tay không tách bún trộn thêm một muỗng hóa chất Tinopal cho bún tươi sáng. Bún sau đó được cho vào những giỏ nhựa để dưới nền gạch nhầy nhụa nước, đất…
Kinh hoàng vệ sinh lò bún
Trên địa bàn TPHCM hiện có gần 1.000 cơ sở sản xuất bún lớn nhỏ. Tại phường 12, 14 quận Gò Vấp phường 15 quận Tân Bình có cả chục lò sản xuất bún tư nhân, đa phần là lò “chui” vì không có giấy phép kinh doanh.
Một cơ sở sản xuất bún nhầy nhụa, nhớp nháp.
Thời gian làm bún của các cơ sở này thường bắt đầu từ khoảng 20 giờ tối. Khoảng 3-4 giờ sáng hôm sau là bún theo xe tỏa đi các đầu mối.
Chúng tôi thâm nhập cơ sở bún không bảng hiệu, dù trên bao bì ghi sản phẩm bún K.T, gần sân bóng cây Trâm (phường 12, quận Gò Vấp) trên con đường đất lầy lội. Bên trong cánh cửa sắt là lò bún có mặt bằng nhỏ hẹp với 5 công nhân đang làm việc. Nền nhà dù được lát bằng gạch men nhưng luôn ẩm ướt, nhầy nhụa đất bùn do các công nhân đi dép từ bên ngoài vào.
Trong cơ sở có bao tay, ủng đi chân nhưng không thấy công nhân nào mang. Hai thanh niên cởi trần, chỉ quấn một vòng bao nilong trắng ngang lưng quần để khỏi bị ướt. Kẻ nhồi bột, người tách bún. Khi bún được tách ra, cô công nhân kéo chồng giỏ nhựa trên nền nhà dơ bẩn đến sát bên. Lót vội bao nilong tái sử dụng vào giỏ, cô này bỏ bún vào. Túm chặt bao nilong bịt miệng giỏ bún, anh công nhân lấy chân đạp vào giỏ để đẩy bún ra sát cửa cho một anh khác bỏ lên xe chở đi. Khi được hỏi sao không đeo găng tay giữ vệ sinh, một anh nhanh nhảu: “Đeo cái thứ này vào nóng nực sao chịu nổi”.
Những giỏ đựng bún này vứt lăn lóc ngoài lề đường đất bùn, lầy.
Vòng qua khu vực chợ Cầu, chúng tôi tới cơ sở bún K.C. Cơ sở này nằm sát mé dưới gầm cầu sông chợ Cầu, rất ẩm thấp. Người dân phản ánh cơ sở này xả nước thải trực tiếp ra sông, gây mùi chua rất khó chịu. Chúng tôi đứng men bờ sông quan sát vào, chứng kiến các công nhân nam đang làm công đoạn ủ gạo để xay ra bột nước. Những thùng ủ gạo và thùng bột san sát nhau. Các công nhân người dính đầy bột, lấy nước dội xối xả, nước b.ắn tung tóe…
Trở lại phường 12, quận Gò Vấp “mục kích” cơ sở sản xuất bún tươi P.D. Phía sau lò bún là một hồ nước rộng, nước đen sì. Nước ngâm gạo chảy thẳng ra hồ, tạo thành “kho thực phẩm” cho ruồi nhặng và đủ loại sinh vật khác. Đa phần các lò bún ở đây đều xả thẳng nước thải như vậy.
Những tấm nilong được phơi ngay trên mặt ao tù đọng – đồng thời là nơi xả thải của lò bún – sẽ được tái sử dụng.
Một thực tế khác là rất nhiều lò bún vẫn sử dụng lò đun bằng than đá, dầu… thải ra khí độc hại cho sức khỏe con người. “Chúng tôi cũng muốn chuyển đổi từ sử dụng lò dầu sang lò điện nhưng chi phí tốn kém quá nên chưa đầu tư được”, một chủ cơ sở bún phân trần.
Làm trắng bún bằng hóa chất độc hại
Theo quy trình sản xuất bún, bún muốn ngon thì gạo phải được ngâm ủ trong khoảng thời gian một tuần rồi mới cho vào lò ra sợi bún. Làm như thế, bún sẽ có độ dai, giòn tự nhiên và rất ngon. Nhưng hiện nay rất nhiều cơ sở do chạy đua thời gian và tiết kiệm chi phí, đã rút ngắn quy trình sản xuất. Có cơ sở chỉ ngâm gạo trong vòng 2 giờ, sau đó đem xay, tách nước rồi cho bột năng, bột lọc vào để tạo ra sợi.
Nữ công nhân này sau khi tách bún bằng tay không sẽ “vứt” bún vào các giỏ nhựa cáu bẩn có lót nilong.
Để giảm chi phí vốn, nhiều cơ sở đã trộn thêm bột mì vào bột gạo. Vì thế sợi bún sẽ dễ bị nát vụn và có màu đen.
Thực tế, trên thị trường, bún được bán với nhiều mức giá khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, giá xuất xưởng của bún nguyên chất là 7.000 đồng/kg, bún có pha chế thêm bột mì giá 4.200 đồng/kg.
Một chủ cơ sở còn “bật mí” bí quyết làm trắng bún. Bởi dùng gạo chất lượng thấp, lại trộn thêm bột mì và thời gian ủ gạo ngắn nên sợi bún chắc chắn rất xấu. Để “nâng cấp” loại bún này, cơ sở bún phải dùng đến hóa chất tẩy trắng, tăng độ dẻo dai có tên Tinopal.
“Nếu cho bột năng, bột lọc vào thì sợi bún mới chỉ có được độ dẻo dai thôi. Thêm hóa chất Tinopal vào thì sợi bún mới trắng được”, chủ cơ sở bún này cho biết.
Cũng theo anh này thì một muỗng hóa chất Tinopal trộn vào 140kg gạo sẽ cho ra 300kg bún tươi trắng sáng, đẹp mắt. Khi bột cho vào thùng trộn, hóa chất sẽ được rắc vào, máy trộn đều bột với hóa chất rồi cho qua máy ép sợi trước khi qua lò đun.
Thủ đoạn bỏ hóa chất cũng rất tinh vi. Chỉ công nhân nào được chủ tin tưởng nhất mới cho đứng máy trộn và trực tiếp bỏ hóa chất. Hóa chất được bọc trong bao nilong màu đen và giấu sát bên máy trộn để tiện cho việc trộn nhanh lẹ và cũng để dễ tẩu tán nếu bị kiểm tra bất ngờ.
Hóa chất độc hại được cho vào ở giai đoạn trộn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Tinopal được bán rộng rãi tại “chợ hóa chất” Kim Biên (Q.5, TPHCM) với tên là Tinopal-AMS, Tinopal-DMS,… Giá dao động từ 400.000 – 550.000 đồng/kg. Loại hóa chất này cũng được rao bán trên mạng internet với tên Tinopal CBS-X, giá bán sỉ là 590.000 đồng/kg.
Đây là loại hóa chất tẩy rửa cực mạnh, có màu vàng hoặc màu trắng, không mùi. Chúng tôi thử chấm một ít bột lên đầu ngón tay, lát sau chỗ da tiếp xúc với hóa chất đã chuyển sang màu trắng bạch.
Hỏi một chủ sạp có bán hóa chất, chị này cho biết, Tinopal được nhiều người mua để pha chế trong bột giặt xà phòng và làm trắng bún.
Hóa chất tẩy trắng độc hại Tinopal không có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế nhưng vẫn được dùng để tẩy trắng bún.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, Tinopal là loại hóa chất tẩy rửa trong hoạt động công nghiệp, dùng làm trắng, sáng sản phẩm. Tinopal không có tên trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế. Tinopal không được dùng trong chế biến thực phẩm. Bản thân Tinopal là chất tẩy, nên khi sử dụng trong “công nghệ” làm trắng bún thì khi ăn phải hóa chất này sẽ bị tẩy ruột và làm tổn thương các tế bào nhung mao ở màng ruột, làm bong các lớp tế bào, tạo điều cơ hội cho các mầm bệnh tấn công.
Theo Công Quang
Dân trí