Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 2 tháng, chừng ấy thời gian các bác sĩ làm việc quần quật, nên có nhiều lúc sơ hở khó tránh.
Điều không mong muốn đã xảy ra
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chiều 24/3, PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại BV đang điều trị cho 46 bệnh nhân mắc Covid-19.
Ngoài ra, mỗi ngày BV lấy mẫu, xét nghiệm cho hàng trăm trường hợp trong đó có 348 trường hợp nghi ngờ đang được theo dõi chặt.
Do số lượng bệnh nhân đông, mật độ tương đối nhiều nên dù bệnh viện đã phân luồng, sàng lọc và cách ly người nhiễm chặt chẽ, đồng thời hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn nhưng 1 bác sĩ khoa Cấp cứu vẫn bị nhiễm Covid-19.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương làm việc trong mùa dịch
Cán bộ y tế này thường xuyên làm việc trong môi trường phòng áp lực âm, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nặng trong nhiều ngày.
“Cuối cùng điều bệnh viện lo ngại và không mong muốn đã xảy ra. Đây là trường hợp rất đáng buồn với nhân viên của bệnh viện”, PGS Thạch nói.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho rằng, việc cán bộ y tế nhiễm bệnh là điều không ai mong muốn nhưng đã xảy ra. Trung Quốc đã từng ghi nhận tới hơn 3.000 y, bác sĩ lây nhiễm bệnh là bài học lớn với Việt Nam.
Do đã có lây nhiễm chéo từ bệnh nhân sang y bác sĩ nên PGS Khuê đề nghị, BV Bệnh nhiệt đới rà soát lại toàn bộ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm tra việc thực hiện của các khoa phòng, thậm chí có biện pháp kỷ luật với nơi nào làm không đúng.
“Phải làm việc nghiêm túc để dịch bệnh không lây lan nhiều cho cán bộ y tế. Việc tháo bỏ đồ phòng hộ như thế, xử lý đồ vải như thế nào… cần làm quyết liệt để mầm bệnh không lây trong bệnh viện, không lây ra môi trường, cán bộ y tế có đủ sức lực và niềm tin chiến đấu với đại dịch”, PGS Khuê nói.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị bệnh viện rà soát lại lực lượng nhân viên y tế để có thể điều chuyển, sắp xếp, cách ly phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng công tác khám, chữa bệnh.
Với các trang thiết bị, nếu thiếu cần kịp thời báo cáo Bộ Y tế để có giải pháp phù hợp. Quan điểm Cục cũng như của Tiểu ban điều trị là dành mọi nguồn lực tốt nhất cho công tác chống dịch của bệnh viện, vì đây là cơ sở y tế truyền nhiễm tuyến đầu của cả nước.
Nghiêm khắc hơn nữa để không thầy thuốc nào nhiễm bệnh
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đ.ánh giá cao những nỗ lực và cống hiến của tập thể y bác sĩ bệnh viện trong thời gian qua.
Sau khi ghi nhận 1 bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2, Thứ trưởng mong tập thể cán bộ, nhân viên của bệnh viện tiếp tục động viên nhau, nỗ lực cố gắng hơn.
“Tai nạn với bác sĩ ở khoa Cấp cứu chúng ta cần hoàn toàn thông cảm khi các y bác sĩ đã phải tham gia cuộc chiến Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 tháng qua. Suốt ngày quần quật trong khoa, thay đồ rồi vào điều trị cho bệnh nhân. Ngày nào công việc cũng như thế thì chắc chắn sẽ có lúc sơ hở”, Thứ trưởng Sơn nói.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu BV siết chặt các quy định để không có thêm thầy thuốc nào bị lây nhiễm Covid-19
Để không có thêm nhân viên y tế nào nhiễm bệnh, Thứ trưởng Sơn yêu cầu bệnh viện cần rà soát lại công tác nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra lại khu cách ly, kiểm tra lại việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ khi khám chữa bệnh… Nơi nào làm chưa đúng cần phê bình, rút kinh nghiệm nghiêm túc, để tránh những hậu quả không mong muốn.
“Chúng ta phải nghiêm khắc hơn nữa để thầy thuốc không bị lây nhiễm, để chúng ta có đủ sức lực, có đủ niềm tin để chiến đấu với dịch bệnh và chiến thắng dịch bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cần quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần của cán bộ y bác sĩ và cần có kế hoạch điều chuyển nhân lực để tránh môt nhóm bác sĩ và nhân viên bị quá tải”, Thứ trưởng Y tế lưu ý.
Về cách ly với chính cán bộ y tế, Thứ trưởng Sơn cho rằng có thể lựa chọn cách ly tại bệnh viện, bố trí khu riêng cho cán bộ y tế nghỉ ngơi hoặc sắp xếp một cơ sở cư trú gần bệnh viện. Trường hợp khó khăn thì có thể cách ly tại nhà nhưng phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế chuyển số t.iền ủng hộ 5 tỷ đồng của một đơn vị cho BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bản thân Thứ trướng cũng gửi tặng các món quà đến bác sĩ của khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức tích cực nhằm chia sẻ và động viên các thầy thuốc đang ngày đêm vất vả nơi tuyến đầu chống dịch.
Thúy Hạnh
Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly, điều trị
Để ứng phó với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), nhiều biện pháp đã được Bộ Y tế đưa ra. Đặc biệt, việc thực hiện cách ly, điều trị tại các bệnh viện (BV) được Bộ Y tế chỉ đạo rất sát sao.
Ảnh minh họa
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, khi có người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus corona được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương (tại Khoa truyền nhiễm, BV đa khoa tuyến tỉnh). Các BV bảo đảm nguyên tắc cách ly triệt để người bị nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus corona trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 khu vực là khu người bệnh nghi ngờ; khu người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu người bệnh trước khi xuất viện.
Khi có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với chủng virus corona mới sẽ chuyển người bệnh tới BV tuyến cuối theo phân tuyến điều trị. Theo đó, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Hà Nội) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của BV Bệnh Nhiệt đới trung ương người bệnh sẽ được chuyển đến: BV Bạch Mai, BV Nhi trung ương. BV Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên). BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng, người bệnh sẽ được chuyển đến BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng TP HCM.
Đức Trân
Theo daidoanket