Lợi ích của khoai lang: Ăn khoai có thể giảm cân hay không?
Đầu tiên, bạn cần hiểu một điều là không có bất kỳ loại thức ăn nào thật sự có chức năng giảm cân đúng nghĩa, nhiều lắm chỉ là có tác dụng hỗ trợ mà thôi. Về mặt dinh dưỡng, khoai lang thuộc loại lương thực thô điển hình, được sử dụng phổ biến bởi hầu như ai cũng ăn được.
Lợi ích của khoai lang có thật sự thể hiện trong quá trình giảm thể trọng của bạn? Nhiệt lượng của khoai lang bình quân khoảng 87kcal/100g, trong khi nhiệt lượng của cơm lên đến 346kcal/100g. Vì vậy nếu so sánh các loại lương thực với nhau thì nhiệt lượng của khoai lang đích thực tương đối thấp.
Có thể thấy, ăn khoai lang giúp đem lại cảm giác no gần giống với ăn cơm, giúp bạn hạn chế bớt lượng thực phẩm đưa vào cơ thể, cải thiện vấn đề dư thừa nhiệt lượng và béo phì. Tuy nhiên, khoai lang không thể thay thế cơm, bởi vì hàm lượng Protein trong khoai cũng khá thấp, dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng nếu bạn chỉ ăn khoai.
Lợi ích của khoai lang: Ăn khoai làm tăng hay giảm đường huyết?
Có người nói khoai lang có thể tăng đường trong máu vì có vị ngọt hơn cơm, cũng có người nói khoai lang lại làm giảm đường huyết vì nó thuộc nhóm lương thực thô. Vậy thực hư cách nói nào mới đúng?
Thực tế, không có kết luận nào chính xác cho mối liên quan giữa việc ăn nhiều khoai lang và mức độ đường trong máu. Nếu tham khảo theo chỉ số đường huyết (GI) thì ở khoai lang là 77, cơm là 80 cho nên có thể thấy mặc dù khoai có vị ngọt hơn cơm nhưng chỉ số GI không chênh lệch bao nhiêu.
Ngoài ra, khoai lang cũng có rất nhiều loại, cách chế biến đa dạng và ảnh hưởng của khoai đối với cơ thể mỗi người cũng không giống nhau. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe không thể dựa vào việc ăn khoai lang nhiều hay ít, bạn nên tập thói quen đo đường huyết định kỳ để xác định.
Lợi ích của khoai lang: Ăn khoai có tác dụng ngừa ung thư không?
Tác nhân gây ung thư có nhiều loại khá phức tạp, trong đó thói quen ăn uống khoa học cũng hỗ trợ bạn phòng ngừa ung thư tốt hơn. Vậy lợi ích của khoai lang có nằm trong đây? Mặc dù khoai lang có thể giúp bạn cải thiện nhiệt lượng dư thừa nhưng để nói là có tác dụng phòng ngừa ung thư vẫn còn là một tranh luận.
Hàm lượng chất xơ trong khoai lang khá phong phú. Mỗi ngày ăn 50 – 100g khoai lang có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện táo bón v.v… Tuy nhiên, để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bạn cần phải có một chế độ ăn uống đa dạng và tích cực, kết hợp nhiều phương diện khác trong sinh hoạt chứ không thể chỉ ăn nhiều khoai lang là được.
Lợi ích của khoai lang: Có cần phân biệt khoai lang đỏ và tím?
Xét về nhiệt lượng thì khoai lang đỏ khoảng 87kcal/100g, trong khi nhiệt lượng của khoai lang tím lên đến 133kcal/100g. Tuy có sự chênh lệch nhưng nếu xét tổng thể trong nhóm lương thực thô thì khoai lang màu gì đều là loại củ có nhiệt lượng thấp nên không nhất thiết phân biệt.
Nếu muốn so sánh thì điểm khác biệt giữa khoai lang đỏ và khoai lang tím chủ yếu ở thành phần dinh dưỡng vi lượng. Ví dụ hàm lượng Lutein của khoai lang đỏ cao hơn tím. Đây là chất có tính hòa tan trong Lipit giúp duy trì chức năng thị giác, đồng thời cũng hỗ trợ trung hòa các gốc tự do có hại.
Trong khi đó, hàm lượng Anthocyanidin của khoai lang tím lại cao hơn đỏ. Chất này có tác dụng kháng oxi hóa, thúc đẩy hợp thành DNA, duy trì sức sống và phân chia các tế bào trong cơ thể.
Tuy có một chút khác biệt giữa các loại khoai lang nhưng nhìn chung, bài biết hy vọng giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích của khoai lang để tận dụng nguồn lương thực thiên nhiên này một cách hợp lý, hiệu quả cho sức khỏe.
Thiên Khuê (Theo QQ)