Nhảy dây tăng chiều cao như thế nào?
Lợi ích của nhảy dây không chỉ là nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật mà còn hỗ trợ chiều cao ở một mức độ nhất định. Nhảy dây là bài tập có tính chất “bơm tim”, tức là nó thúc đẩy tuần hoàn máu hoạt động tốt hơn.
Đây cũng là vận động tốc độ cao, cải thiện tính linh hoạt của các cơ và dây chằng. Khi nhảy, toàn bộ cơ thể cương cứng giúp kéo căng cột sống, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và tốt cho xương.
Nhảy dây đúng cách thật sự có thể giúp bạn trông cao hơn, mặc dù nó không phải tăng chiều cao thực chất mà là hiệu quả khi tư thế cơ thể được điều chỉnh. Ngoài ra, uốn cong đầu gối khi nhảy dây cũng khiến cơ bắp chân được giãn ra.
Lợi ích sức khỏe của nhảy dây
Duy trì hệ tim mạch khỏe mạnh
Nhảy dây là môn vận động rèn luyện tim một cách tự nhiên. Khi nhảy liên tục, nhịp tim sẽ tăng lên, giúp cho việc bơm máu và oxy thuận lợi hơn đến khắp cơ thể. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em chơi nhảy dây giúp giảm bệnh tim mạch khi trưởng thành.
Giúp cơ thể săn chắc
Nhảy dây là bài tập toàn thân có tác dụng đốt cháy chất béo trên toàn bộ cơ thể. Thực hiện môn vận động này đúng cách và điều độ giúp cơ bắp săn chắc, thân hình cân đối và còn cải thiện sức mạnh của phần thân dưới.
Hỗ trợ giảm cân
Nếu bạn đang muốn giảm cân, hãy thử luyện tập với môn nhảy dây. Các chuyên gia còn khuyến khích bạn có thể nhảy dây theo điệu nhạc để đạt hiệu quả giảm mỡ tốt hơn. Mẹo này cũng khiến bạn tăng cảm giác hưng phấn và kiên trì mỗi ngày.
Cải thiện chức năng phổi
Nhảy dây có hiệu quả tương tự giống như các bài thể dục nhịp điệu. Thực hiện trong thời gian dài, bạn sẽ cảm nhận được hô hấp sâu và tốt hơn, tuần hoàn được cải thiện và tăng cường dung tích phổi.
Thư giãn tinh thần
Lợi ích của nhảy dây còn được khuyến khích bởi hiệu quả cải thiện tâm trạng. Nhiệt độ cơ thể tăng lên và máu lưu thông thuận lợi có tác dụng giảm căng thẳng, nâng cao nhận thức và giúp tinh thần minh mẫn, sáng tạo.
Tốt cho xương khớp
Mật độ xương thấp dẫn đến tình trạng yếu xương, loãng xương. Nghiên cứu cho thấy rằng nhảy dây ở cường độ thích hợp có thể cải thiện mật độ xương một cách tự nhiên. Cường độ thấp hơn một chút cũng có lợi cho khớp.
Nâng cao tính linh hoạt và sự phối hợp của toàn bộ cơ thể
Điều tuyệt vời của môn nhảy dây chính là tuy trông như hoạt động đơn giản nhưng nó đòi hỏi sự chính xác đồng bộ của tay, chân và cả mắt lẫn hô hấp. Khi nhảy qua sợi dây, não và toàn bộ cơ thể “ăn ý” phối hợp với nhau để giữ thăng bằng và không giẫm lên dây.
Thực tế, bạn không phải chỉ có nhảy thôi mà còn phải duy trì nhịp điệu và có những điều chỉnh tức thời trong quá trình nhảy. Điều này giúp tăng cường khả năng ứng biến nhanh nhẹn, khéo léo của cơ thể.
Bắt đầu như thế nào và cần chú ý gì khi thực hiện nhảy dây?
Mặc quần áo gọn gàng, thấm hút tốt và phù hợp với thể hình của bạn, giúp quá trình nhảy dây thuận lợi và hiệu quả hơn. Đầu tiên, bạn cần điều chỉnh độ dài của sợi dây cho vừa phải tầm tay của mình.
Hãy nhảy dây trong 1 phút vì cường độ này giúp bạn làm quen thoải mái khi mới bắt đầu. Sau đó, bạn có thể tăng lên 1 – 2 phút mỗi tuần và tối đa chỉ nên nhảy trong 10 – 15 phút rồi nghỉ giải lao, uống nước để hạn chế nguy cơ mất chất điện giải.
Người chưa bao giờ nhảy dây chỉ nên bắt đầu khoảng 50 lần nhảy trong những ngày đầu tiên. Khi toàn bộ cơ thể và hô hấp đã quen dần, bạn có thể tăng số lần lên từ 75 đến 100. Mặc dù vậy, tùy thể trạng của mỗi người mà tăng – giảm cho phù hợp.
Chú ý nhớ khởi động trước khi nhảy dây để tránh rủi ro khi tập luyện. Bạn nên mặc thêm áo lót thể thao để ngực không bị khó chịu hay chảy xệ. Uống nước điện giải trước và sau khi nhảy dây để bù lại lượng mồ hôi thất thoát.Bạn có vấn đề về tim. Chỉ làm điều đó nếu bác sĩ cho bạn tín hiệu xanh.
Người mắc bệnh tim, cao huyết áp hay từng chấn thương xương nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn áp dụng môn nhảy dây. Bạn có thể thay bằng bài tập nhẹ nhàng hơn như thiền, yoga nếu sức khỏe không đủ điều kiện.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về lợi ích của nhảy dây, từ đó có phương pháp tập luyện an toàn và hiệu quả.
Thiên Khuê (Theo Style)