Những lý do mà nước hầm xương tốt cho sức khỏe
Nước hầm xương được tạo ra bằng cách ninh nhừ xương và cả mô thịt động vật. Nguyên liệu điển hình nhất là xương heo, bò, gà và cá. Loại thực phẩm này cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa, xương khớp và cả trí não.
Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể
Lợi ích của nước hầm xương đầu tiên phải kể đến là nguồn dinh dưỡng đa dạng. Tuy nhiên, hàm lượng dưỡng chất cũng có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại xương bạn dùng và cách chế biến.
Nghiên cứu cho thấy, xương động vật có chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, kali, natri, phốt pho cùng với một lượng nhỏ đồng, sắt và kẽm. Mặc dù món nước ninh từ xương chỉ có thể cung cấp khoảng 5% trở xuống các nguyên tố này.
Ngoài ra, dinh dưỡng từ nước hầm xương còn bổ sung một phần protein đáng kể, góp phần thúc đẩy sự phát triển cơ bắp và nâng cao hệ miễn dịch. Axit amin trong đó cũng cần thiết cho sức khỏe toàn diện của bạn.
Có lợi cho sức khỏe đường ruột
Trong nước hầm xương có chứa nhiều axit amin glutamine, chất này có tác dụng cải thiện đường ruột khỏe mạnh hơn. Nó giúp cân bằng hệ vi sinh trong ruột, duy trì sức bền của niêm mạc bên trong, giảm viêm ruột và viêm loét đại tràng…
Tăng cường sự dẻo dai cho các khớp
Collagen trong nước hầm xương cũng là một dưỡng chất có giá trị. Loại protein này hỗ trợ nuôi dưỡng làn da, làm chậm lão hóa và tăng cường sự khỏe mạnh cho xương khớp, dây chằng.
Nghiên cứu cho thấy hấp thu collagen giúp tạo sụn bảo vệ khớp tốt hơn, đồng thời nó cũng thích hợp cho người bị chứng đau khớp, viêm khớp dạng thấp.
Giảm viêm
Những dưỡng chất có trong nước hầm xương còn hỗ trợ cải thiện các chứng viêm, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tim mạch, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa, bệnh phổi, tiểu đường, ung thư…
Cải thiện giấc ngủ và nâng cao trí não
Glycine là một trong những dưỡng chất tạo nên lợi ích của nước hầm xương. Chất này đóng vai trò cải thiện trí nhớ và chức năng não bộ. Ngoài ra, bổ sung glycine cũng giúp bạn ngủ ngon hơn.
Cách làm nước hầm xương tại nhà đơn giản nhất
Đầu tiên, bạn nên chọn mua xương từ thịt heo, gà, bò hoặc cá ở nơi đảm bảo chất lượng để có nồi nước hầm thơm ngon và an toàn hơn. Sau khi rửa sạch xương cần dùng, bạn có thể áp dụng cách nấu đơn giản sau.
– Cho xương đã sơ chế sạch vào nồi nước và đun sôi.
– Thêm 1 – 2 thìa cà phê giấm táo, tiếp tục nấu lửa nhỏ trong 3 – 5 tiếng tùy (loại xương và số lượng).
– Thêm cà rốt hoặc cần tây, củ cải trắng… nấu mềm.
– Nêm muối và gia vị để tạo hương vị thơm ngon hơn.
– Khi xương và rau củ đã ninh nhừ, tắt bếp để nguội rồi dùng vải thưa lọc lấy nước dùng.
– Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng tối đa 3 ngày nhưng tốt nhất vẫn là dùng ngay trong ngày.
Dùng nước hầm xương cần chú ý gì?
Nước hầm xương dùng trong kinh doanh có thể chứa hàm lượng kim loại khá cao. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chọn loại xương ở cửa hàng uy tín và tự nấu để giảm nguy cơ này. Nước hầm xương cũng có nhược điểm là không dùng được cho người ăn chay.
Không có tiêu chuẩn cụ thể cho việc sử dụng nước hầm xương. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu bằng 1 cốc nước dùng này mỗi ngày để quan sát sự thích ứng của cơ thể và tạo thói quen cho khẩu vị.
Một số người có thể không quen mùi vị của nước hầm xương. Do đó, bạn có thể áp dụng nhiều cách sử dụng khác nhau, ví dụ như dùng nước ninh xương để nấu canh súp, nấu mì, làm nước sốt, dùng cho món xào hoặc luộc…
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về lợi ích của nước hầm xương, tạo ra nhiều món ngon và bổ dưỡng hơn cho gia đình.
Thiên Khuê (Theo Health)