Cam quýt đang vào mùa rộ nên người dân có xu hướng ăn nhiều, uống nhiều nước ép. Trước tình hình đó, nhiều người bày tỏ nỗi lo vàng da do ăn quá nhiều loại thực phẩm này.
Cam quýt đang vào mùa rộ với giá “hạt dẻ”, nhiều người đổ xô mua về ăn, ép nước uống nhưng lại sợ… vàng da
Vào thời điểm hiện tại, dường như đi đâu những sạp hàng hoa quả cũng tràn ngập cam quýt. Cam quýt vốn là loại trái cây có múi rất phổ biến của vùng nhiệt đới với hàm lượng vitamin C cực dồi dào cùng nhiều khoáng chất khác.
Đặc biệt, vào mùa đông lạnh khiến hệ miễn dịch của mọi người – bất kể người già hay trẻ có xu hướng giảm mạnh thì một ly nước cam ép, nước quýt vắt hay ăn cả múi để tăng cường chất xơ đều giúp sức khỏe trở nên dồi dào hơn. Thậm chí, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) còn nhận định, uống mỗi ngày một ly nước cam quýt sẽ giúp tăng sức đề kháng, giúp bạn không phải thường xuyên gặp bác sĩ. Vào mùa đông, mỗi ly nước này lại càng trở nên quan trọng khi giúp tránh được những bệnh phổ biến như cảm lạnh, cảm cúm.
Vào thời điểm hiện tại, dường như đi đâu những sạp hàng hoa quả cũng tràn ngập cam quýt.
Hiểu được những lý do đó, nhiều người luôn tích trữ thật nhiều cam quýt trong nhà để ăn và uống nhằm tăng cường sức khỏe vào mùa lạnh. Với giá rẻ chỉ 10.000 – 15.000 đồng/kg nên đây là món thực phẩm chăm sóc sức khỏe được người dân hiện nay rất tin dùng. Tuy nhiên, nhiều người gần đây đặt ra nghi ngại tiêu thụ thực phẩm màu vàng như cam quýt quá nhiều có thể gây ra tình trạng vàng da. Thậm chí, nhiều người sợ mình sẽ trông giống những nhân vật Minion như trong phim hoạt hình với nước da vàng đặc trưng. Do đó, họ e dè sử dụng những món quả màu vàng như cam quýt.
Để minh chứng rõ hơn cho điều này, người ta dẫn lại câu chuyện cách đây vài năm, ở Trung Quốc từng ghi nhận một trường hợp bị vàng da do ăn quá nhiều cam quýt mỗi ngày. Đó là trường hợp của Tiểu Hồ (Chiết Giang, Trung Quốc). Cô gái này ăn hơn 20 quả cam và quýt mỗi ngày nên mắc chứng vàng da. Ban đầu khi thấy da mình bị vàng, Tiểu Hồ tưởng mình bị bệnh gan nên đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, qua xét nghiệm thì gan của cô vẫn bình thường, chỉ da là có vấn đề. Sau đó, bác sĩ kết luận Tiểu Hồ bị nhiễm caroten cao trong m.áu do ăn quá nhiều cam quýt.
Lo sợ vàng da khi ăn quá nhiều, uống nhiều nước ép cam quýt: Chuyên gia nói gì?
Theo lương y Bùi Hồng Minh, trong cam quýt có rất nhiều loại vitamin tốt cho cơ thể, nhất là vitamin C, axit folic, cực tốt cho sức khỏe bị suy giảm vào mùa lạnh. Đông y ghi nhận, cam có vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu.
Cam quýt đang vào mùa rộ, có giá rẻ nên nhiều người tận dụng ăn uống hàng ngày là thói quen rất tốt. Tuy nhiên, nguy cơ bị vàng da hay không thì vị lương y này cho rằng thiếu cơ sở khoa học. Điều quan trọng nhất là khi ăn uống quá nhiều cam quýt mỗi ngày, chúng ta có nguy cơ mắc bệnh.
Cam quýt đang vào mùa rộ, có giá rẻ nên nhiều người tận dụng ăn uống hàng ngày là thói quen rất tốt.
“Uống nước cam quýt quá nhiều, thay thế nước lọc, uống khi đói có thể gây hại niêm mạc dạ dày, uống khi vừa uống sữa xong sẽ gây phản ứng, làm ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, gây chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy… Lạm dụng uống nhiều, uống cả buổi tối có thể gây nên chứng đi tiểu đêm, làm mất ngủ”, lương y Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho rằng, trái cây họ cam quýt tuy có màu vàng nhưng không phải là loại thực phẩm có khả năng gây vàng da do ăn nhiều như xoài, đu đủ, cà rốt… Do đó, nguy cơ ăn cam quýt bị vàng da thực sự vẫn chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định.
Nếu bị vàng da do ăn thực phẩm giàu caroten, chuyên gia nhấn mạnh bạn cũng không việc gì phải lo lắng.
Nếu bị vàng da do ăn thực phẩm giàu caroten, chuyên gia nhấn mạnh bạn cũng không việc gì phải lo lắng. Bởi lẽ, tình trạng này không gây nguy hiểm, dễ kiểm soát. Nếu bạn hay ăn thực phẩm như cà rốt, đu đủ… và bị vàng da thì chỉ cần ngừng hoặc giảm ăn loại thực phẩm này sẽ hết vàng da. Đây không hẳn là bệnh lý, chỉ là chứng tăng caroten m.áu nên hoàn toàn có thể điều chỉnh được bằng lối sống. Tuy nhiên, nếu không dùng những thực phẩm giàu carotene mà bị vàng da, tốt nhất bạn nên đi khám để có kết quả chuẩn xác.
Chuyên gia cho biết thêm, cam quýt dù đang trong mùa rộ, rất tốt cho sức khỏe nhưng đừng quên bất cứ thực phẩm nào nếu lạm dụng đều có thể biến thành “thuốc độc”. Thay vì ăn quá nhiều, mỗi ngày, bạn chỉ nên uống một ly nước cam 200ml. Đối với phụ nữ mang thai có thể tăng lên 300ml, tương đương ăn hoặc uống một quả cam có đường kính 4,5cm. Với trẻ nhỏ, bạn chỉ nên cho con ăn hoặc uống nửa quả cam mỗi ngày. Với quýt có kích cỡ quả nhỏ hơn, có thể ăn 2-3 quả mỗi ngày sẽ cung cấp vitamin C cho cơ thể, khỏi lo bệnh tật không mong muốn.
Theo Helino
Những loại rau củ nếu không được nấu chín sẽ gây ngộ độc
Ngộ độc từ rau củ rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày nếu bạn không lưu ý nấu chín kỹ hoặc loại bỏ hoàn toàn độc tố trong những loại thực phầm thông dụng dưới đây
Do trong đậu nành sống có thành phần độc tố, vì vậy nếu sữa đậu nành không được nấu chín khi sử dụng cũng có thể dẫn đến ngộ độc. Sữa đậu nành phải được nấu chín, đun nóng đến 100 C trong khoảng 10 phút.
Trong đậu cô ve có chứa độc tố Saponin. Nếu không được nấu chín, chất saponin trong đậu sẽ kích thích mạnh hệ tiêu hóa gây ngộ độc và các triệu chứng viêm đường tiêu hóa.
Sắn sống chứa glucosides cyanogenic kích thích sản xuất chất hydrogen cyanide rất độc. Ăn 150-300gram sắn sống có thể gây ngộ độc và thậm chí t.ử v.ong. Vì vậy, bắt buộc phải ngâm nước và nấu chín kỹ trước khi thưởng thức.
Hạt đậu tằm chứa một số loại enzyme khuyết thiếu, có tác động nhất định đối với cơ thể con người, có thể gây ra hội chứng tán huyết dị ứng sau khi ăn đậu tươi. Các triệu chứng của ngộ độc đậu tằm là thiếu m.áu, vàng da, gan to, nôn mửa, sốt…
Khoai tây nảy mầm có chứa solanine, chất có thể gây ngộ độc, cứng lưỡi, khiến thanh quản tê liệt, gây buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, nóng rát dạ dày và các triệu chứng khác.
Mộc nhĩ tươi có chứa chất porphyrin – chất nhạy cảm ánh sáng. Nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi, cơ thể tiếp xúc với ánh sáng thì sẽ gây viêm da, ngứa, phù nề, trầm trọng có thể gây hoại tử da.
Các loại rau mầm có thể chứa vi khuẩn có hại như E. coli, salmonella và Listeria. Vì vậy, nếu ăn rau mầm sống sẽ rất dễ bị ngộ độc.
Cà tím có chứa solanine một chất làm giảm hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể. Không những vậy, lượng solanine trong cà tím già chưa chín tương đối cao, rất dễ ngộ độc.
Rau chân vịt có chứa rất nhiều axit oxalic, khi ở trong ruột loại axit này sẽ kết hợp với canxi hình thành oxalat canxi gây cản trở việc hấp thụ canxi của cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt canxi.
Trong măng chứa nhiều glucid, khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit có khả năng gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều.
Theo infonet