Sự cố “ tè dầm” khi đang yêu khiến anh mặc cảm, nhiều lúc sợ không dám gần vợ dù anh đã cố gắng hết sức.
Ảnh minh họa
Hết ham muốn “chăn gối” vì hội chứng “tè dầm”
Anh N.T.T bị chứng rối loạn tiểu tiện nhiều năm nay. Bệnh khiến anh rất khó chịu khi tiểu buốt, tiểu rắt vài chục lần mỗi ngày. Có những ngày anh đi tới 50 lần. Chỉ cần ho, hắt hơi hay mang vật nặng cũng khiến anh có thể “tè dầm”, ướt át như con nít. Bệnh ngày càng nặng hơn, anh mất ăn mất ngủ khiến cơ thể gầy sọp nhanh chóng.
Căn bệnh cũng làm anh luôn thấy tự ti, mặc cảm. Mọi cuộc đi chơi của cơ quan, bạn bè hay gia đình, anh đều không dám đi vì chỉ sợ cảnh phải đi tìm nhà vệ sinh. Ngay chính chuyện sinh hoạt vợ chồng trở nên vô cùng phức tạp, gặp không ít tình huống dở khóc dở cười vì cứ đang “yêu” vợ, anh lại phải dừng lại vì buồn tiểu. Sự cố “tè dầm” khi đang yêu khiến anh mặc cảm, nhiều lúc sợ gần vợ dù cố gắng hết sức.
Tìm đến Phòng khám chuyên khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau khi làm các kiểm tra, anh được chẩn đoán mắc rối loạn tiểu tiện nặng. Sau một liệu trình điều trị thời gian khá lâu, anh mới kiểm soát được tình trạng của mình để có cuộc sống bình thường.
BS Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay, nhiều người hiện mắc hội chứng rối loạn tiểu tiện. Người bệnh phải đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, gần như phụ thuộc vào nhà vệ sinh. Hầu hết chứng tiểu nhiều không do các bệnh nguy hiểm nhưng gây phiền toái trong sinh hoạt, công việc, mất ngủ… Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, chứng bệnh buồn tiểu cả ngày còn làm người bệnh khổ sở cả về mặt tinh thần.
Không chỉ nam giới, tỷ lệ chị em mắc rối loạn tiết niệu cũng tương đối nhiều. Theo chia sẻ của BS Đình Liên, có tháng Khoa tiếp nhận 8 ca bệnh bị chứng oái oăm buồn tiểu cả ngày thì có 5 người là nữ giới. Gần nhất có trường hợp cô gái trẻ mắc rối loạn tiểu tiện, mỗi ngày đi tiểu đến cả trăm lần. Rồi thậm chí, nhiều nữ nhân viên văn phòng phải đeo bỉm đi làm vì nước tiểu cứ trực trào ta. Cả ngày buồn tiểu khiến chị không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Khi đến gặp bác sĩ, nữ bệnh nhân này đã vào tình trạng lãnh cảm, không thể quan hệ t.ình d.ục sau một thời gian dài mắc bệnh.
Sau khi xác định được bệnh, các bác sĩ đã điều trị cho chị bằng cách nong niệu đạo, tập cơ thắt, nhịn tiểu và bơm rửa bàng quang. Tình trạng đã cải thiện sau một thời gian điều trị, chị gần như kiểm soát được tình trạng đi tiểu của mình.
Kiểm soát rối loạn tiểu tiện
Các chuyên gia cho rằng, một người được cho là đi tiểu nhiều nếu số lượng nước tiểu trên 2,5 lít trong 24 giờ; hoặc đi tiểu nhiều lần trong 1 ngày (tiểu thường xuyên). Người bình thường mỗi ngày có thể đi tiểu từ 4 – 8 lần. Nếu đi tiểu trên 8 lần/ngày hoặc phải thức giấc để đi tiểu hơn 1 lần trong đêm thì được xem là đi tiểu nhiều lần.
Với những người uống nhiều nước thì việc đi tiểu nhiều lần là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng trường hợp uống ít nước mà số lần đi tiểu vẫn gia tăng là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Tiểu nhiều nếu để lâu không điều trị còn tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn gây nhiều bệnh như suy thận, viêm bàng quang…
Theo BS Đình Liên cho biết, ở mọi lứa t.uổi đều có thể mắc rối loạn tiểu tiện, đặc biệt là t.uổi tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh do cơ thắt đường tiểu kém. Hoặc những người có bệnh lý viêm bàng quang, niệu quản cắm lạc chỗ, bệnh lý bàng quang thần kinh đều có thể gây ra chứng buồn tiểu cả ngày này.
Để giải quyết được tình trạng này cần phải tìm được căn nguyên cụ thể. Do đó, khi thấy tình trạng tiểu nhiều trong ngày, tiểu buốt, tiểu rắt và đau mỗi khi tiểu cần đi khám chuyên khoa Thận tiết niệu để được điều trị dứt điểm. Điều quan trọng là người bệnh đừng vì xấu hổ mà giấu bệnh.
Căn bệnh oái ăm này hoàn toàn có thể khỏi với việc thay đổi thói quen sinh hoạt, tập thể dục cơ ở vùng kín, kết hợp với uống thuốc và can thiệp ngoại khoa. Người bệnh cần tránh việc tự ý mua thuốc cắt cơn buồn tiểu vì rất dễ gây biến chứng ứ nước thận, suy thận, thời gian điều trị kéo dài mà không có kết quả tốt.
Theo các chuyên gia, có thể kiểm soát tiểu tiện bằng việc điều chỉnh lối sống, thời điểm uống nước, chế độ ăn uống thích hợp. Bệnh nhân cần tránh các thức ăn có tính kích thích bàng quang hoặc có tác dụng như thuốc lợi tiểu đồ uống chứa caffein, nước ngọt có ga, thức ăn nhiều đường… Theo dõi lượng nước uống trong ngày. Uống đủ nước và chia lượng nước uống nhiều ban ngày, ít dần về chiều tối, trước khi ngủ, không nên uống nhiều nước để tránh bị tiểu đêm.
Tăng cường luyện tập thể dục, thực hiện các bài tập Kegel là những bài tập cho cơ sàn chậu. Các bài tập này hỗ trợ bàng quang khỏe mạnh bằng cách tăng cường các cơ niệu đạo và xương chậu. Khi các cơ sàn chậu khỏe sẽ ngăn ngừa tình trạng tiểu són, nhất là khi hắt hơi hay tiểu nhiều lần.
Theo giadinh.net
Điều trị chứng viêm thận – bể thận theo Đông y an toàn mà hiệu quả
Viêm thận – bể thận là bệnh viêm của tổ chức nhu mô thận do nhiễm khuẩn, là loại bệnh tiết niệu hay gặp có các triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt, đau vùng thắt lưng và tiểu buốt, tiểu rắt. Bệnh hay gặp ở phụ nữ nhất là thời kỳ thai nghén.
Viêm thận – bể thận là bệnh viêm của tổ chức nhu mô thận do nhiễm khuẩn, là loại bệnh tiết niệu hay gặp có các triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt, đau vùng thắt lưng và tiểu buốt, tiểu rắt. Bệnh hay gặp ở phụ nữ nhất là thời kỳ thai nghén. Trên lâm sàng chia hai loại: cấp và mạn tính. Đối với thể cấp tính, nếu điều trị tích cực phần lớn bệnh đều khỏi, một số ít kéo dài, tái phát nhiều lần mà chuyển thành mạn tính và có thể dẫn tới suy thận.
Theo y học cổ truyền bệnh viêm thận – bể thận thuộc phạm trù chứng “lâm” hoặc chứng “yêu thống”.
Theo y học cổ truyền thì viêm thận – bể thận cấp và bán cấp có triệu chứng giống với các chứng nhiệt lâm, huyết lâm và khí lâm thực chứng, còn viêm thận – bể thận mạn có triệu chứng như chứng lao lâm và khí lâm hư chứng. Vị trí bệnh chủ yếu ở thận và bàng quang, bệnh lý chủ yếu là thận hư và thấp nhiệt. Ở thể cấp tính, chính khí không đầy đủ và tà khí thịnh nên bệnh lý chủ yếu là bàng quang khí hóa không thông lợi nên thấp nhiệt uất kết gây nên. Trường hợp viêm thận – bể thận mạn thì chính khí hư mà chủ yếu là tỳ thận khí hư, thấp nhiệt tà không đuổi đi được nên trên lâm sàng biểu hiện triệu chứng hư thực phức tạp.
Theo y học cổ truyền, thấp nhiệt độc xâm phạm thận bàng quang có thể là từ bên ngoài vùng â.m h.ộ vệ sinh kém sinh thấp nhiệt độc, có thể do ăn nhiều chất béo ngọt tích tụ sinh thấp sinh nhiệt, hoặc do bệnh nhiệt, tâm hỏa hạ chú tiểu tràng ảnh hưởng đến bàng quang, hoặc do can khí uất sinh nhiệt, hoặc bệnh nhiệt các vùng khác trong cơ thể sản sinh thấp nhiệt tà hạ chú bàng quang gây chứng nhiệt lâm, nhiệt bức huyết hành sinh chứng huyết lâm, bàng quang khí hóa không thông lợi sinh các chứng tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu buốt hoặc tiểu có mủ.
Thận khí hư là do thiên tiên bất túc, do phòng dục quá độ, do sinh đẻ quá nhiều, do lao lực… thường có triệu chứng của lao lâm, cơ thể suy nhược, bệnh kéo dài, đau thắt lưng, mỏi gối, thận âm hư, can dương vượng sinh đau đầu, hoa mắt mờ mắt, chóng mặt, tăng huyết áp, bệnh nặng hơn dẫn đến thận dương hư, thấp trọc, thủy độc tích tụ nhiều trong cơ thể dẫn đến suy thận. Tỳ khí hư là do bệnh lâu ngày, thấp nhiệt khốn tỳ, do lo nghĩ nhiều, do lao động quá sức, ăn nhiều chất béo ngọt, rượu chè vô độ gây tổn thương tỳ, tỳ khí hư nên tiểu nhiều lần, mệt mỏi chán ăn, bụng đầy, tiêu chảy, sụt cân, khó thở sinh chứng lao lâm, khí lâm.
Đông y điều trị viêm thận – bể thận: Tùy thể bệnh mà dùng các bài thuốc cụ thể.
Trạch tả.
Thể bàng quang thấp nhiệt: Gai rét phát sốt, tiểu đau, tiểu gấp tiểu nhiều lần, bụng dưới đầy đau, lưng đau, rêu lưỡi vàng nhày, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.
– Phép trị: Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm.
-Bài thuốc: Biển súc 15g, hoạt thạch 15g, cù mạch 12g, mộc thông 8g, chi tử 12g, kim ngân hoa 15g, liên kiều 12g, ô dược 10g, xa t.iền tử 15g (bọc vào túi khi sắc), cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Thể can đởm uất nhiệt: Sốt và rét xen kẽ, người khó chịu bứt rứt muốn nôn, chán ăn, lưng đau, bụng dưới đau, tiểu nhiều lần mà nóng, rêu lưỡi vàng đậm, mạch huyền sác.
– Phép trị: Thanh lợi can đởm, thông điều thủy đạo.
– Bài thuốc: Long đởm thảo 12g, sơn chi 12g, hoàng cầm 12g, sài hồ 12g, sinh địa 15g, trạch tả 12g, xa t.iền tử (bọc vào túi khi sắc) 30g, mộc thông 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Thể thận âm bất túc, thấp nhiệt đinh lưu: Tiểu nhiều lần, tiểu đau, sốt nhẹ, váng đầu, ù tai, mồ hôi trộm, họng khô môi táo, lưỡi đỏ không rêu, mạch huyền tế sác.
– Phép trị: Tư âm thanh nhiệt.
– Bài thuốc: Đơn bì 12g, phục linh 16g, trạch tả 12g, sơn dược 12g, sinh địa 16g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, thạch hộc 16g, thạch vỹ 16g. Sắc uống ngày một thang.
Thể tỳ thận đều hư, thấp tà chưa hết: Ngoài các triệu chứng như thể thận âm bất túc nêu trên, thêm chứng phù mặt và chân, chán ăn bụng đầy, tiêu phân lỏng, mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, lưỡi bệu sắc nhợt, mạch trầm tế vô lực.
– Phép trị: Kiện tỳ bổ thận thấm thấp.
– Bài thuốc: Đảng sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 16g, đỗ trọng 12g, mộc hương 12g, trần bì 6g, cẩu tích 15g, ý dĩ nhân 20g, trạch tả 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Chú ý: Trong điều trị bệnh viêm thận – bể thận, đối với viêm thận – bể thận cấp và thể cấp diễn của viêm thận – bể thận mạn đều thuộc chứng thực nhiệt do chức năng khí hóa của bàng quang rối loạn mà thấp nhiệt tà uẩn kết, cho nên phép trị là khu tà làm chính, dùng thuốc thanh nhiệt giải độc liều lượng phải lớn, mỗi ngày có thể dùng 2 thang sắc uống. Đối với viêm thận – bể thận mạn, bệnh kéo dài nhiều ngày, chính khí đã suy, bệnh thường hư thực phức tạp nên trong điều trị cần chú ý bổ hư và cần kết hợp tốt với các phương pháp điều trị theo Tây y.
BS. Lê Thu Hương
Theo Sức khỏe đời sống