Mách nhỏ phụ huynh mẹo thiết kế phòng ngủ thân thiện với trẻ

Tất cả phụ huynh đều đã biết hoặc được khuyến cáo bởi bác sĩ nhi khoa, bạn bè và Internet về một thói quen ban đêm sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng giấc ngủ của trẻ. Tuy nhiên, bạn có biết rằng một phòng ngủ thân thiện với giác quan đóng vai trò quan trọng như thế nào không? Nếu đứa trẻ gặp khó khăn trong việc ổn định tinh thần, ngủ hoặc thức dậy một cách tự nhiên thì một phòng ngủ êm dịu với giác quan có thể giúp ích.

Khả năng tự làm dịu và tự điều chỉnh có thể tạo ra một thế giới khác biệt khi đi ngủ. Vấn đề về giấc ngủ cực kỳ phổ biến ở trẻ em có nhu cầu đặc biệt. “Tạo ra một phòng ngủ thân thiện, êm dịu sẽ giúp con bạn tự điều chỉnh, bất kể là ngày hay đêm”, Alescia Ford-Lanza, một nhà vật lý trị liệu và người sáng lập Adapt & Learn, LLC nói. “Khi giờ giải lao và giờ đi ngủ được thiết lập theo hướng tích cực, tức bạn đã thành công trong việc tạo ra một nơi thư giãn cho con bạn chơi, học và ngủ.”, chuyên gia này cho biết thêm.

Việc thiết kế và trang trí một phòng ngủ thân thiện, an toàn với trẻ là điều rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần lẫn sức khỏe của bé.

Hãy kiểm tra lại cách thiết kế và bài trí phòng ngủ của con bạn, xem có thể thực hiện được bất kỳ chỉnh sửa nào để giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn hay không? Dưới đây là một số lời khuyên từ Alescia Ford-Lanza về việc thiết kế phòng ngủ thân thiện cho bé.

1. Nếu phòng của con bạn ở gần một con phố đông đúc, bị ảnh hưởng bởi tiếng chó sủa từ nhà hàng xóm hoặc gần hành lang trong nhà thì trẻ dễ tỉnh giấc, khó ngủ bởi những kích thích đó. Trong trường hợp này, phụ huynh hãy xem xét trang bị một máy tạo tiếng ồn trắng gần cửa phòng ngủ hoặc ứng dụng iPhone/iPad được thiết kế để khơi gợi sóng não dành riêng cho giấc ngủ.

2. Hãy chú ý tới giường ngủ của con bạn. Chất liệu ga gối bằng vải mềm, thoáng khí là lý tưởng nhất. Rất đơn giản, chiếc áo phông mà trẻ yêu thích có thể sẽ giúp bạn biết chất liệu nào khiến chúng thoải mái nhất. Tường cạnh giường ngủ có thể in hình hoặc dán poster nhân vật hoạt hình/động vật mà trẻ thích, tuy nhiên nên tránh những hình ảnh quá kích thích.

3. Kinh nghiệm cho thấy, những bộ đồ thoải mái, chăn lông, túi ngủ hoặc chăn có trọng lượng nặng hơn một chút có thể tạo cảm giác an tâm cho bé, giảm thiểu cảm giác lo lắng, sợ hãi, nhất là với trẻ đang tập ngủ một mình.

Chất liệu ga gối, thảm trải, ghế ngồi cần đảm bảo mềm mại, thoáng khí để trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu nhất.

4. Nếu con bạn có vấn đề về cảm xúc, quá nhạy cảm với ánh sáng, hãy sử dụng đèn bàn có thể bật/tắt dễ dàng. Đối với trường hợp này, công tắc đèn điều chỉnh độ sáng là lựa chọn hoàn hảo. Đồng thời, nếu phòng ngủ của bé có cửa sổ, bạn nên sử dụng rèm chắn sáng hiệu quả, giúp giảm thiểu ánh sáng tự nhiên vào phòng – thứ có thể khiến trẻ căng thẳng hơn.

5. Bên cạnh đó, bạn nên thiết kế góc chơi ngay trong phòng ngủ để giúp trẻ thư giãn, ổn định tinh thần trước khi vào giấc. Lều bạt, sách báo, thú nhồi bông, ghế hạt đậu… là những món đồ hỗ trợ đắc lực để tạo ra một phòng ngủ thân thiện, gần gũi.

Hẳn bé yêu nhà bạn sẽ mê mệt với ghế ngồi thư giãn, đọc sách bên cửa sổ.

6. Sự bừa bộn có thể kích hoạt sự lo lắng và quá khích ở hầu hết trẻ, cho dù bé có bị tự kỷ hay không. Thế nên, hãy cố gắng giữ cho phòng ngủ của trẻ luôn gọn gàng, ngăn nắp với hệ kệ lưu trữ gắn tường, tủ ngăn kéo thông minh tích hợp giường ngủ…

7. Hầu hết phụ huynh đều thích màu sơn tươi sáng, vui nhộn khi thiết kế phòng ngủ của trẻ. Tuy nhiên, đôi khi những gam màu đó không thực sự phù hợp để tạo ra không gian ngủ nghỉ, thư giãn bình yên. Nếu con bạn quá nhạy cảm với ánh sáng và màu sắc, hãy cân nhắc lựa chọn một gam màu tối hơn như xám, xanh nước biển hoặc tím. Đây là những gam màu hấp thụ nhiều ánh sáng hơn thay vì phản chiếu nó. Tông màu nâu đất cũng là một lựa chọn tốt.

8. Cuối cùng, liệu pháp mùi hương có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một phòng ngủ thân thiện cho trẻ. Một số mùi hương có thể rất hiệu quả trong việc thư giãn cơ thể và giảm kích thích, căng thẳng não bộ. Hầu hết các loại dầu đều có thể được khuếch tán trong không khí, pha loãng và bôi lên cơ thể hoặc cho vào bồn tắm trẻ em ngay trước khi đi ngủ.

Một mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu cũng có thể tạo ra một không gian ngủ nghỉ thân thiện, tạo cảm giác thư giãn tối đa.

Lam Giang

>> “Bỏ túi” 6 nguyên tắc vàng khi thiết kế nội thất phòng cho trẻ

>> Gia đình có trẻ con cần nắm rõ những nguyên tắc thiết kế nhà an toàn sau

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/07/01/mach-nho-phu-huynh-meo-thiet-ke-phong-ngu-than-thien-voi-tre

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *