Với bằng chứng nước ngâm chân đổi màu thể hiện tình trạng bệnh khiến không ít gia đình bỏ t.iền triệu để mua máy và phát hoảng với ý nghĩ vì sao cơ thể mình nhiều chất độc đến thế…
Sai về cơ chế vật lý
Kỹ sư chính Nguyễn Ngọc Khang – Trưởng phòng Vật lý Điện tử, Viện Vật lý cho biết, mặc dù ông chưa được biết đến sản phẩm này, nhưng nếu đúng như mô tả trong thông tin giới thiệu sản phẩm thì có thể suy luận được cơ chế vật lý của công nghệ này.
Thông thường, chúng ta thấy nước trong, không màu, nhưng thực chất lẫn trong nước vẫn có các thành phần khoáng chất tự nhiên hòa tan như canxi, magie, sắt… Các thành phần này mang điện tích dương, khi kết hợp với các ion âm được tạo ra từ máy sẽ được trung hòa điện tích và kết tủa, làm đổi màu nước.
Như vậy, về nguyên tắc, việc đổi màu nước này không phụ thuộc vào chân người ngâm trong đó mà phụ thuộc vào nước ngâm. Nước càng có nhiều sắt thì khi kết tủa càng có màu đen, hoặc nước có nhiều canxi thì kết tủa trắng càng nhiều.
Là người có nhiều năm nghiên cứu trong ngành vật lý điện tử, KSC Nguyễn Ngọc Khang khẳng định, ion âm có một số ứng dụng nhất định, hữu ích đối với sức khoẻ con người.
Tuy nhiên, “nguyên lý” cho rằng: “Các dòng ion di chuyển từ bàn chân lên khắp cơ thể giúp cân bằng và điều hòa các độc tố tạo ra áp lực mạnh hút các ion mang độc tố này ra ngoài cơ thể thông qua lỗ chân lông” là không có cơ sở.
Hơn nữa, theo KSC Khang, trong quá trình trung hòa điện tích với các khoáng chất mang điện tích dương để tạo thành kết tủa làm biến đổi màu nước, thì những ion âm này cũng sẽ không còn tác dụng nữa.
Nghi ngờ tác dụng chữa bệnh
Cùng chung quan điểm với KSC Nguyễn Ngọc Khang, BS Đào Bá Vy – nguyên trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện 354 nghi ngờ khả năng hút hết độc tố ra khỏi cơ thể và tác dụng “điều trị tận gốc mọi triệu chứng như mỏi mệt, đau nửa đầu, làn da bị sạm màu, lên cân” và nhiều chứng bệnh khác như thấp khớp, tiểu đường, huyết áp, cholesterol…
BS Đào Bá Vy cho biết, chính ông đã được một người bạn cho dùng thử loại máy này, và sau khoảng 15 phút ngâm chân thì nước chuyển sang màu nâu đen, có những bọt trắng sủi lên. Nếu chú ý quan sát sẽ thấy những chất bẩn khiến nước trong chậu đổi màu chính là các kết tủa xuất phát từ bảng cực sủi chứ không phải từ chân mình.
BS Vy cho rằng, cũng không nên loại trừ khả năng có thể các chất tạo màu, tạo bọt sủi được đóng khô xung quanh bảng cực sủi và khi sử dụng trong môi trường nước các chất này sẽ từ từ tan ra tạo thành những mảng bám nổi lên trên mặt nước.
Như vậy, trong những lần sử dụng đầu tiên, nước sẽ có màu đen đậm hơn và những lần kế tiếp sẽ nhạt dần đi và nhà phân phối “vin” vào đó mà nói rằng chất độc trong cơ thể đã được giải bớt sau mỗi lần sử dụng máy…
Theo Bee