Tại Việt Nam, đa phần phụ nữ ít hoặc không được tư vấn về tình trạng sức khỏe trước khi mang thai. Vì vậy, đã có nhiều người phụ nữ mắc bệnh tim có thai mà không lường hết được mức độ nguy hiểm của việc này, không thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, gây ra nhiều biến cố sản khoa đáng tiếc.
Toàn cảnh buổi hội nghị chủ đề “Sản phụ khoa – Hỗ trợ sinh sản” do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm tái thành lập Khoa Phụ sản của Bệnh viện.
Trích dẫn nghiên cứu của bản thân và đồng nghiệp, thực hiện tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 1/2016 đến tháng 2/2018 trên 81 sản phụ mắc bệnh tim, TS. Lưu Tuyết Minh – Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết, bệnh tim là mối đe dọa thường trực đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ. Các biến cố liên quan đến tim và thai nhi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong quá trình mang thai, trong chuyển dạ và trong thời kỳ hậu sản.
Người mẹ mắc bệnh tim có thể gặp phải biến chứng suy tim, dọa phù phổi, phù phổi cấp, tắc mạch, osler, loạn nhịp, thậm chí t.ử v.ong trong quá trình sinh nở. Trong đó, biến cố suy tim rất thường gặp, chiếm tới 37% tổng số sản phụ có bệnh tim mắc phải và chiếm 85,7% tổng số các tai biến tim sâu. Ngoài ra, có 43,3% sản phụ bị suy tim độ II, 13,3% trường hợp suy tim độ III.
Chuyên gia nước ngoài làm việc tại Hội nghị
TS. Lưu Tuyết Minh cho biết, sản phụ bị suy tim khi mang thai không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe cơ thể, mà em bé trong bụng cũng có thể gặp biến chứng. Nguy cơ biến chứng cho thai nhi ở các sản phụ mắc bệnh tim suy tim cao gấp 2,27 lần so với các sản phụ mắc bệnh tim khác và cao hơn rất nhiều lần so với các sản phụ khỏe mạnh.
Trong trường hợp người mẹ suy tim nặng, thì biến chứng đối với con càng nhiều. Có tới 7,4% sản phụ bị đình chỉ thai nghén, 3,7% bị thai lưu hoặc thai kém phát triển, thai non tháng, sảy thai, trẻ sinh ra có điểm apgar thấp, yếu ớt.
Bên cạnh đó, khi mắc bệnh tim, sản phụ thường phải sinh non do các bác sĩ chủ động mổ sinh sớm để tránh ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khỏe của mẹ. Vì vậy, trẻ sinh ra nhẹ cân hơn so với những trẻ có người mẹ khỏe mạnh.
Rất đông chuyên gia về sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản tham dự hội nghị tại Bệnh viện Bạch Mai sáng 29/11.
Tuy số lượng sản phụ mắc bệnh tim không nhiều, nhưng nguyên nhân khiến các sản phụ mắc bệnh tim bắt nguồn từ 2 căn bệnh thường gặp đó là sốt thấp khớp và thấp khớp cấp. Ngoài ra, một số sản phụ mắc tổn thương tim bẩm sinh, ví dụ tổn thương van tim hai lá hoặc hẹp hai lá, hở hai lá…
Chia sẻ tại Hội nghị Sản phụ khoa – Hỗ trợ sinh sản tổ chức vào sáng 29/11, TS. Lưu Tuyết Minh cho biết, dựa trên những nghiên cứu về các biến cố của bệnh tim liên quan tới sản phụ và trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ nắm bắt được tình trạng bệnh và có hướng điều trị, đưa ra lời tư vấn đúng, có kế hoạch sinh sản phù hợp dành cho các sản phụ mắc bệnh tim.
Hội nghị Sản phụ khoa – Hỗ trợ sinh sản được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm tái thành lập Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh bài nghiên cứu của TS. Lưu Tuyết Minh, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những nghiên cứu xung quanh những vấn đề khác trong lĩnh vực sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản, được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai như: Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và xử trí sản khoa đối với thai phụ viêm gan virus B của PGS.TS. Phạm Bá Nha – Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai và đồng nghiệp nghiên cứu; Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật phụ khoa của bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương – Trường Đại học Y Hà Nội và đồng nghiệp; Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của mô bệnh học rong kinh rong huyết cơ năng do PGS.TS. Đặng Minh Nguyệt – Trường Đại học Y Hà Nội và các đồng nghiệp nghiên cứu…
PGS.TS. Phạm Bá Nha – Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại buổi hội nghị
PGS.TS. Phạm Bá Nha – Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có khoảng 8.000 sản phụ sinh con tại đây mỗi năm. Khoa cũng đã thực hiện gần 1.000 ca mổ phụ khoa, thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng, các tai biến sản khoa có phối hợp với bệnh lý phức tạp, kèm nhiều biến chứng nặng nề từ các khoa lâm sàng trong bệnh viện cũng như từ các bệnh viện chuyên khoa, tuyến dưới và không ít các bệnh nhân được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến trung ương khác.
Khoa Phụ Sản còn là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội, của Trường Cao đẳng Y Bạch Mai, đào tạo TS, BS CKII, ThS, BSCK I, cơ sở chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới, thường xuyên hội chẩn chuyên môn, giải quyết các tình huống khẩn cấp cho các địa phương khi cần thiết.
Vì vậy, những bài nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai giúp mô tả một số đặc điểm trong khám, chữa bệnh cho các sản phụ, góp phần nâng cao công tác chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh tại Khoa Phụ sản.
Theo viettimes
Phát triển thành công phương pháp điều trị đơn giản bệnh nhân suy tim
Phương pháp đơn giản, không yêu cầu phải sử dụng những thiết bị xử lý ở cấp độ tế bào nên rất dễ dàng đưa vào ứng dụng trong các bệnh viện mà không cần các chuyên gia phải trực tiếp thực hiện.
Ảnh minh họa. (Nguồn: interestingengineering)
Các chuyên gia đến từ Đại học Osaka, Nhật Bản vừa phát triển thành công một phương pháp điều trị mới dành cho các bệnh nhân bị suy tim bằng cách phun trực tiếp tế bào gốc lên bề mặt tim.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp này sẽ được triển khai áp dụng trong 3 đến 5 năm tới.
Phương pháp này là thành quả nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia do giáo sư Yoshiki Sawa, chuyên ngành phẫu thuật tim mạch, dẫn đầu.
Phương pháp đơn giản, không yêu cầu phải sử dụng những thiết bị xử lý ở cấp độ tế bào nên rất dễ dàng đưa vào ứng dụng trong các bệnh viện mà không cần các chuyên gia phải trực tiếp thực hiện.
Phương pháp này hướng tới những bệnh nhân bị tim mãn tính do thiếu m.áu cục bộ, tình trạng các cơ tim không được cung cấp đủ m.áu. Nếu tình trạng này xấu đi sẽ dẫn đến nguy cơ hoại tử cơ tim, từ đó làm suy giảm chức năng bơm m.áu đi toàn cơ thể của trái tim.
Biện pháp mới bao gồm bước phun tế bào gốc trung mô trong các dung dịch gắn kết lên bề mặt tim của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật động mạch vành nhân tạo. Quy trình này diễn ra trong chưa đầy một phút.
Việc thực hiện quy trình này trong quá trình phẫu thuật động mạch vành nhân tạo sẽ giúp hồi phục chức năng của tim.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng với biện pháp này dưới sự giám sát của các bác sỹ chuyên khoa tại Bệnh viện Đại học Osaka để kiểm tra độ an toàn và tính hiệu quả trước khi xin cấp phép đưa biện pháp này vào ứng dụng trong chăm sóc y tế cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sawa cũng từng phát triển một phương pháp điều trị khác, bao gồm cấy ghép các “mảng” tế bào cơ tim có được từ quá trình nuôi cấy các tế bào lấy từ bắp đùi.
Hiện phương pháp này đã được đưa vào áp dụng nhưng không phổ biến vì đòi hỏi thiết bị xử lý ở cấp độ tế bào./.
Lê Ánh
Theo TTXVN/Vietnamplus