Lao phổi là bệnh gì?
Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) và nó có thể xuất hiện ở tất cả các bộ phận của cơ thể như: lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao hạch bạch huyết, lao xương khớp, lao ruột, lao hệ sinh dịch – tiết niệu. Trong đó, bệnh lao phổi là căn bệnh lao thường gặp nhất (chiếm đến 80-85%) và cũng là nguồn lây trực khuẩn lao chính cho những người xung quanh.
Bệnh lao phổi là một bệnh nhiễm trùng liên quan đến phổi do trực khuẩn lao gây ra. Nó có thể lây lan sang các cơ quan khác trong cơ thể đồng thời lây nhiễm cho người xung quanh. Bệnh lao phổi có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị bằng kháng sinh.
Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng liên quan đến phổi do trực khuẩn lao gây ra
Lao phổi là một trong những căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao nếu không có biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Người bệnh lao phổi sẽ phát tán trực khuẩn lao khi ho, sạc nhổ đờm,… và những người xung quanh có thể bị lây nhiễm do hít trực tiếp trực khuẩn lao.
Tuy nhiên, tiếp xúc với trực khuẩn lao không có nghĩa là bạn sẽ bị bệnh lao phổi. Thông thường, khi một vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ thiết lập cơ chế bảo vệ cơ thể, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Và khi hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu, vi khuẩn lao sẽ có điều kiện phát triển hơn và nguy cơ mắc bệnh lao cũng sẽ cao hơn.
Các loại bệnh lao phổi
Lao phổi được phân thành 2 loại bao gồm:
Lao phổi tiềm ẩn: Người bệnh nhiễm trùng lao nhưng trực khuẩn lao trong cơ thể không hoạt động và không gây ra triệu chứng. Lao phổi tiềm ẩn còn được gọi là lao phổi không hoạt động hoặc lao phổi sơ nhiễm, không lây nhiễm. Tuy nhiên, lao tiềm ẩn hoàn toàn có thể chuyển thành lao hoạt động, đặc biệt là khi hệ miễn dịch của bạn suy yếu. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.
Lao phổi hoạt động: là trạng thái chính của bệnh lao phổi, khi trực khuẩn lao hoạt động và gây ra các triệu chứng cho cơ thể, có thể lây nhiễm cho người khác. Lao phổi hoạt động có thể xảy ra vài tuần hoặc vài năm sau khi nhiễm trực khuẩn lao.
Người bị lao phổi sống được bao lâu?
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người sống sót sau lao phổi hoạt động nhờ điều trị thành công có thể có tuổi thọ thấp hơn những người bị lao phổi tiềm ẩn, ước tính mất từ 3 đến 4 năm tuổi thọ. Do đó, điều quan trọng là phải điều trị lao phổi tiềm ẩn ngay khi được chẩn đoán, trước khi nó trở thành bệnh lao hoạt động.
Người bị lao phổi sống được bao lâu?
Sau khi điều trị thành công lap phổi ban đầu, có thể phát triển lao phổi tái phát, do sự kích hoạt lại của chủng ban đầu hoặc do tái nhiễm. Nguy cơ mắc lao phổi tái phát cao hơn ở những vùng có tỷ lệ lao cao (nơi đang có tỷ lệ bệnh lao cao) và do các yếu tố nguy cơ như kháng thuốc, nhiễm HIV, hút thuốc, bệnh phổi và lạm dụng ma túy, cùng một số yếu tố khác. Những người bị lao phổi tái phát có nhiều khả năng tử vong vì lao phổi hơn những người bị nhiễm một lần duy nhất và được chữa khỏi.
Nếu không được điều trị sớm hoặc không kết thúc quá trình điều trị theo quy định, một người bị lao phổi có thể bị tổn thương phổi suốt đời. Nếu nhiễm trùng đã lan sang các vùng khác của cơ thể, bạn có thể bị tổn thương ngắn hạn hoặc dài hạn và gặp nhiều triệu chứng về sức khỏe. Nếu không có bất kỳ loại điều trị nào, người bệnh lao phổi có thể bị tử vong.
Những người mắc bệnh lao phổi đa kháng thuốc hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn hại có tiên lượng kém nhất và tuổi thọ thấp nhất trong số những người bị nhiễm bệnh. Nguy cơ tử vong đối với những người nhiễm HIV là rất cao nếu nhiễm lao phổi không được điều trị. Điều quan trọng là ngay khi được chẩn đoán lao phổi, người bệnh cần phải được điều trị càng sớm càng tốt, đặc biệt là với các trường hợp có hệ thống miễn dịch bị tổn hại. Và điều đặc biệt quan trọng là người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị lao phổi bằng thuốc theo đúng chỉ định để giảm nguy cơ tạo vi khuẩn lao kháng thuốc.
Điều trị và tiên lượng lao phổi
Số ca nhiễm lao phổi trên toàn thế giới giảm chậm kể từ năm 2015, tuy nhiên, các dạng lao phổi đa kháng thuốc đang gia tăng. Tiên lượng lao phổi có thể được cải thiện bằng cách tuân theo một đợt điều trị chính xác theo chỉ định.
Điều trị lao phổi bằng thuốc trong 6 tháng hoặc lâu hơn
Nếu bạn bị lao phổi đang hoạt động, bất kể khi nào bạn bị phơi nhiễm, bạn có thể sẽ phải dùng thuốc trong 6 tháng hoặc lâu hơn để điều trị bệnh. Hầu hết những người bị lao phổi đang hoạt động phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc để chống lại căn bệnh này.
Và nếu bạn bị lao phổi kháng thuốc, bạn có thể phải dùng thêm thuốc trong thời gian dài hơn, có thể hơn 2 năm. Điều rất quan trọng là bạn không được kết thúc việc uống thuốc điều trị lao phổi ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Nếu bạn ngừng dùng thuốc trước khi quá trình điều trị hoàn tất, trực khuẩn lao vẫn còn trong cơ thể bạn có thể trở nên kháng thuốc bạn đang dùng, khiến tình trạng lao phổi càng khó điều trị hơn.
Ngay cả những người mắc lao phổi tiềm ẩn cũng có thể được chỉ định điều trị để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng hoạt động. Tuy nhiên, các trường hợp lao phổi tiềm ẩn thường được kê ít thuốc hơn để điều trị nhiễm trùng.
Làm thế nào để tránh lây lan lao phổi?
Đối với người chưa mắc bệnh
- Tiêm phòng bệnh lao: Tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ ngay tháng đầu sau sinh để ngăn ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh lao.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
- Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ bằng nước và xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh lao phổi.
- Giữ vệ sinh nơi ở.
- Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát nguy cơ mắc lao phổi.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài và khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh
Đối với người mắc bệnh
Trường hợp lao phổi tiềm ẩn sẽ không có nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh, bạn chỉ cần tuân thủ những biện pháp phòng ngừa đối với người chưa mắc bệnh là được.
Trường hợp bạn bị lao phổi hoạt động, sẽ mất khoảng 2-3 tuần dùng thuốc trước khi bạn không còn lây nhiễm nữa. Trong khi chờ đợi, bạn cần lưu ý một số điều sau để tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh:
- Không đi làm hoặc đi học cho đến khi bác sĩ cho phép.
- Cách ly bản thân với các thành viên trong gia đình bằng cách ở trong phòng riêng của bạn.
- Đeo khẩu trang che mũi và miệng khi ra ngoài, tiếp xúc với người khác.
- Khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định, đờm hoặc các vật chứa nguồn lây bệnh cần phải được xử lý đúng phương pháp, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám mỗi tháng 1 lần.
- Mở cửa sổ trong phòng để không khí chứa vi khuẩn ra ngoài. Ánh nắng mặt trời cũng có thể làm mất khả năng hoạt động của vi khuẩn lao. Lưu ý, lao phổi có nhiều khả năng lây lan trong những không gian nhỏ, khép kín, nơi không khí không di chuyển.
- Thông báo với bất kỳ bạn bè và thành viên trong gia đình nào mà bạn đã tiếp xúc gần gũi để được xét nghiệm và chẩn đoán lao phổi.
Đến đây chắc hẳn các bạn đã có lời đáp cho câu hỏi người bị lao phổi sống được bao lâu rồi phải không nào? Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết hôm nay của Emdep.vn, các bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về căn bệnh lao phổi, phương pháp điều trị cũng như tiên lượng sống của người bệnh lao phổi.
Ngay khi có nghi ngờ nhiễm lao phổi hay vừa mới tiếp xúc với người bệnh lao phổi, tốt nhất bạn hãy nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Minh LT (Tổng hợp)