Người dân được mua bán đất nông nghiệp với diện tích tối đa bao nhiêu?

Mua bán đất nông nghiệp là giao dịch khá phổ biến hiện nay tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là đất ruộng giá rẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho suất đầu tư, bạn cần nắm rõ các quy định liên quan tới loại đất này, trong đó có hạn mức diện tích tối đa được mua bán.

Đất nông nghiệp là loại đất có mục đích sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Nhóm đất nông nghiệp gồm các loại đất: Đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác); đất trồng cây lâu năm; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối và đất nông nghiệp khác.

Vậy người dân được mua bán đất nông nghiệp với diện tích tối đa là bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.

1. Hạn mức mua bán đất là gì?

Hạn mức mua đất là diện tích đất tối đa mà người dân được phép nhận chuyển nhượng. Hạn mức được Nhà nước quy định cho loại hình đất nông nghiệp, không quy định hạn mức đối với đất phi nông nghiệp. 

Theo quy định hiện hành, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất là giới hạn tối đa diện tích đất nông nghiệp mà một cá nhân, hộ gia đình được phép nhận chuyển quyền từ người sử dụng đất. Cụ thể, Điều 130, Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này.

2. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ.”

Điều 44, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình đối với từng loại đất là khác nhau.

Mua bán đất nông nghiệp diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh minh họa

2. Quy định về hạn mức mua bán đất nông nghiệp

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối của mỗi cá nhân, hộ gia đình để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được áp dụng đối với các hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nhận tặng cho quyền sử dụng đất; xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất như sau.

Hạn mức mua bán đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối

Khoản 1, Điều 44, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được áp dụng đối với hình thức nhận chuyển nhượng như sau:

  • Không quá 30 ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

  • Không quá 20 ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.

Hạn mức mua bán đất trồng cây lâu năm 

Khoản 2, Điều 44, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm được áp dụng đối với hình thức nhận chuyển nhượng như sau:

  • Không quá 100 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng.

  • Không quá 300 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Hạn mức mua bán đất rừng sản xuất là rừng trồng

Khoản 3, Điều 44, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng được áp dụng đối với hình thức nhận chuyển nhượng sau:

  • Không quá 150 ha đối với các thị trấn, phường, xã ở đồng bằng.

  • Không quá 300 ha đối với các thị trấn, phường, xã ở trung du, miền núi.

3. Hạn mức mua bán đất nông nghiệp đối với một số trường hợp khác 

Hạn mức mua bán đất nông nghiệp đối với một số trường hợp khác được quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 44, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

>>> Xem thêm:

  • Làm sao để được xây nhà trên đất nông nghiệp?

  • Người dân tự đổi đất nông nghiệp cho nhau được hay không?

Nếu muốn xây nhà trên đất nông nghiệp, người sử dụng đất cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở. Ảnh minh họa

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đối với trường hợp này, tổng diện tích được nhận chuyển quyền trong hạn mức đối với mỗi loại đất (đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản) bằng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cao nhất.

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất

Với trường hợp cá nhân, hộ gia đình nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản) thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình đó được xác định theo từng loại đất quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 44 ,Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền

Đối với trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5, Điều 44, Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/07/2007 thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền.

Trong khi đó, với trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5, Điều 44, Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01/07/2007 đến trước ngày 01/07/2014 thì cá nhân, hộ gia đình được tiếp tục sử dụng đất và chỉ phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước đối với phần diện tích vượt hạn mức nhận chuyển quyền.

Trên đây là hạn mức mua bán đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình được áp dụng từ ngày 01/07/2014 đến nay. Người sử dụng đất cần nắm rõ và tuân thủ đúng theo quy định để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Để tìm hiểu thêm các quy định pháp luật liên quan tới đất nông nghiệp, bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

Lam Giang (TH)

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2022/03/24/nguoi-dan-duoc-mua-ban-dat-nong-nghiep-voi-dien-tich-toi-da-bao-nhieu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *