Sau uống thuốc vài phút, ông T. thấy đau bụng, buồn nôn, tức ngực. Các triệu chứng nhanh chóng tăng nặng, người bệnh có biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, dần rơi vào nguy kịch.
Nam bệnh nhân T.X.T. sinh năm 1962, ở Sơn Dương, Tuyên Quang được đưa tới cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa Hùng Vương, Sơn Dương, Tuyên Quang tối 3/1 trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, kích thích, hoảng hốt.
Người nhà cho biết, bệnh nhân có t.iền sử phản vệ với thuốc kháng sinh Cefalexin 500mg cách đây nhiều năm.
Chiều tối ngày 3/1, sau bữa ăn, bệnh nhân thấy ho, đau rát họng nên đã uống 1 liều thuốc do người vợ mua về từ quầy dược để trị viêm họng. Thuốc này gồm nhiều loại, đã chia sẵn thành từng liều trong các gói nilon.
Sau uống thuốc vài phút, ông T. thấy đau bụng, buồn nôn, tức ngực. Các triệu chứng nhanh chóng tăng nặng nên gia đình lo lắng, đưa người bệnh đi cấp cứu.
Những liều thuốc gia đình ông T. tự mua về từ quầy dược
Bệnh nhân T. thời điểm mới nhập viện cấp cứu
Các bác sĩ cho hay, chỉ sau vài phút tiếp nhận, bệnh nhân có biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt. Kíp cấp cứu ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ, xử trí cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ.
Sau khoảng 10 phút, người bệnh qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định, tiếp tục được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) để điều trị.
Trong quá trình vận chuyển, bệnh nhân một lần nữa có biểu hiện tụt huyết áp, đã được nhanh chóng xử trí theo phác đồ cấp cứu.
Hiện tại, bệnh nhân T. đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây t.ử v.ong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, truyền dịch, bị ong đốt ăn một loại thức ăn lạ,…
Người bị sốc phản vệ thường xuất hiện cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi… ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc muộn hơn.
Sau đó, người bệnh có các biểu hiện như nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay; mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; đau quặn bụng, vệ sinh không tự chủ.
Nặng hơn, bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, hôn mê hoặc choáng váng, vật vã, giẫy giụa, co giật.
Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân sốc phản vệ có thể t.ử v.ong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Các bác sĩ khuyến cáo, những người có t.iền sử dị ứng, phản vệ với các dị nguyên như thuốc, thức ăn… hãy cẩn trọng hơn khi dùng thuốc, ăn uống. Nếu phát hiện có các triệu chứng bất thường, có thể do sốc phản vệ, cần tới ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Nam thanh niên nguy kịch tính mạng do bị ong đốt
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tinh thần hoảng loạn do bị ong đốt với các dấu hiệu đau buốt tại vết đốt, mẩn đỏ toàn thân, choáng váng, tức ngực.
Sau khi được cấp cứu, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định trở lại. Ảnh: VTV News
VTV News dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, bệnh viện vừa qua đã tiếp nhận, điều trị cho một nam thanh niên nguy kịch do bị ong đốt. Theo đó, bệnh nhân nam, 23 t.uổi, nhập viện trong tình trạng tinh thần hoảng loạn do bị ong đốt với các dấu hiệu đau buốt tại vết đốt, mẩn đỏ toàn thân, choáng váng, tức ngực.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện của sốc như phản hồi mao mạch chậm, tụt huyết áp, nhịp tim chậm. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do côn trùng đốt. Nhận định trường hợp bệnh nhân rất nguy kịch, ekip đã nhanh chóng cấp cứu. Sau khoảng hơn 30 phút liên tục tiến hành đồng thời các biện pháp cấp cứu, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định trở lại.
Theo các bác sĩ, tai nạn do ong đốt, đặc biệt các loại ong có độc tính cao như ong vò vẽ, ong bắp cày… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy khi phát hiện bị ong đốt, đầu tiên cần ra khỏi khu vực có ong, nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan nhanh trong cơ thể.
Có thể dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra nhưng tuyệt đối không dùng tay nặn lấy ngòi vì có thể khiến nọc độc lan sâu hơn vào cơ thể. Ngoài ra có thể chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau, giảm sưng; uống nhiều nước để loại thải độc tố và nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.