Nguy cơ dịch chồng dịch trong mùa Đông Xuân

Cùng với dịch Covid-19, các dịch sốt xuất huyết (SXH), bạch hầu… đang có nguy cơ lan rộng, nhất là mùa Đông Xuân sắp tới.

Do đó, ngành y tế cùng cả nước tập trung ngăn chặn nguồn lây, không lơ là, chủ quan với các dịch bệnh. Đây là nội dung được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức sáng 21/9.

Nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện dịch SXH, bạch hầu vẫn ghi nhận số ca mắc tăng cao ở một số địa phương. Dự báo, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Thời tiết mùa Đông Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Hiện, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch. “Hiện nước ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng cùng với đó không được lơ là với các dịch bệnh khác. Việt Nam quyết tâm không để một địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Các cấp, các ngành, nhất là người dân không được lơ là, chủ quan với các dịch bệnh, phải tập trung công tác ngăn chặn nguồn lây hiệu quả” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuyên, ngành y tế sẽ đề xuất các hoạt động, biện pháp trọng tâm trong phòng dịch để nâng cao hiệu quả chống dịch.

Tiêm phòng vaccine cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

“Việc chủ động trong giám sát ca bệnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch, sát sao đến từng người dân là biện pháp quan trọng trong ngăn chặn các dịch bệnh bùng phát. Cuộc chiến chống Covid-19 đã cho thấy, tầm quan trọng của việc giám sát và phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Đây cũng là chiến lược trong phòng, chống và ứng phó các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và đảm bảo an toàn tiêm chủng phòng bệnh cũng vô cùng quan trọng” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, với các dịch bệnh đã có vaccine, công tác tiêm chủng được đ.ánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu để phòng bệnh. Đơn cử, dịch bạch hầu xảy ra ở một số địa phương đa số là ở “vùng lõm tiêm chủng”. Do vậy, vấn đề đặt ra là các biện pháp duy trì tỷ lệ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ này, đặc biệt tại các “vùng lõm”.

Phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch

Nêu tình hình SXH ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho biết, hiện nay, cả nước đang ghi nhận gia tăng số người mắc SXH. Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc đang có xu hướng tăng lên gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Cụ thể, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 70.585 ca mắc SXH, thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Hiện chưa có bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng ca mắc vẫn theo chu kỳ như hàng năm. Nhưng mùa mưa đang bắt đầu nên tình hình dịch thời gian tới có thể sẽ phức tạp hơn.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc phòng, chống dịch SXH bằng cách diệt loăng quăng, diệt muỗi năm nào cũng được tuyên truyền, nhưng do ý thức của cộng đồng chưa cao. Các chiến dịch diệt bọ gậy ở một số địa phương chỉ mang tính hình thức, không được duy trì được lâu dài, bền vững. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra phòng, chống SXH tại nhiều địa phương cũng bị ảnh hưởng.

“Thời gian tới, các địa phương tập trung hơn công tác truyền thông, duy trì đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích. Khi phát hiện ca bệnh, phải xử lý triệt để, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Hạn chế tối đa t.ử v.ong bằng việc quản lý tốt ca bệnh, tuyên truyền tránh đến bệnh viện muộn…” – ông Đặng Quang Tấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, với dịch SXH, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân tại các hộ gia đình, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng để cắt nguồn truyền bệnh là muỗi vằn. Đặc biệt, các địa phương tăng cường tổ chức chiến dịch theo quy mô lớn, duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần ở các khu vực có nguy cơ cao.

Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết từ mỗi gia đình

Mùa mưa (khoảng tháng 7 – 11 hằng năm) là thời điểm muỗi vằn phát triển khiến bệnh sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Ảnh minh họa

Biện pháp chống dịch SXH hiệu quả nhất là mỗi người tự phòng, chống bệnh theo phương châm: Không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi thì không có SXH. Do đó, cần thực hiện các biện pháp sau:

Loại bỏ nơi sinh sản và trú ngụ của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy

– Đậy kín dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.

– Thả cá nhỏ hoặc mê zô (Mesocyclops: Sinh vật giáp xác nhỏ ăn bọ gậy) vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng, bọ gậy.

– Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hằng tuần.

– Loại bỏ các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như chai, lọ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

– Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

– Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/ tủ đựng bát.

– Thường xuyên thay nước bình hoa, chén nước trên ban thờ.

– Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.

– Phát quang cây cối.

– Khơi thông cống rãnh.

Phòng, chống muỗi đốt

– Mặc quần áo dài tay.

– Ngủ trong màn, kể cả ban ngày.

– Giảm hoạt động chích đốt của muỗi bằng bình xịt muỗi, hương đuổi muỗi, kem bôi chống muỗi đốt, vợt điện…

– Dùng rèm che, lưới chống muỗi, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ… để làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà.

– Có thể xông khói để xua muỗi.

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch

Các gia đình không nên tự ý phun hóa chất diệt muỗi bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không t.iêu d.iệt được muỗi, lại có thể gây ra tình trạng muỗi nhờn thuốc, kháng thuốc. Hơn nữa, việc sử dụng hóa chất không được kiểm soát nguồn gốc có thể gây tình trạng dị ứng, nhiễm độc…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *