Nhà bị nồm ẩm, khắc phục như thế nào?

Nhà bị nồm ẩm không chỉ gây phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, không tốt cho sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng tới tuổi thọ của công trình, tính thẩm mỹ tổng thể. Vậy cách nào để khắc phục tình trạng thời tiết nồm ẩm khó chịu này?

Hiện tượng nhà bị nồm ẩm “đến hẹn lại lên” vào mùa Đông Xuân gây khó chịu, thậm chí là phiền phức cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình bạn. Tiết trời miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang trong những ngày nồm đỉnh điểm với độ ẩm luôn ở mức trên 90% khiến sàn nhà “đổ mồ hôi”, nhà ẩm ướt, quần áo giặt không khô, dễ mắc bệnh về hô hấp…

Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng bởi vẫn có những mẹo đơn giản để khắc phục tình trạng nồm ẩm hàng năm. Trước hết, bạn nên biết một số thông tin tổng quan về hiện tượng nhà bị nồm ẩm.

Vì sao nhà bị nồm ẩm?

Nguyên nhân nhà bị nồm là gì? Theo giới chuyên gia trong ngành khí tượng thủy văn, khi độ ẩm trong không khí ở mức cao hơn 90%, thậm chí lên tới ngưỡng 100% sẽ gây ra hiện tượng nồm ẩm. Nhiệt độ sàn nhà xuống thấp sau một thời gian dài thời tiết rét, khô hanh, gặp những đợt gió nồm ẩm từ biển thổi vào sẽ tạo sự ngưng tụ nước trên nền nhà. 

Hiện tượng vật lý này có thể lý giải theo cách đơn giản sau: Bạn đặt một cốc nước đá trên bàn, một lúc sau quan sát sẽ thấy thành cốc có nhiều giọt nước li ti do nhiệt độ môi trường cao hơn nhiệt độ thành cốc khiến hơi nước trong không khí ngưng tụ lại thành từng giọt nhỏ.

Nhà bị nồm là hiện tượng gây ra bởi thời tiết cuối đông, đầu xuân ở miền Bắc Việt Nam.

Đây là kiểu thời tiết đặc trưng của miền Bắc Việt Nam cuối mùa đông, đầu mùa xuân, nhất là từ tháng 2-4 Dương lịch. Thời gian nhà bị nồm có thể kéo dài vài ngày hoặc cả tuần tùy thời tiết. Thông thường, trong tháng 3 Dương lịch sẽ có khoảng 4-5 đợt nồm dài ngắn khác nhau tùy mức độ chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ không khí và bề mặt vật liệu. Thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng càng một cách đột ngột thì càng dễ bị nồm ẩm.

Làm sao để biết nhà bị nồm ẩm?

Có thể kết luận nhà bạn đang gặp phải tình trạng nồm ẩm nếu thấy những dấu hiệu sau đây:

  • Sàn nhà, tường và trần nhà “đổ mồ hôi” tạo cảm giác ẩm ướt, dinh dấp khó chịu.

  • Trần nhà ngưng tụ nước thành giọt nhỏ xuống dưới.

  • Quần áo giặt rất lâu khô, thậm chí có cảm giác không thể khô nổi, thậm chí có mùi hôi.

  • Chăn màn, giường gối, nệm bọc ghế sofa, rèm cửa… sờ vào có cảm giác ẩm ướt.

  • Một số đồ điện tử trong nhà như tivi, máy tính không bật được nguồn…

Trời nồm ẩm ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào?

Hiện tượng thời tiết nồm ẩm dù chỉ diễn ra trong vài ba ngày hay kéo dài cả tuần mỗi đợt thì đều có thể gây phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày cũng như ảnh hưởng tới chất lượng, tuổi thọ của công trình, nhà ở.

Thứ nhất, nhà bị nồm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc xuất hiện ở những nơi như trần nhà, góc nhà, chân tường. Nếu kéo dài, kiểu thời tiết này có thể làm hoen ố, mục nát, ăn mòn vật liệu, làm giảm tuổi thọ công trình và ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ tổng thể của ngôi nhà.

Tường và sàn nhà bị đọng nước gây nấm mốc, trơn trượt và mất thẩm mỹ.

Thứ hai, trời nồm ẩm cũng ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của con người, dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, dị ứng, bệnh ngoài da, nhiễm trùng đường tiêu hóa, không tốt cho những người có bệnh mạn tính về hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Trong tiết trời nồm ẩm, việc bài tiết qua da sẽ bị hạn chế khiến lỗ chân lông không thoát hơi, từ đó gây đau nhức, mệt mỏi, khó chịu. 

Thứ ba, trời nồm ẩm, sàn nhà tụ nước dễ gây trơn trượt, không an toàn, nhất là đối với gia đình có người già và trẻ em. Do đó, gia chủ cần phải có biện pháp khắc phục ngay.

Thứ tư, nhà nồm ẩm dễ khiến đồ nội thất, thiết bị điện tử xuống cấp, nhanh hỏng hóc. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, khắc phục kiểu thời tiết này thì đồ nội thất bằng gỗ ép (gỗ công nghiệp), đồ da, máy tính, tivi, tủ lạnh… sẽ bị ảnh hưởng.

Cách nào để khắc phục tình trạng nhà bị nồm ẩm hiệu quả?

Hiện tượng thời tiết nồm ẩm là điều khó tránh khỏi, chúng diễn ra đều đặn hàng năm. Do đó, ngay trong khâu thiết kế, thi công xây dựng nhà, bạn cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Nên chọn loại vật liệu xây dựng, hoàn thiện nhà có khả năng hút ẩm tốt.

Chẳng hạn, để chống nồm ẩm cho sàn nhà, gia chủ thường áp dụng giải pháp cách nhiệt bằng lớp xỉ than dạng hạt, bằng lớp không khí, lát sàn bằng gỗ kín tạo khoảng đệm cách nhiệt bằng không khí. Hoặc có thể cách nhiệt sàn nhà bằng lớp xốp polystyrene, lát sàn có gạch gốm bọt với hai lớp cách nước bằng màng cao su.

>>> Xem thêm: Chia sẻ bí quyết chống nồm hiệu quả bằng xỉ than khi xây nhà

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù bạn áp dụng các biện pháp chống nồm ẩm ngay từ khâu thi công xây dựng thì ngôi nhà vẫn ít nhiều chịu tác động của hiện tượng thời tiết nóng – lạnh đột ngột đó. Để giảm thiểu tình trạng nhà bị nồm, ẩm mốc, bạn có thể tham khảo những mẹo đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả dưới đây.

Chỉ mở cửa khi cần thiết

Nhiều người nghĩ rằng, khi thời tiết nồm ẩm thì nên mở thông các cửa để không gian các phòng được khô thoáng hơn. Tuy nhiên, đây là sai lầm mà nhiều gia chủ mắc phải bởi lẽ việc mở cửa khi trời nồm càng khiến ngôi nhà thêm ẩm ướt. Vậy nên, trong những ngày này, bạn hãy đóng kín các cửa, chỉ mở khi không khí khô ráo hơn.

Ngoài cửa chính và cửa sổ, bạn cũng nên bịt kín các kẽ hở nhằm hạn chế tối đa không khí ẩm từ bên ngoài tràn vào trong gây ẩm ướt, khó chịu.

Dùng giẻ khô lau nhà

Với thời tiết gió bấc, mưa phùn ẩm ướt, bạn tuyệt đối đừng lau nhà như cách thông thường. Nhiều người dùng cây lau nhà và nước nóng để lau sàn cho nhanh khô, nhưng đây không phải là giải pháp lý tưởng. Kinh nghiệm cho thấy, nên sử dụng giẻ khô để lau sạch nước ngưng tụ trên sàn nhà.

Nên dùng giẻ khô để lau sàn nhà khi trời nồm ẩm.

Dùng máy hút ẩm 

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại máy hút ẩm để bạn thỏa sức lựa chọn phù hợp với nhu cầu cũng như ngân sách của mình. Tuy tốn kém một chút nhưng bạn sẽ hài lòng với hiệu quả chống nồm ẩm mà máy mang lại. Ngôi nhà nhờ đó luôn sạch sẽ, khô thoáng, tốt cho sức khỏe của các thành viên gia đình.

Sử dụng vật liệu hút ẩm

Trường hợp nhà bạn không có điều kiện để mua máy hút ẩm, thì có thể sử dụng một số vật liệu hút ẩm thông thường như để than củi dưới gầm ghế, trong góc phòng. Thế nhưng, với vật liệu hút ẩm này, bạn tuyệt đối không được đốt chúng vì có thể gây bỏng than, ngạt khí trong quá trình sử dụng.

Than củi là một trong những vật liệu hút ẩm hiệu quả, giúp giảm thiểu tình trạng nhà bị nồm.

Bạn cũng có thể dùng báo giấy hút ẩm trong thời gian ngắn. Rất đơn giản, tại các khu vực thường xuyên tiếp xúc với nước như bồn rửa nhà bếp, cửa nhà tắm, bạn hãy đặt đồng thời thảm lau khô cùng một vài tờ báo để tăng cường khả năng hút ẩm.

Cách xử lý khi nhà bị nồm bằng vôi sống cũng khá hiệu quả. Bạn mua khoảng 10-15kg vôi sống cho vào thùng gỗ hoặc thùng giấy để ở gầm bàn/ghế, các góc phòng, mở nắp thùng ra để chúng hút ẩm. Đây là giải pháp chống nồm ẩm đơn giản mà hiệu quả, tuy nhiên với nhà có trẻ nhỏ thì nên cân nhắc kỹ, có thể chọn cách khác an toàn hơn.

Việc sử dụng hột hút ẩm đối với góc tường, góc nhà và tủ quần áo cũng khá hiệu quả. Bạn có thể cân nhắc để chọn được loại hột hút ẩm phù hợp. Ngoài ra, một số cây trồng trong nhà cũng có khả năng hút ẩm, thêm oxy và loại bỏ khí cacbonic. Dương xỉ là một trong những cây trồng như thế.

Sử dụng xốp lót sàn chống ẩm

Nếu sàn nhà lát gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, bạn nên sử dụng xốp lót sàn chống ẩm để hạn chế lượng hơi nước bám, đọng trên nền nhà. Với tác dụng chống ẩm, xốp lót bạc hoặc xốp lót Silhero giúp gia tăng tuổi thọ của sàn gỗ và giảm thiểu tình trạng ẩm ướt, nấm mốc khi trời nồm. Mặt khác, xốp lót sàn còn có khả năng cách âm hiệu quả, phù hợp với nhà nhiều tầng, căn hộ chung cư, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ hiếu động.

>>> Có thể bạn quan tâm: Cách bảo quản sàn gỗ cho nhà trong ngày nồm, ẩm ướt

Xốp lót sàn chống ẩm, cách âm hiệu quả dành cho nhà phố, căn hộ chung cư.

Dùng máy điều hòa ở chế độ khô

Một trong những cách xử lý khi nhà bị nồm là bật điều hòa ở chế độ hong khô không khí. Giải pháp chống nồm ẩm này được cho là lý tưởng để hút ẩm, giảm tình trạng ẩm ướt, ngăn ngừa vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, góp phần bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Tuy nhiên, đây là giải pháp chỉ được áp dụng khi nhà bạn sử dụng máy điều hòa không khí hai chiều nóng – lạnh.

Thắp nến, đốt tinh dầu 

Không chỉ giúp giảm ẩm mốc và mùi hôi trong nhà, việc thắp nến còn tạo bầu không khí lãng mạn cho không gian sống. Giải pháp này ít người nghĩ đến nhưng rất hiệu quả đối với kiểu thời tiết nồm ẩm trong những ngày này. Thị trường hiện có rất nhiều loại nến thơm để bạn lựa chọn tùy nhu cầu, sở thích. Tuy nhiên, khi sử dụng nên cẩn thận một chút để tránh hỏa hoạn.

Cùng với đó, bạn có thể dùng thêm tinh dầu thơm dạng treo hoặc đốt đèn để ở góc nhà. Cách này giúp bạn loại bỏ hoàn toàn mùi hôi trong ngôi nhà do tiết trời nồm ẩm mang đến. Bạn nên tham khảo những mùi hương nhẹ nhàng, tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu như oải hương, chanh, cam, quế…

Thắp nến thơm hoặc đốt tinh dầu là những việc được khuyến khích làm khi trời nồm.

Bật các thiết bị điện tử ở chế độ chờ

Đối với đồ điện tử trong nhà như tivi, máy tính, đầu đĩa, bạn nên bật thiết bị ở chế độ chờ nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hơi nước, độ ẩm không khí tới vật dụng. Đồng thời, đây cũng là cách góp phần “đốt” nóng không khí trong nhà, giúp giảm tình trạng nồm ẩm, nấm mốc của kiểu thời tiết giao mùa.

Một số sai lầm khi xử lý nhà bị nồm

Các giải pháp ngăn ngừa và chống nồm ẩm hiện được nhiều gia chủ quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ nguyên lý cũng như cách thức tiến hành, thì việc chống nồm cho ngôi nhà sẽ không hiệu quả, thậm chí còn khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.

Sau đây là một số sai lầm bạn không nên mắc phải khi tìm cách xử lý nhà bị nồm:

– Bật quạt hong khô nhà: Việc này chỉ khiến nhà bạn càng thêm nồm ẩm. Bởi lẽ, hơi lạnh từ quạt sẽ khiến không khí ẩm và hơi nước ngưng tụ càng nhiều.

– Mở cửa khi trời nồm: Việc mở thông tạo điều kiện cho không khí ẩm từ ngoài tràn vào nhà, tăng tình trạng ẩm ướt trong nhà thay vì để gió hong khô nhà cửa như nhiều người vẫn nghĩ.

– Lau nhà thường xuyên: Thấy nền nhà ẩm thấp, nhớp nháp, nhiều gia chủ tích cực lau rửa nhà cửa thường xuyên hơn so với thông thường. Thế nhưng, đây không phải là cách xử lý nền nhà bị nồm hiệu quả.

Thực tế cho thấy, không có giải pháp khắc phục thời tiết nồm ẩm nào triệt để. Dù ít, dù nhiều, ngôi nhà của bạn sẽ phải chịu ảnh hưởng của kiểu thời tiết này trong năm. Tuy nhiên, với những mẹo đơn giản mà Dothi.net chia sẻ trên đây, hy vọng sẽ giúp không gian sống của bạn trong những ngày này được khô thoáng, dễ chịu hơn.

Cuối cùng, trong tình trạng nhà bị nồm ẩm, vi khuẩn có hại dễ sinh sôi, bạn cần chú ý chế độ dinh dưỡng và bổ sung thêm vitamin để tăng sức đề kháng cho cả gia đình.

Lam Giang (TH)

>> Nhà “đã nồm lại càng nồm” nếu cứ tiếp tục thói quen vô bổ này

>> Cách diệt nấm mốc để nhà cửa luôn khô ráo, sạch sẽ dù trong mùa nồm

>> Xử lý nền và tường nhà khi trời nồm

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/03/01/nha-bi-nom-am-khac-phuc-nhu-the-nao

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *