Nhà nhà dùng đèn sưởi chống rét, chuyên gia chỉ cách sử dụng an toàn, hạn chế khô da

Việc dùng các thiết bị sưởi ấm không đúng cách sẽ gây hệ lụy lớn với sức khỏe, thậm chí là gây tai nạn nguy hiểm đến tính mạng con người.

Những ngày vừa qua thời tiết miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh đỉnh điểm nhất kể từ mùa đông đến nay, một số nơi ở vùng núi cao nhiệt độ xuống chỉ còn 1-3 độ C, nhiều nơi xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Tại Hà Nội, liên tiếp trong 3-4 ngày vừa qua nhiệt độ chỉ ở mức khoảng 10 độ C. Điều kiện thời tiết giá rét, người dân ngoài việc mặc ấm bảo vệ cơ thể, còn trang bị thêm nhiều thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, đèn sưởi, đệm nhiệt…

Việc dùng các thiết bị sưởi ấm là cần thiết khi nhiệt độ lạnh sâu, tuy nhiên các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý khi sử dụng để tránh gây hại cho sức khỏe và tai nạn đáng tiếc xảy ra.

TS.BS Vũ Nguyệt Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thời điểm mùa đông có đến 50% bệnh nhân đến khám tại viện gặp phải vấn đề khô da, một trong số nguyên nhân gây ra vấn đề này đó là việc sử dụng đèn sưởi, thiết bị sưởi ấm không hợp lý.

Bác sĩ Nguyệt Minh đang thăm khám cho trẻ bị khô da. Ảnh. Lê Phương

Theo phân tích của TS Nguyệt Minh, việc dùng đèn sưởi phòng ngủ, đèn sưởi nhà tắm nếu để quá gần sẽ khiến da rất nhanh bị khô dưới tác dụng của nhiệt. Việc khô da sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như cảm giác khó chịu, với những người có sẵn bệnh lý nền như viêm da cơ địa, ban đỏ,… thì tình trạng sẽ càng trầm trọng hơn.

Để sử dụng đèn sưởi đúng cách, không ảnh hưởng đến làn da, TS Nguyệt Minh cho rằng, khi bật đèn sưởi cần cách xa người khoảng 2 mét trở lên, tại phòng tắm nên để xa nguồn nước, không chiếu trực tiếp vào người. Đối với phòng ngủ không nên đặt quá gần giường, gần các thiết bị dễ cháy nổ như sách báo, chăn ga, gối đệm. Khi bật thiết bị đủ ấm có thể tắt để tránh trường hợp quá tải, gây cháy nổ.

“Do thiết bị sưởi ấm gây khô nên khi sử dụng người dân nên đặt thêm chậu nước trong phòng, việc này giúp tạo độ ẩm trong không khí, hạn chế được khô da, nhưng nên để nước xa thiết bị”, TS Nguyệt Minh chia sẻ.

Ngoài vấn đề ảnh hưởng đến da nếu sử dụng không đúng cách, việc xảy ra tai nạn khi dùng đèn sưởi cũng hết sức phải lưu ý, nhất là tai nạn bỏng khi bật đèn sưởi. Bác sĩ Nguyễn Thống – khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, không chỉ đèn sưởi mà thiết bị điện nào cũng có thể gây tai nạn nếu bất cẩn khi sử dụng.

Khi dùng đèn sưởi nên để cách người khoảng 2 mét trở lên để tránh gây khô da. Ảnh. Lê Phương

Theo đó, với đèn sưởi thì ngoài khô da còn dễ gây bỏng các bộ phận trên cơ thể nếu phụ huynh không kiểm soát, ví dụng như việc trẻ tò mò cho tay vào đèn sưởi, thanh tỏa nhiệt hoặc với đèn sưởi dầu sẽ bị bỏng hóa chất…

Riêng đối với các loại túi chườm, chăn sưởi ấm vẫn có những nguy cơ gây bỏng không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng dễ gặp phải. Đặc biệt, với những thiết bị đã dùng lâu ngày bị cũ hoặc bị rách mà vẫn có sử dụng dễ bị rò gây điện giật, bị bỏng, hay một số loại túi chườm có dung dịch phía trong cũng có thể gây bỏng hoặt phát nổ khi mới sử dụng.

Để đảm bảo an toàn, cách tốt nhất là nên làm theo khuyến cáo, hướng dẫn của nhà sản xuất, chọn mua những thiết bị của nhãn hãng uy tín, chất lượng. Khi dùng thấy hiện tượng bất thường như rách, rò rỉ điện không nên dùng thêm mà cần bỏ hoặc sửa chữa lại trước khi dùng.

Nên dùng ở mức nhiệt vừa đủ, không để nhiệt độ quá cao chênh lệch lớn so với mức nhiệt ngoài trời bởi ngoài gây khô da, còn gây nên hiện tượng sốc nhiệt khi từ trong phòng ấm ( nóng) bước ra trời lạnh.

Cẩn trọng với bệnh về da mùa lạnh

Mùa đông ở nước ta thường kéo dài, độ ẩm không khí rất thấp, việc chăm sóc da không đúng cách là một trong những nguyên nhân khiến bệnh lý về da gia tăng trong mùa lạnh.

Khi thời tiết lạnh, lượng tiết mồ hôi giảm vì vậy luôn khiến cho da dễ bị khô và nứt nẻ, thêm vào đó chất bã nhờn, vi khuẩn tích tụ nhiều hơn trên bề mặt da cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mắc phải các bệnh lý về da như các bệnh viêm da cơ địa, khô da, sẩn ngứa, viêm da tiếp xúc, mề đay do lạnh…

Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, anh N.V.L. cho biết: Tôi thấy trên da tôi xuất hiện nhiều mụn nước, cảm giác rất ngứa ngáy khó chịu. Vào mùa đông các triệu chứng trở nên nặng hơn, ngứa hơn nhiều.

Còn ông P.V.H., đang điều trị nội trú tại bệnh viện cho biết: Ban đầu, tôi chỉ bị ngứa ở một vùng da nhỏ. Sau đó, tôi tắm bằng nước lá khiến da bị tổn thương lan rộng.

Theo bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, bệnh nhân H. chỉ là một trong số những bệnh nhân không có chỉ định của bác sĩ mà nghe những bài thuốc truyền miệng để tự điều trị, khiến bệnh trở nên nặng hơn, khó điều trị hơn, thậm chí gây nên những hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang cho hay: Trong một số trường hợp, bệnh nhân tự ý dùng các bài thuốc điều trị nhưng chưa được kiểm chứng, khiến cho tổn thương da rộng, lan tỏa hơn, gây bội nhiễm, gây sẹo, loét… Có những bệnh nhân không điều trị đúng cách khiến cho các đầu chi bị loét, hoại tử.

Lớp thượng bì của da được liên kết với nhau bởi các axit béo, các chất giữ ẩm tự nhiên. Khi thời tiết trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm, hàng rào bảo vệ da không còn được cân bằng nữa, rất dễ bị xâm nhập bởi các tác nhân như bụi, vi khuẩn… từ đó gây nên các tổn thương về da. Do vậy, việc chăm sóc da vào mùa lạnh cần được lưu ý hơn.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang lưu ý: Người dân cần biết cách chăm sóc da đúng cách, khi có tình trạng khô da thì nên dùng những loại kem giữ ẩm, kem mềm da, hạn chế tắm nước nóng, không nên chà xát nhiều, làm cho tổn thương da lan rộng. Nếu có những tổn thương da khác bất thường, cần đến ngay các chuyên khoa để được làm các xét nghiệm, được tư vấn và điều trị thích hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *