Nhiều nguy cơ mất an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp

Cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần mang lại năng suất cao, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ hiện đại một cách thiếu khoa học đã khiến một bộ phận nông dân phải đối mặt với những rủi ro về an toàn lao động (ATLĐ).

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Tai nạn do chủ quan

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, điều kiện lao động của bà con nông dân đã được cải thiện đáng kể song do thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vận hành máy móc, nông cụ nhưng do thiếu hiểu biết chưa tập huấn kỹ lưỡng nên nguy cơ mất ATLĐ còn cao… Điều đáng nói, ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được phần đông người nông dân quan tâm. Hậu quả là hàng trăm vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc đã xảy ra khi người nông dân vận hành máy tuốt lúa, máy xát gạo, máy làm đất; bị thương do giẫm phải vật sắc nhọn, trâu, bò húc; ngã khi thu hoạch cây ăn quả; nhiễm độc bước đầu do sử dụng thuốc BVTV không đúng cách… và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật lâu dài.

Vừa qua, trong khi làm đồng, chị Nguyễn Thị Hợp, ở thôn 3, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) bị mảnh chai thuốc trừ sâu đ.âm t.hủng bàn chân phải đến cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván, điều trị bằng kháng sinh dài ngày. Chị Hợp cho biết: “Mảnh vỡ nằm khuất trong bụi cỏ, không nhìn rõ nên tôi giẫm phải. Do không đi ủng nên vết thương khá sâu, mất nhiều m.áu. Từ đó, mỗi lần ra đồng tôi luôn thấy không an toàn”. Tương tự trường hợp của chị Hợp, ông Lê Văn Thăng ở xã Thạch Lâm (Thạch Thành) bị TNLĐ do sơ suất. Dịp thu hoạch lúa vừa rồi, đang tuốt lúa thì trời đổ mưa, ông vội cào, xúc thóc. Mưa tạnh, ông vận hành tiếp máy tuốt, không ngờ bị điện giật do cuộn dây bị hở, ngấm nước, rò điện. Rất may có người phát hiện kịp thời cứu ông thoát nạn. Tuy nhiên, da bàn tay b.ị h.oại t.ử khiến ông phải điều trị hơn một tháng tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thành. Đến nay sau mấy tháng xảy ra sự việc nhưng sức khỏe ông vẫn chưa hoàn toàn bình phục.

Ngoài tai nạn do bất cẩn, nhiều người dân còn bị nhiễm độc do bỏ qua các khuyến cáo sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc BVTV. Anh Nguyễn Mạnh Quang, xã Tiến Nông (Triệu Sơn) kể, mới đây bơm thuốc trừ sâu cho lúa, anh không đeo khẩu trang, mặc áo vải thường, đội mũ cối cộng với bình bơm bị rò nên thuốc ngấm vào da. Về đến nhà, khắp người mẩn đỏ, chân tay bủn rủn, choáng váng, phải nghỉ làm mất mấy ngày.

Những trường hợp nêu trên nằm trong số không ít người dân bị TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp do chủ quan. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp ATLĐ trong nông nghiệp bằng kinh nghiệm cũng là một nguyên nhân dẫn đến TNLĐ. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Lê Hữu Chính, xã Hoằng Phúc (Hoằng Hóa) có thể sử dụng thành thạo máy vò lúa, ngô. Khi hỏi, anh Chính cho biết: “Trước đây, nhà tôi có máy xay xát lúa, vận hành nhiều nên quen. Gia đình tôi mua máy tuốt lúa để phục vụ thu hoạch mùa vụ đã được một thời gian. Sau khi mua máy, chỉ cần nhìn người ta làm là tôi biết cách, nên đưa ra đồng sử dụng luôn”. Còn anh Nguyễn Huy Hoạt, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy), cho biết: “Sau khi đầu tư trên 700 triệu đồng mua máy gặt đ.ập liên hoàn, tôi chỉ cần 1 người đi học lái máy bài bản, còn phụ máy, nếu sáng dạ chỉ cần 1-2 ngày theo máy là có thể vận hành được”.

Đặc biệt, do nhận thức kém và chạy theo lợi nhuận, một số hộ nông dân sẵn sàng lạm dụng thuốc BVTV, không tuân thủ thời gian cách ly cây trồng, đã làm cho tình trạng mất ATLĐ diễn ra ở mức độ nguy hiểm hơn.

Cần được quan tâm đúng mức

Điều tra về hiện trạng lưu thông và sử dụng hóa chất BVTV của cơ quan chức năng cho thấy, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do và trên 90% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và không hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, kể cả sức khỏe của chính người sử dụng thuốc.

Cũng theo đ.ánh giá của cơ quan chức năng, nguy cơ mất ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp hiện ở mức khá cao, chỉ đứng sau các ngành khai thác mỏ, xây dựng và hóa chất. Mặc dù tỉnh ta chưa có số liệu thống kê cụ thể về TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng nó xảy ra khá phổ biến và luôn tiềm ẩn nguy cơ ở mọi lúc, mọi nơi. Đơn cử như khi phun thuốc trừ sâu người lao động thường bỏ qua công tác bảo hộ như không dùng khẩu trang, găng tay, ủng bảo hộ… Nhiều trường hợp để thuốc trừ sâu ngay cạnh khu sinh hoạt của gia đình, thậm chí có những trường hợp người nông dân khi đang pha chế thuốc sâu cũng châm thuốc để hút, dùng tay lau lên mặt…

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm – ATLĐ (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đa số các hộ dân chủ yếu lao động theo hình thức hộ gia đình, cho nên khi xảy ra các vụ tai nạn, phần lớn người dân không khai báo với cơ quan chức năng. Để nâng cao nhận thức cho người dân trong vấn đề về ATLĐ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức một số lớp tập huấn về sử dụng máy móc trong nông nghiệp cho các hội viên nông dân; đồng thời thường xuyên tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh lao động tới đông đảo bà con nông dân. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao do các hoạt động trên mới chỉ được tổ chức ở quy mô nhỏ lẻ và phần lớn người dân không quan tâm thực hiện.

Để hạn chế TNLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc nâng cao nhận thức cho người nông dân, các cơ quan, ban, ngành cần xây dựng và bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật về ATLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này thông qua việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn sử dụng máy móc trang thiết bị; tổ chức, thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với nông nghiệp, nông dân nhằm hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro trong lao động, sản xuất. Về lâu dài, Nhà nước cần triển khai những biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn đủ để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất.

Trần Hằng

Theo baothanhhoa

Hiểm họa thực phẩm bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

Việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dẫn tới tồn dư thuốc trong nông sản, trong môi trường đất, nước, không khí rất lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người.

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, chỉ trong tháng 4-2019 nước ta nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt gần 82 triệu USD, số liệu từ Tổng cục Hải Quan.

Mới đây, tòa án Mỹ phán quyết chất glyphosate thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có liên quan đến ung thư. Trong khi đó hóa chất này cũng như nhiều thuốc bảo vệ thực vật độc hại khác vẫn đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Hay vào cuối năm 2018, một kết quả xét nghiệm từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, có 31/67 người dân thuộc bốn huyện ngoại thành Hà Nội đang có thuốc BVTV tồn dư trong m.áu và một người ở mức rủi ro. Đặc biệt, nhiều người trong nhóm này là nhân viên, cán bộ, ở các xã, thị trấn không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang lo sợ.

Sử dụng thuốc BVTV sai cách gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Internet

Có thể thấy với một lượng rất lớn thuốc BVTV được sử dụng tràn lan như hiện nay, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.

Tác hại của thuốc BVTV với con người

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay tất cả loại hóa chất BVTV đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình.

Theo đó, thông thường có 3 con đường chính để thuốc BVTV đi vào cơ thể. Thứ nhất, ăn các loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly. Thứ hai, qua đường hô hấp khi chúng ta hít phải thuốc, có thể đi qua chỗ người ta đang phun thuốc, gió thoảng qua. Thứ ba là qua việc tiếp xúc trực tiếp, tức sử dụng các loại thuốc mà không đeo găng tay, đồ bảo hộ.

“Tuy nhiên tình trạng nhiễm độc hóa chất BVTV, cũng như mức độ độc hại sẽ tùy theo loại hóa chất và liều lượng dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn”, PGS.TS Thịnh lưu ý.

Các chuyên gia y tế cho hay, khi ngộ độc thuốc ở dạng cấp tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng dễ thấy như nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi… Nặng hơn chất độc sẽ chuyển hóa qua gan, gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể, ở phụ nữ dễ gặp tai biến sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, ung thư…

Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ ra các dấu hiệu về ngộ độc thuốc BVTV biểu hiện ở tiêu hóa như buồn nôn, đi ngoài dữ dội. Hay các biểu hiện về thần kinh như lơ mơ, hôn mê, co giật, liệt cơ, thậm chí là tụt huyết áp, suy hô hấp, và đây là nguyên nhân trực tiếp gây c.hết trong ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật…

Ngoài ra người dân còn có thể bị các vấn đề về tiết niệu, và hội chứng cường cholinergicgặp trong ngộ độc cấp hóa chất BVTV phospho hữu cơ, carbamat. Với hội chứng này, người dân hoặc trẻ sẽ nôn mửa, kêu khó thở tức ngực, da tái lạnh, vã mồ hôi, run toàn thân hoặc co giật…

Làm gì để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc thuốc BVTV?

Để hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc thuốc BVTV, người sản xuất nông nghiệp lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất BVTV trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật.

Khi sử dụng các thuốc BVTV cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh an toàn lao động: đeo găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc.

Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết thời gian cách ly (là thời gian hóa chất BVTV còn không đáng kể trên rau quả, trung bình từ 2-25 ngày trở lên).

Các loại chai lọ bao bì đựng thuốc BVTV cần có đầy đủ nhãn hiệu, không đựng thuốc bảo vệ thực vật trong các vỏ chai lọ nước giải khát, để tránh nhầm lẫn uống phải.

Người tiêu dùng cần rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Ảnh: Internet

Người tiêu dùng cần rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Chọn mua thực phẩm an toàn để sử dụng. Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất BVTV, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ, nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời.

Các loại rau củ có nguy cơ nhiễm nhiều và nhiễm ít thuốc BVTV

– Nguy cơ nhiễm nhiều thuốc BVTV nhất: Các loại họ đậu đỗ, dưa chuột, cà pháo, rau họ cải, súp lơ…

– Nguy cơ nhiễm ít thuốc BVTV: Cà rốt, củ cải, bí xanh, bầu, mướp, măng tây, cà chua…

(Th.S Nguyễn Xuân Điệp, Bộ môn Rau và gia vị, Viện Nghiên cứu rau quả- Theo Vnexpress)

NGUYÊN HÀ

Theo PLO

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *