“Khi được giao nhiệm vụ điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, đó là một áp lực lớn đối với chúng tôi. Tuy nhiên áp lực đó chỉ vài ngày đầu thôi”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ.
Đội ngũ y bác sĩ được nâng cao chuyên môn
Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được Sở Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận cách ly các trường hợp liên quan đến Vũ Hán.
Thời điểm đó, Bệnh viện Phổi tiếp nhận cách ly đoàn du khách gần 20 người đến từ Daegu, Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó nhóm du khách này không chịu cách ly nên chính quyền thành phố đã bố trí máy bay đưa họ về nước.
Các bác sĩ với quyết tâm chiến thắng Covid-19 trong lễ công bố bệnh nhân 582 khỏi bệnh tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Đầu tháng 3, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên là 2 du khách người Anh và tiếp đến là nữ nhân viên Điện máy xanh bị lây từ 2 du khách này, bệnh viện Phổi tiếp tục là nơi cách ly của các trường hợp tiếp xúc với ca mắc Covid-19, các trường hợp nghi ngờ…
Cuối tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng mà tâm điểm là Bệnh viện Đà Nẵng. Để “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo, các bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng do bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu ( Bệnh viện Chợ Rẫy) phụ trách nhanh chóng được thành lập để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Bệnh nhân 582 vui mừng trong ngày được công bố khỏi bệnh Covid-19
“Khi xây dựng kế hoạch điều trị Covid-19, Bệnh viện Phổi được giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức trung bình và nhẹ, còn những trường hợp nặng sẽ được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát mà tâm điểm là Bệnh viện Đà Nẵng nên các bệnh Covid-19 được chuyển về đây và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Đó là một áp lực lớn đối với chúng tôi”.
“Tuy nhiên, áp lực đó chỉ vài ngày đầu thôi, khi có sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và cả nước, chúng tôi đã tự tin hẳn lên. Đặc biệt khi xây dựng được Khoa hồi sức cấp cứu thì việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng không còn là áp lực nữa”, bác sĩ Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ.
Các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được xuất viện
Theo bác sĩ Phúc, việc tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là cơ hội cho các y bác sĩ của bệnh viện được nâng cao chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp của Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện khác, cơ sở vật chất của bệnh viện cũng được trang bị thêm.
Những ca bệnh nặng đầu tiên được chữa khỏi trong niềm vui và hạnh phúc của đội ngũ y bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân ở đây cũng như ngành y tế cả nước.
Dù rất vất vả khi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhưng các bác sĩ, điều dưỡng luôn lạc quan
“Chúng ta đã cẩn trọng từng li, từng tí một tìm cơ hội cho người bệnh để có thành công như hôm nay. Đây là một niềm vui, là sự động viên và ghi nhận tất cả đội ngũ y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng cũng như trên toàn quốc trong suốt thời gian vừa qua”, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng xúc động chia sẻ trong buổi công bố bệnh nhân nặng 582 khỏi Covid-19, ngày 16/8.
Theo bác sĩ Yến, đây cũng là một bài học kinh nghiệm để lực lượng y tế từng bước cứu sống thêm nhiều bệnh nhân nặng như thế này giúp họ trở về cuộc sống bình thường.
Sau khi Đà Nẵng hết Covid-19, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn là bệnh viện duy nhất của Đà Nẵng thu dung, điều trị các trường hợp Covid-19 nhập cảnh mắc. Hiện bệnh viện đang điều trị hơn 20 ca mắc Covid-19 nhập cảnh.
Xung phong điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 từ cuối tháng 7 khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng cho đến khi bệnh nhân cuối cùng xuất viện là ngày 14/9 nhưng bác sĩ Nguyễn Nhật Trường (sinh 1993, Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) không cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi.
Khi bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca mắc Covid-19 nhập cảnh, bác sĩ Trường đã viết đơn tình nguyện tham gia điều trị cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Trường là người xung phong tiếp tục tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh
“Tôi còn trẻ, lại chưa có lập gia đình nên thuận lợi hơn các anh chị khác. Đợt dịch vừa qua tôi tham gia điều trị cũng đã có kinh nghiệm và học hỏi được nhiều điều. Vì vậy tôi muốn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào công tác phòng chống Covid-19″, bác sĩ Trường tâm sự.
Nhớ lại đợt dịch Covid-19 tháng 7 vừa qua, bác sĩ Trường cho biết đó là những ngày anh cũng như các đồng nghiệp phải vắt chân lên cổ mà chạy khi bệnh nhân đông và nhiều bệnh nặng.
Mỗi lần vào thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân đều phải mặc đồ bảo hộ kín mít. Thời tiết nắng nóng nên khi ra khỏi phòng bệnh cũng là lúc ướt từ đầu đến chân.
Bác sĩ Trường theo dõi tình hình của bệnh nhân qua camera
“Có lần, tôi đi theo chuyển bệnh nhân nặng ra Huế, ngồi trên xe 8 tiếng đồng hồ mà mặc đồ bảo hộ kín mít thở không nổi luôn, người ướt sũng như mới nhúng nước vậy”, bác sĩ Trường kể.
Vất vả là vậy nhưng niềm vui lớn nhất của các bác sĩ, điều dưỡng ở đây là khi bệnh nhân khỏi bệnh, được xuất viện về nhà đoàn tụ với gia đình.
Chồng là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà, vì vậy bình thường những ngày chị Đoàn Thị Phương (sinh 1983, điều dưỡng Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) đi trực, hai con (một cháu lớp 9, một cháu lớp 4) phải tự chăm sóc lẫn nhau. Thế nhưng, đợt điều trị Covid-19 nào, chị Phương cũng tham gia rất tích cực, không nề hà.
Đợt dịch Covid-19 vừa qua, để chị Phương yên tâm chăm sóc cho các bệnh nhân, đơn vị chồng chị đã sắp xếp cho anh nghỉ phép để ở chăm sóc các con.
Dù con còn nhỏ nhưng điều dưỡng Đoàn Thị Phương luôn tích cực tham gia chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19
“Các cháu cũng hiểu và thông cảm cho công việc của mẹ nhưng cũng buồn vì thời gian dài không được gặp mẹ”, chị Phương cho biết.
Hiện điều dưỡng Phương cũng đang tham gia ê kíp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh như bác sĩ Trường.
Theo bác sĩ Phúc, các điều dưỡng và bác sĩ ở đây đều rất có tinh thần trách nhiệm với công việc, luôn sẵn sàng vào khu điều trị Covid-19.
“Khi bắt đầu điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh, nhiều điều dưỡng, bác sĩ đã làm đơn tình nguyện vào khu Covid-19 chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh viện sẽ sắp xếp theo thứ tự để công việc được nhịp nhàng, không bị chồng chéo”, bác sĩ Phúc cho hay.
15 ngày chiến đấu giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19 đặc biệt nặng
Bệnh nhân số 582, một trong số những ca bệnh rất nặng với nhiều bệnh nền phức tạp được các y bác sĩ chữa trị thành công, chờ ngày xuất viện.
Sáng 16/8, tại lễ tổ chức cho bệnh nhân COVID-19 được Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị khỏi ra viện, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, cứu chữa cho bệnh nhân số 582, N.T.K.Đ (nam, 55 t.uổi, trú K133 Trưng Nữ Vương, Bình Hiên, Hải Châu) thực sự là “cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần”.
Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân nhập viện ngày 31/7 tại Khoa Y học Nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng phổi bị tổn thương nặng kèm theo bệnh lý nền, tăng huyết áp, suy tim, thiếu m.áu cục bộ, suy giảm miễn dịch. ” Tình trạng của bệnh nhân lúc này cực kỳ nguy hiểm, tính mạng có thể nói là nghìn cân treo sợi tóc“, bác sĩ Linh cho biết.
Ngày 2/8, các bác sĩ phải thực hiện ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) cho bệnh nhân, đồng thời lọc m.áu và lọc cytokine.
Sau thực hiện ECMO, nhịp tim của bệnh nhân rất chậm, tổn thương phổi nặng, tăng huyết áp, suy tim và phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Tất cả đều hồi hộp chờ đợi từng phút với hy vọng tình trạng của bệnh nhân được cải thiện.
Sau 4 ngày thực hiện ECMO tại Khoa Y học Nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng, sức khỏe bệnh nhân bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn. Phổi cải thiện thông số oxy m.áu, huyết áp ổn định và không còn phụ thuộc vào thuốc vận mạch…
Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ngay khi Khoa ICU (hồi sức cấp cứu) đưa vào hoạt động tại đây.
” Đối với những bệnh nhân nặng, ngoài việc chăm sóc toàn diện, đòi hỏi các y bác sĩ phải tập vật lý trị liệu nên hầu như phải túc trực bên cạnh 24/24h. Điều này là rất nguy hiểm vì khả năng bác sĩ bị lây nhiễm rất cao. Tuy nhiên, đội ngũ y bác sỹ chúng tôi đặt quyết tâm cứu chữa bệnh nhân, đảm bảo phòng hộ tốt để tránh nguy cơ lây nhiễm“, bác sĩ Linh chia sẻ.
Bệnh nhân 582 có 4 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV.
Trong quá trình điều trị, các y bác sĩ phải theo dõi từng thông số ECMO, điều chỉnh từng thông số máy thở, lọc m.áu, lọc cytokine, thay các huyết tương cho bệnh nhân.
Những ngày gần đây bệnh nhân cai thở máy, rút ống nội khí quản và được mở khí quản. Bệnh nhân cũng được xét nghiệm và cho kết quả 4 lần âm tính với nCoV vào các ngày 4, 9, 12, 14/8. Bệnh nhân 582 đã khỏi COVID-19 nhưng phải điều trị thêm một thời gian ngắn nữa để phổi phục hồi hoàn toàn mới có thể xuất viện được.
Bác sĩ Linh nói: ” Bước vào cuộc chiến này, đội ngũ y bác sĩ đều quyết tâm rất cao, cố gắng dập dịch sớm nhất có thể. Bệnh nhân 582 với bệnh nền rất nặng được cứu sống là niềm vui của đội ngũ y bác sỹ“.
Bác sĩ Linh tin tưởng, với nỗ lực của tất cả các nhân viên y tế cùng sự giúp sức của các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi cùng các giáo sư, bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành sẽ có nhiều bệnh nhân được chữa trị thành công.
Bệnh nhân 582 ghi lời cảm ơn gửi đến đội ngũ y bác sĩ sau khi được chữa khỏi.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Đội trưởng đội điều trị, Tổ công tác thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho biết, chúng ta thành công bước đầu khi cứu sống bệnh nhân 582 trên bệnh lý nền rất nguy kịch.
” Chúng ta đang nỗ lực để từng ly từng tý cứu chữa người bệnh. Chữa thành công ca bệnh này là kinh nghiệm để chúng ta tiếp tục cứu sống thêm nhiều bệnh nhân nặng khác“, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nói.