PGS. TS Nguyễn Trường Luyện: Uống nước có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn sẽ bị ung thư, ảnh hưởng hệ thần kinh

PGS. TS Nguyễn Trường Luyện khẳng định, nếu người dân uống phải nước có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép từ công ty nước sạch Sông Đà sẽ bị ung thư bạch cầu và nhiều loại ung thư khác.

Liên quan đến kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt do công ty nước sạch Sông Đà cung cấp, chiều 15/10, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục, Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin kết quả xác minh nội dung phản ánh của người dân về việc nước có mùi khét nồng nặc, có váng dầu.

Kết quả cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren, thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian). Các chỉ tiêu giám sát nước mức độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát, chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Nước sạch Sông Đà đang khiến người dân hoang mang.

Từ kết quả này, người dân càng hoang mang hơn, khi ăn phải nước chứa hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) để tìm câu trả lời.

Chất Styren dùng để làm gì thưa PGS. TS Nguyễn Trường Luyện?

Styren là chất hữu cơ lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt. Nhưng nếu số lượng nhiều như vậy nó sẽ không thể bay hơi hết và có mùi khó chịu

Styren được sử dụng rộng rãi để sản xuất polystyren và nhiều polymer khác, nhựa, lớp phủ, sơn, cao su, sợi thủy tinh… Styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm không khí độc hại, theo cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

Nước chứa Styren gây nguy hại mức nào đối với sức khỏe người dân khi quá hàm lượng cho phép?

Nước có chứa Styren nếu vượt quá hàm lượng cho phép, người dân uống nhiều sẽ làm giảm bạch cầu, có nguy cơ gây ung thư bạch cầu và nhiều loại ung thư khác. Thậm chí, nó còn làm giảm hệ thần kinh của con người.

Nếu người dân sử dụng nước chứa Styren có thể dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Chân tay sẽ bị ngứa, lở, đau mắt… bởi Styren rất độc, nó ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người.

PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội).

Theo PGS, phương pháp lọc chất ô nhiễm Styren trong nước hữu hiệu nhất là gì?

Nguồn nước bị ô nhiễm không chỉ có Styren mà còn dầu thải từ xe máy, xe ô tô, xăng và một số hóa chất khác.

Trước hết, thấy nước có vấn đề công ty nước sạch Sông Đà cần lấy nước đó đưa đến các trung tâm phân tích. Thông báo ngay phía tiêu thụ nguồn nước. Phân tích xong, biết các chỉ số, các loại, các chất thì mới biết xử lý như thế nào.

Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng than hoạt tính dạng hạt kết hợp sục khí qua tháp chèn có thể giúp lọc nguồn nước bị nhiễm Styren. Nhưng, than hoạt tính chỉ có tác dụng với một lượng nước nhất định. Sau đó, than sẽ không còn khả năng hoạt động nữa do đã bão hòa.

Bởi vậy, yêu cầu công ty cấp nước Sông Đà không chỉ chịu trách nhiệm trước người dân mà còn nhanh chóng xử lý kịp thời nguồn nước, để cuộc sống người dân được đảm bảo.

PGS có khuyến cáo gì với người dân khi nước nhiễm Styren?

Cuộc sống con người là nhờ nước, chúng ta có thể nhịn nhiều thứ nhưng không thể nhịn sử dụng nước. Nước vào cơ thể đi rất nhanh đến các cơ quan nội tạng nên khi nước bị nhiễm độc người dân cần ngừng sử dụng nguồn nước, không sử dụng để nấu ăn, uống. Sau đó, cần súc rửa nước bể chứa.

Mai Thu

Theo nguoiduatin

Kết quả xét nghiệm chính thức vụ nước có mùi khét ở Hà Nội: Chất Styren từ dầu thải gây ra có thể gây ung thư

Chiều 15/10 UBND TP Hà Nội đã có thông báo chính thức về kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy từ các hộ dân phản ánh về nguồn nước sinh hoạt có mùi khét, hôi, khó chịu đang gây xôn xao trong thời gian vừa qua.

Theo đó, các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Thành phố theo QCVN 01:2009/BYT xác định:

Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Váng dầu còn lưu lại ở khu vực phát hiện

Nguồn nước được phát hiện váng dầu

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.

Về vấn đề trên, sáng nay tại buổi tiếp xúc cử chi, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Có thể nói, nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã đổ dầu phế thải vào đầu con suối, sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy”.

Người dân Hà Nội phải mua nước sạch từ nguồn khác

Người dân xếp hàng chờ từng chai nước sạch

Người dân tranh thủ đi xin nước sạch

Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường. Mùi này qua kết quả xét nghiệm xác định, đó là liên quan đến chất Styren và có tỷ lệ từ 1,3 – 3,6 lần cao hơn so với mức bình thường.

Theo các chuyên gia y tế, Styren là hóa chất dùng trong công nghiệp hay dùng để chế tạo sơn, nhựa có thể gây hại tới sức khỏe con người. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư.

Styrene là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H5CH=CH2, thường được sử dụng trong sản xuất hộp xốp đựng đồ ăn. Styrene đã được chứng minh có khả năng gây tổn hại đến ADN.

Vì thế, bạn hãy chuyển sang đựng đồ ăn bằng hộp inox hoặc nhôm… Nếu nhất thiết phải sử dụng hộp xốp, cốc xốp… thì chú ý không được đựng đồ nóng trong đó, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ vì có thể giải phóng styrene.

Theo Helino

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *