Phản ánh như thế nào khi bị thiếu, sai thông tin tiêm vaccine

Người bị sai thông tin trên hệ thống, đã tiêm nhiều tuần nhưng chưa được xác nhận, có thể gửi phản ánh đến Cổng thông tin Tiêm chủng Covid-19 để được điều chỉnh.

Để gửi yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, bạn truy cập vào hệ thống tiemchungcovid19.gov.vn, chọn mục “Phản ánh thông tin” (màu cam, phía bên phải giao diện website). Điền đầy đủ các thông tin cần thiết bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ… và lựa chọn loại phản ánh phù hợp.

Bước tiếp theo, điền thông tin mũi tiêm, đính kèm hình ảnh chụp “Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19″, nhập mã xác nhận và bấm “Gửi phản hồi”. Cuối cùng, nhập mã OTP nhận được từ số điện thoại cung cấp tại bước 2 vào phần “Xác thực OTP” và bấm “Xác nhận” để kết thúc phản ánh.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 11/9 thông báo đóng kênh tiếp nhận điều chỉnh của HCDC và chỉ tiếp nhận thông qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Kênh này được lập ra từ cuối tháng 8 để thực hiện điều chỉnh trên Sổ Sức khỏe điện tử. Đến ngày 10/9, HCDC đã nhận hơn 350.000 lượt gửi thông tin phản ánh. Đại diện HCDC cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý và điều chỉnh thông tin tiêm chủng của người dân đã cung cấp qua kênh tiếp nhận, khi thông tin đảm bảo tính chính xác và có “Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19″ đúng quy định.

Hiện, nhiều người gặp tình trạng tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng cả ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và Cổng thông tin Tiêm chủng Covid-19 đều ghi nhận “chưa tiêm vaccine” , hoặc “đã tiêm một mũi vaccine”, hoặc sai sót các thông tin cá nhân. Điều này khiến nhiều người lo ngại khi thành phố sắp áp dụng “thẻ xanh vaccine”.

Một trường hợp tại TP HCM tiêm hai mũi vaccine Covid-19 vào ngày 26/6 và 17/8, song ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử ghi nhận “chưa tiêm”. Ảnh: Bảo Lộc.

Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 do Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện, cho phép người dân, tổ chức đăng ký tiêm, tra cứu chứng nhận tiêm; đăng ký cơ sở tiêm chủng; và công khai thông tin về số lượng vaccine, phân bổ vaccine, số lượng đối tượng đăng ký, đã tiêm, kết quả tiêm chủng.

Sổ Sức khỏe điện tử là một ứng dụng trên di động dành cho người dân kết nối trực tiếp với hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Với ứng dụng này, người dân có thể quản lý thông tin sức khỏe của bản thân mình và chủ động trong việc phòng bệnh dịch Covid-19.

Tình trạng tiêm vaccine của mỗi người sẽ được cập nhật lên ứng dụng này, bao gồm thông tin cá nhân của người dân, số mũi vaccine đã tiêm và mã QR để người dân sử dụng khi được nhân viên y tế yêu cầu. Người đã tiêm vaccine mũi một sẽ nhận giấy chứng nhận màu vàng. Người đã tiêm đủ hai mũi sẽ nhận giấy chứng nhận màu xanh. Người chưa tiêm mũi nào thì ghi nhận “chưa tiêm vaccine”.

Theo Bộ Y tế, nhiều người chưa có chứng nhận tiêm trên Sổ sức khỏe điện tử do dữ liệu vẫn đang trong quá trình nhập. Trong văn bản gửi đến các tỉnh thành trên cả nước tuần trước, Bộ đề nghị các đơn vị liên quan nhập dữ liệu lên Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 quốc gia, hoàn thành trước ngày 20/9.

Tính đến ngày 10/9, Việt Nam đã tiêm 25.926.688 liều vaccine Covid-19, trong đó tiêm 1 mũi là 21.459.102 liều, tiêm mũi 2 là 4.467.586 liều.

Thủ tướng chỉ đạo dùng một ứng dụng PC Covid

Thủ tướng yêu cầu thống nhất một ứng dụng trong phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thực hiện.

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến thực tế các giải pháp công nghệ chưa được sử dụng triệt để và thống nhất, gây bất tiện cho người dân, gây tình trạng tập trung đông người.

Trong những giải pháp đưa ra, Thủ tướng lưu ý tăng cường cơ chế, chính sách, nguồn lực cho phòng chống dịch, các chính sách cần được cân nhắc thấu đáo, tổng thể, toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thống nhất một ứng dụng trong phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Ảnh: VGP.

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…).

Ông cũng yêu cầu kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư của Bộ Công an.

“Từ hôm nay trở đi, tôi đề nghị anh Hùng (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – PV) công bố và hướng dẫn công nghệ, thống nhất một app lấy tên là PC Covid (Phòng chống Covid-19) để nhân dân chỉ vào một app”, Thủ tướng chỉ đạo.

Theo người đứng đầu Chính phủ, phải thống nhất một ứng dụng trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được giao chỉ đạo việc trang bị ngay điện thoại bàn tại các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các cấp.

Nội dung này cũng được đề cập trong cuộc họp chiều 10/9 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.

Phó thủ tướng cho rằng các bộ, ngành, doanh nghiệp đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ.

Nhiều công cụ khi triển khai thực tế chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng. Thực tế, nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ phòng chống dịch khác nhau.

Vì vậy, ông yêu cầu trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ phòng chống dịch. Những thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hồi giữa tháng 8, các chuyên gia lo ngại việc một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai tại TP.HCM chưa vận hành thông suốt, gây tập trung đông người.

Bên cạnh đó, xuất hiện thêm các ứng dụng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh do một số ngành, địa phương triển khai nhưng thiếu sự phối hợp thống nhất.

Ban Chỉ đạo khi đó đã yêu cầu Bộ TTTT khẩn trương cùng Bộ Y tế, các bộ, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ để phát triển những công cụ chống dịch bám sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt toàn hệ thống. Đặc biệt, các ứng dụng phải thuận lợi, dễ sử dụng với người dân, tránh tình trạng cát cứ thông tin, quá nhiều ứng dụng không liên thông, tích hợp.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch, từ đầu năm 2020 tới nay đã có rất nhiều ứng dụng, phần mềm khai báo sức khỏe được các đơn vị triển khai, áp dụng, điển hình như: Bluezone; NCOVI; Vietnam Health Declaration (VHD); Sổ Sức khỏe điện tử; phần mềm di biến động dân cư…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *