Nghiên cứu hàng chục nghìn bệnh nhân Parkinson, các nhà thần kinh học của bệnh viện Đại học Helsinki ( Phần Lan) đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh (phổ tác động rộng và loại kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí, nấm) và sự phát triển của bệnh Parkinson.
Khi kê đơn thuốc kháng sinh, các bác sĩ phải tính đến tác động của chúng đối với hệ vi sinh vật đường ruột và sự phát triển của một số bệnh, trong đó có bệnh Parkinson – Ảnh: CCO Public Domain
Theo Medical Xpress, các nhà thần kinh học của bệnh viện Đại học Helsinki (Phần Lan) đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh (phổ tác động rộng và loại kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí, nấm) và sự phát triển của bệnh Parkinson – nhóm các bệnh rối loạn vận động với đặc điểm cứng cơ, run, tư thế và dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp và trong trường hợp bệnh nặng người bệnh có thể mất đi một số chức năng vận động vật lý.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng của việc dùng kháng sinh đối với 13.976 bệnh nhân người Phần Lan được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson từ năm 1998 đến 2014. Nhóm đối chứng gồm 40.697 tình nguyện viên khoẻ mạnh.
Filip Scheperjans, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết ở một tỷ lệ đáng kể những người mắc bệnh Parkinson, bệnh lý có thể xảy ra ở ruột nhiều năm trước khi có biểu hiện của các triệu chứng điển hình của bệnh này.
Thành phần vi khuẩn của ruột ở bệnh nhân Parkinson là bất thường, nhưng nguyên nhân gây ra tình trạng này là không rõ ràng. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số loại kháng sinh thông thường có ảnh hưởng đáng kể đến hệ vi sinh vật đường ruột và liên quan đến bệnh Parkinson.
Táo bón, hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột với việc lạm dụng kháng sinh quá mức đã được phát hiện có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson. Hơn nữa, việc dùng thuốc kháng sinh phổ biến hiện nay có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát của bệnh 10 – 15 năm trước khi xuất hiện triệu chứng tiêu biểu.
Theo các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu này có nghĩa là khi kê đơn thuốc chống vi trùng, các bác sĩ phải tính đến tác động của chúng đối với hệ vi sinh vật đường ruột và sự phát triển của một số bệnh, trong đó có Parkinson.
Các bác sĩ cho biết, mối liên quan mạnh mẽ nhất với nguy cơ phát triển bệnh Parkinson đã được xác định khi sử dụng các nhóm kháng sinh macrolide và lincosamide. Những tác dụng của thuốc chống vi khuẩn và tetracycline, sulfonamid và trimethoprim cũng như thuốc chống nấm có liên quan nhiều đến nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
Vũ Trung Hương
Theo motthegioi
Kháng thuốc – mối đe doạ thường trực
Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái.
Ảnh minh họa.
Đến năm 2050, có thể có 10 triệu người t.ử v.ong do kháng thuốc
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng kháng sinh xảy ra khi chúng ta lạm dụng hoặc dùng kháng sinh sai mục đích. Vi khuẩn tiến hóa và có khả năng kháng lại những kháng sinh từng được dùng để điều trị nhiễm khuẩn do chúng gây ra.
TS Kidong Park – Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam thông tin, báo cáo về tình hình kháng thuốc của một nhóm điều phối của Liên hợp quốc đưa ra hồi tháng 4/2019 khuyến nghị, nếu không hành động ngay từ hôm nay, kháng thuốc sẽ gây ra hệ lụy là từ nay đến năm 2050 có 10 triệu ca t.ử v.ong mỗi năm, cao hơn số ca t.ử v.ong vì ung thư; kháng thuốc tạo gánh nặng kinh tế toàn cầu, tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD, đồng thời từ nay đến năm 2030, hơn 24 triệu người sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, ước tính ở Việt Nam, tình hình kháng thuốc trở nên báo động. Việt Nam đứng thứ 11 trong những quốc gia có tần suất sử dụng kháng sinh nhiều nhất.
Thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam năm 2018 cho thấy, kháng sinh là một trong những loại thuốc bảo hiểm y tế chi trả cao nhất. Càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì càng có nguy cơ, cơ hội cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc.
Theo GS.TS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Phụ trách BV Bạch Mai, trong quá thăm khám tại bệnh viện, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp chủ quan với việc sử dụng thuốc kháng sinh. Có người bệnh khi bị ốm không chịu đi khám mà lục lại đơn thuốc được bác sĩ kê từ 3 năm trước để tự đi mua thuốc về điều trị.
“Rất nhiều người bệnh khi thấy có dấu hiệu như hắt hơi, sổ mũi, sốt thì ra ngay hiệu thuốc mua kháng sinh. Lẽ ra phải đến bệnh viện để được thăm khám thì họ lại tin vào người bán thuốc. Hầu như, nhiều người bệnh chỉ khi bệnh tiến triển rất nặng và đã qua sử dụng thuốc ở nhà rồi mới đến bệnh viện. Đây là một thói quen sử dụng kháng sinh khá tùy tiện” – GS.TS Ngô Quý Châu nói.
Cũng có những trường hợp nguy hiểm hơn đó là, người bệnh khi thấy có triệu chứng giống với triệu chứng mình từng mắc trước đó thì tự ý đi mua thuốc với đơn thuốc sẵn có lần trước. Việc tự mua thuốc như vậy không phù hợp về liều, về thuốc so với mặt bệnh.
GS.TS Ngô Quý Châu giải thích, một liều thuốc đó có thể sẽ cần đến 3g/ngày nhưng người bệnh chỉ uống một nửa liều. Việc uống kháng sinh không đủ liều rất nguy hiểm vì nó dẫn tới việc vi khuẩn thích nghi dần. Có những trường hợp bệnh nhân chỉ mới uống được 2 – 3 ngày thấy đỡ bệnh đã tự ý ngưng sử dụng thuốc kháng sinh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng kháng thuốc kháng sinh.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng, người dân mua thuốc kháng sinh dễ “như mua rau” vì được bán đầy ở các hiệu thuốc.
Do đó, kháng thuốc đang thực sự là một mối đe dọa đối với an ninh y tế công cộng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Những nỗ lực của Việt Nam
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại: Là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế – thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển.
Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta;
Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.
Kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người t.ử v.ong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.
Từ năm 2013, Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành và các đối tác phát triển, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và thu được các kết quả quan trọng: Đã tổ chức tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc hàng năm; Thiết lập, củng cố và phát triển hệ thống giám sát kháng thuốc quốc gia tại 16 BV trên cả nước; Xây dựng tài liệu về Hướng dẫn sử dụng kháng sinh và Hướng dẫn Quản lý kháng sinh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Xây dựng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.
Nhờ đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh giảm mạnh, góp phần giảm đáng kể tình trạng kháng kháng sinh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Đức Trân
Theo daidoanket