Phát hiện và chữa sớm bệnh lý tai mũi họng giúp con học tốt hơn

Vào đông, bệnh tai mũi họng ở trẻ gia tăng, biến chứng nhanh, thậm chí t.ử v.ong vì không chữa trị kịp thời, bác sĩ hướng dẫn cách để giúp bố mẹ phát hiện bệnh cho trẻ sớm.

Điều trị sớm cho trẻ bị chảy nước mũi. Ảnh minh họa

Cách phát hiện trẻ bị viêm mũi họng và xử trí

Khi bố mẹ thấy trẻ có các biểu hiện sau thì cần biết trẻ đang mắc bệnh về tai:

Với trẻ biết nói sẽ phàn nàn bị đau trong tai, được mô tả đau nhói hoặc đau tức, đau lan xuống hàm dưới hoặc lên thái dương.

Nếu là trẻ chưa biết nói thường hay dụi dụi tai bên đau vào gối hay vào vai người đang bế rồi khóc thét vì đau.

Chảy tai xuất hiện kèm theo những đợt viêm mũi họng cấp thường là mủ của viêm tai giữa cấp giai đoạn đã vỡ mủ (không phải ráy tai như một số bố mẹ nhầm tưởng).

Nghe kém – trẻ lớn khó tập trung trong khi học, nhiều khi gọi từ phía sau trẻ không nghe thấy. Trẻ bị nói ngọng khó sửa vì không nghe được một số âm trầm trong viêm tai giữa. Hoặc trẻ bị điếc câm do không nghe được. Bố mẹ ông bà thấy trẻ không nói được như các trẻ cùng lứa t.uổi.

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay ở các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Phát hiện bệnh về mũi khi trẻ ngạt tắc mũi, chảy mũi (sổ mũi): Dịch trong viêm mũi có thể bít lấp vào lỗ thông từ mũi sang tai gây ra hiện tượng tắc vòi tai, từ đó có thể bị nghễng ngãng, ù tai, một số trường hợp trẻ bị viêm mắt tái phát nhiều lần vì viêm nhiễm từ mũi đi lên (mắt có ống lệ tỵ nối mắt với mũi, nếu chữa trị mắt đơn thuần sẽ không khỏi hẳn).

Bình thường trẻ thở bằng mũi một cách chậm rãi, đều đặn, không có tiếng kêu và miệng ngậm. Bịt một cánh mũi trẻ vẫn thở dễ dàng. Khi trẻ bị ngạt tắc mũi bố mẹ có thể phát hiện qua biểu hiện hàng ngày như sau: Trẻ thở phải cố gắng nên cánh mũi phập phồng và có tiếng kêu. Kiểm tra bằng cách bịt một bên mũi, trẻ sẽ bị ngạt. Hoặc bịt từng bên mũi trẻ và đặt lưng bàn tay vào sát lỗ mũi bên kia để cảm giác được hơi thở nhẹ đi qua.

Trẻ bị ngạt tắc mũi phải thở bằng miệng nên họng khô, rát. Chất nhầy của mũi chảy xuống họng làm cho trẻ ho và hay bị nôn, trớ.

Tiếng thở của trẻ trở nên nặng, ban đêm ngáy to, hay có những cơn ngạt thở và ho rũ do co thắt thanh quản – do nước bọt tràn vào thanh quản gây phản xạ bị kích thích (hay xảy ra ở trẻ bị viêm V.A và có viêm thanh quản).

Trẻ lớn bị ngạt tắc mũi sẽ nói bằng giọng mũi tắc:

Ở trẻ đang bú mẹ chứng ngạt tắc mũi làm trẻ bú khó khăn, bú không được dài hơi do trẻ vừa bú vừa há miệng thở – còn làm cho trẻ dễ bị sặc. Ban đêm trẻ hay khóc thét. Trẻ lớn bị thiếu không khí nên trẻ lớn không linh hoạt, hay bị nhức đầu, không tập trung học tập… Thậm chí dẫn tới trẻ bị tắc vòi tai, bị nghễng ngãng, ù tai, gọi trẻ lúc nghe được lúc không, học hành sẽ sút kém – lỗi này là do bố mẹ không phát hiện và chữa bệnh sớm cho con gây nên.

Chảy mũi:

Bên cạnh ngạt tắc mũi là chứng chảy mũi (sổ mũi).

Nếu chảy mũi thò lò ở cửa mũi trước bố mẹ dễ thấy nên trẻ ít bị biến chứng.

Nhưng khi nước mũi chảy ra phía sau rồi rơi xuống họng (xảy ra khi hốc mũi phía trước bị phù nề cản trở nước chảy ra trước) khiến trẻ hay ho, khạc, buồn nôn hay nôn.

Một số lưu ý:

Khi trẻ chảy mũi một bên, lẫn m.áu, mũi thối nên nghĩ đến dị vật mũi. Nếu trẻ có rối loạn ngửi (rất khó phát hiện do trẻ không hợp tác), qua các biểu hiện trẻ kém ăn dần – thì nên biết đó là trẻ không ngửi thấy vị thơm từ thức ăn kích thích cảm giác thèm ăn và giảm xuất tiết nước bọt (giúp tiêu hoá thức ăn) – cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định bệnh sớm.

Bệnh lý tai mũi họng đơn giản, nhưng có khả năng gây t.ử v.ong bởi các biến chứng như viêm màng não do tai, áp xe não do tai, viêm phổi nặng, bít lấp đường thở do dị vật, các n.hiễm t.rùng biến chứng toàn thân: viêm cầu thận cấp, thấp tim…

Khi nào sử dụng kháng sinh cho trẻ?

Mỗi khi trẻ bị bệnh tai mũi họng, sốt, ho… bố mẹ đều muốn bác sĩ điều trị khỏi ngay – tạo áp lực tâm lý lớn cho các bác sĩ khiến họ thường quyết định dùng ngay kháng sinh đặc trị để chiều ý gia đình (bởi nếu để trẻ tự đề kháng thì sẽ lâu khỏi). Hậu quả dùng kháng sinh là cơ thể trẻ mất chức năng đề kháng, phụ thuộc vào thuốc và rất dễ nhiễm bệnh… chưa kể bị nhờn thuốc, làm tổn thương gan, thận, tuỵ… mà sau một thời gian mới xuất hiện và rất nan giải cho các bác sĩ điều trị.

Hoặc điều trị không đúng như dùng thuốc giảm ho (loại ức chế trung tâm hô hấp) sẽ làm mất khả năng bảo vệ phổi của trẻ qua phản xạ ho tống dịch ra ngoài – dẫn đến các biến chứng viêm phế quản, viêm phổi.

Thực tế, những bệnh lý mà trẻ mắc phải 80% là do vi rút, chỉ nên dùng các thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho nhóm long đờm, chống ngạt tắc mũi… để cơ thể trẻ tự sản sinh ra kháng thể chống lại các bệnh lý này. Quá trình điều trị các bố mẹ cần theo dõi cẩn thận, khi thấy trẻ có triệu chứng bội nhiễm vi khuẩn như nước mũi vàng xanh, hơi thở hôi… thì phải dùng kháng sinh kịp thời.

Lời khuyên:

Nên đưa trẻ đi khám ngay mỗi khi bị bệnh, làm đúng theo y lệnh.

Trao đổi ngay những thay đổi của trẻ (cả tốt/xấu) để bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp.

Không nên đi khám một lúc nhiều bác sĩ (vì mỗi bác sĩ có quan điểm điều trị riêng, hoặc dùng từ ngữ chuyên môn khác nhau) vì dễ hoang mang, lo lắng.

Cách phòng tránh các bệnh tai mũi họng và biến chứng:

Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường, giữ ấm vùng cổ, ngực và bụng cho trẻ khi trời lạnh.

Hạn chế đưa trẻ tới chỗ đông người vì dễ bị lây nhiễm bệnh.

Tránh để trẻ ở những nơi có gió lùa hoặc ra khỏi nhà chơi sau 6 giờ tối..

Hạn chế biến chứng bệnh tai mũi họng:

Điều trị sớm mỗi khi trẻ có dấu hiệu tai mũi họng, đường hô hấp, các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.

Tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi họng bằng chế độ ăn uống, cho trẻ hoạt động thể thao phù hợp theo t.uổi.

Nhỏ mũi đúng cách để nhanh khỏi, dạy trẻ xì mũi đúng để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa, hoặc vào xoang.

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Theo giadinh.net

Trị bệnh mùa thu bằng cách dân gian hiệu quả, dễ làm (1): Cảm mạo mùa thu

Cảm mạo là một chứng bệnh ngoại cảm thường gặp, mùa nào cũng có thể mắc bệnh, nhất là những lúc thời tiết thay đổi vào thu hiện nay, tà khí bên ngoài xâm nhập vào.

Chứng cảm mạo thường là biểu hiện của viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm amidal…), bệnh thường vài ba ngày là khỏi, nhưng cũng có khi kéo dài đến tuần lễ.

Trong Đông Y, cảm mạo là do ngoại cảm phong hàn hoặc phong nhiệt, có khi kiêm thấp hoặc thương thử (lúc mùa hè nóng bức). Ngoại tà (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa – nhiệt) xâm nhập cơ thể trước hết phạm phế, gây nên các rối loạn chức năng của phế nên bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi da lông không được thông điều, hàn uất hoá hoả hoặc do nhiệt tà xâm nhập đều gây sốt, thấp trệ gây đau mình mẩy, mệt mỏi, có khi gây nên tiêu chảy (vì phế và đại tràng có quan hệ biểu lý), can nhiệt xông lên gây đau đầu.

Cảm mạo là bệnh dễ gặp trong thời tiết thu hiện nay. Ảnh minh họa

Cảm mạo trong đông y chia thành bốn dạng bệnh khác nhau: chứng phong hàn, phong nhiệt, chứng kiêm thử, kiêm thấp. Nhưng trong thực tế chỉ có hai loại là ngoại cảm phong hàn và ngoại cảm phong nhiệt. Mỗi loại có biểu hiện và cách trị khác.

* Cảm mạo phong hàn: Triệu chứng chủ yếu là ngạt mũi, tiếng nói khàn, hắt hơi, sổ mũi nước trong, họng ngứa, ho, đàm trong loãng, nặng thì đau đầu, đau nhức mình mẩy, sợ lạnh, phát sốt, rêu lưỡi trắng mỏng…

Để nhanh chóng giảm bệnh, mọi người có thể dùng một số bài:

Tía tô, Kinh giới đều 10g, Cam thảo dây 6g – Sắc uống và xông.

Hành hoa 3-5 củ, Gừng tươi 3-5 lát, Gạo tẻ một nắm, Đường đỏ vừa đủ – Sắc uống và xông.

Khương hoạt, Phòng phong đều 10g, Bạc hà một chút (cho sau) – Sắc uống nóg cho ra mồ hôi.

Lá Kinh giới, Tía tô, Bưởi, Sả tuơi, mỗi thứ một nắm(khoảng 50g) nấu nước xông cho ra mồ hôi.

* Cảm do phong nhiệt: Triệu chứng chủ yếu là sốt , sợ gió hoặc ra mồ hôi, đau đầu, sổ mũi nước vàng, họng đỏ sưng đau, ho đờm đặc, rêu lưỡi mỏng vàng, M. Phù sác.

Mọi người có thể áp dụng một số bài sau để điều trị như:

Lá dâu, Hoa cúc, Rễ sậy, Sắn dây đều 10g – Sắc uống.

Bột Sắn dây hoà uống sống.

Kim ngân hoa, Liên kiều, Ngưu bàng tử đều 6-10g, Cam thảo nam, Bạc hà (cho sau) đều 6g – Sắc uống.

Lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng

Viện hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội

Theo giadinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *