Phong cách nhiệt đới (Tropical style) trong thiết kế nội thất khá độc đáo, được ưa chuộng trên toàn thế giới và luôn nhận được sự quan tâm của giới kiến trúc sư. Nếu muốn sở hữu không gian sống được bài trí theo phong cách này, bạn cần nắm rõ những đặc trưng cơ bản dưới đây.
Phong cách nhiệt đới là gì?
Phong cách nhiệt đới trong thiết kế nội thất là phong cách lấy cảm hứng từ thiên nhiên khu vực miền nhiệt đới, gần xích đạo. Một ngôi nhà hoặc căn hộ chung cư được thiết kế nội thất theo phong cách nhiệt đới sẽ mang đến cho gia chủ không gian sống bình yên, thanh tĩnh với màu xanh bất tận của biển cả, mây trời, rừng nhiệt đới.
Theo các tài liệu nghiên cứu, phong cách nội thất nhiệt đới ra đời từ năm 1950, tại các khu vực thuộc địa của Anh gồm những nước châu Á và Đông Phi. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, văn hóa của từng quốc gia, vùng lãnh thổ, phong cách nhiệt đới có sự khác biệt nhất định. Theo thời gian, phong cách này đã được biến tấu, bổ sung nhằm phù hợp với lối sống hiện đại và đương đại. Tuy nhiên, về cơ bản, Tropical style luôn có những đặc trưng cơ bản như sau:
Màu sắc thiên về tự nhiên
Màu sắc đặc trưng của phong cách nhiệt đới là những tông màu thiên về tự nhiên như màu xanh lục của lá, xanh nhạt của bầu trời, xanh thẳm của đại dương, màu gỗ của thân cây, màu vàng của bãi cát… Bản chất của Tropical style là sự tự do, phóng khoáng, thậm chí là hoang dã nên chủ nhân có thể tùy sở thích, kiến trúc nhà ở mà lựa chọn sắc độ đậm nhạt của những gam màu này.
Phong cách nhiệt đới trong thiết kế nội thất chuộng sử dụng tông màu xanh, điểm xuyết sắc màu tạo điểm nhấn như cam, vàng chanh… |
Ngoài sắc xanh dương, xanh lục chủ đạo được khuyến khích sử dụng, bạn có thể kết hợp thêm các gam màu sáng nổi bật như đỏ, cam, vàng… cho đồ nội thất, phụ kiện trang trí nhằm tránh tạo cảm giác nhàm chán. Tuy nhiên, sự kết hợp màu sắc cần đảm bảo nguyên tắc hài hòa với tổng thể không gian chung và mang lại cảm giác thư thái, thanh tĩnh nhất cho người dùng.
Chậu cảnh lớn xanh mướt trở thành điểm nhấn nổi bật trong không gian phòng ăn sắc trung tính chủ đạo. |
Việc sử dụng màu sắc khi bài trí nội thất theo phong cách nhiệt đới có sự khác biệt nhất định giữa các châu lục, vùng miền, lãnh thổ. Chẳng hạn, khu vực Mỹ La Tinh (điển hình là Mexico) thường sử dụng kết hợp những tông màu nóng như cam, hồng, đỏ… Trong khi đó, các nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á (Việt Nam) lại chuộng gam màu nhẹ nhàng, tươi sáng như sắc xanh dương, nâu gỗ nhạt.
Họa tiết hoa lá, chim muông miền nhiệt đới
Loại họa tiết đặc trưng, phổ biến nhất của phong cách nhiệt đới là hình ảnh chim muông, hoa lá được in lặp liên tục trên bề mặt vải ghế sofa, chăn gối, giấy dán tường… Với không gian lớn, bạn nên sử dụng những họa tiết này để tạo hiệu ứng về chiều sâu. Còn đối với phòng nhỏ, chủ nhân hãy sử dụng họa tiết cho một vị trí nhất định để tránh gây rối mắt, khiến không gian thêm chật chội, tù túng.
Một vài mẫu giấy dán tường họa tiết lớn được sử dụng phổ biến trong thiết kế nội thất theo phong cách nhiệt đới. |
Cây xanh – “linh hồn” của Tropical style
Cây xanh được ví như linh hồn của phong cách nhiệt đới trong thiết kế nội thất. Để sở hữu không gian sống đậm chất nhiệt đới, bạn hãy bài trí những chậu cây cỡ lớn như chuối cảnh, dừa cảnh, cọ, khóm trúc, phong lan, huyết dụ khắp các phòng chức năng trong nhà, tuy nhiên ưu tiên nhất vẫn là tiền sảnh, phòng khách và khu bếp ăn. Trở về nhà sau một ngày dài bận rộn, bạn sẽ có cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng nhiệt đới, ngập tràn sắc xanh cây cỏ.
Trong không gian phong cách nhiệt đới, cây và hoa được trồng chủ yếu ở các khu vực có nhiều ánh sáng như hiên nhà, sảnh, ban công, phòng khách. |
Trong trường hợp việc trồng các loại cây nhiệt đới nằm ngoài khả năng của bạn, không thích hoặc không có thời gian chăm sóc cây, chủ nhân hoàn toàn có thể sử dụng cây giả hoặc những họa tiết cây lớn trên giấy dán tường, vải chăn gối cũng như những phụ kiện khác.
Chất liệu nội thất thân thiện với môi trường
Thanh nhã, nhẹ nhàng và giàu cảm xúc là tiêu chí quan trọng khi lựa chọn chất liệu sử dụng cho nội thất nhiệt đới. Vậy nên, tơ lụa, mây tre đan và gỗ được ưu tiên hàng đầu cho nhà đẹp theo phong cách này.
Tơ lụa là chất liệu được yêu thích nhất trong phong cách Tropical style bởi vẻ đẹp trang nhã, mỏng manh và dịu dàng mà nó mang lại cho không gian sống. Chất liệu tơ lụa thường được chọn sử dụng cho rèm cửa, ga gối, nệm ngồi… Mặt khác, bạn cũng có thể chọn vải sa tanh, nhung, voan cho những món đồ này. Lưu ý, màu sắc chất liệu phải tuân theo bảng màu nhiệt đới nhưng sắc độ tùy biến theo nhu cầu, sở thích.
Họa tiết hoa lá, cây cỏ nhiệt đới được in trên chất liệu tơ lụa của vỏ gối tựa sofa. |
Gỗ (gỗ lim, tếch, xoan) cũng là chất liệu đặc trưng của phong cách nhiệt đới. Đây là vật liệu có sẵn tại vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Gỗ tông màu be chủ yếu được sử dụng để lát sàn nhà, làm khung ghế sofa, bàn ăn, tủ kệ lưu trữ mang đến bầu không khí vừa ấm áp vừa sang trọng cho không gian sống.
Những chất liệu tự nhiên khác như gạch men cũng được khuyến khích sử dụng khi bài trí nhà theo phong cách nhiệt đới. Lưu ý, khi chọn gạch, bạn nên ưu tiên tông màu sáng và hài hòa với đồ nội thất chính.
Ngoài sàn gỗ cứng, chất liệu gạch men tự nhiên cũng được yêu thích. |
Cùng với đó, ghế bành, ghế dài đôi, bàn cafe, thậm chí cả giường ngủ cũng có thể được đóng bằng khung mây tre đan thủ công, liễu gai mộc mạc. Các loại vải sợi tự nhiên dùng để bọc ghế sofa, ga gối, làm rèm cửa, thảm trải sàn… thường có họa tiết hoa lớn, cây cọ, dứa, vỏ sò hoặc động vật vùng nhiệt đới tông màu tươi sáng, nổi bật như xanh san hô, cam, vàng chanh.
Nội thất phong cách nhiệt đới không thể thiếu những món đồ làm bằng chất liệu mây tre đan thủ công mộc mạc, thân thiện với môi trường. |
Phụ kiện trang trí đậm chất nhiệt đới
Những bức bích họa là phụ kiện trang trí điển hình của phong cách nội thất Tropical style. Thông thường, bức bích họa được họa sĩ vẽ trên nước vữa còn ướt nên màu ngấm sâu, tạo sự đống động cho tranh. Các đề tài phổ biến được thể hiện trên tranh tường gồm rừng già, biển cả, muông thú… liên quan tới miền nhiệt đới.
Tranh tường nghệ thuật tái hiện hình ảnh rừng nhiệt đới tràn đầy sức sống, tạo điểm nhấn sinh động cho ngôi nhà bạn. |
Lựa chọn phong cách nhiệt đới cho nhà ở, bạn không nên bỏ qua những phụ kiện trang trí liên quan đến tàu thuyền như ván thuyền, nút thắt dây trên thuyền, mái chèo và võng treo. Những chi tiết nhỏ này đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo bầu không khí miền nhiệt đới cho không gian sống.
Ngoài ra, nếu muốn gia tăng vẻ đẹp hiện đại và sang trọng cho ngôi nhà, bạn có thể kết hợp thêm những chi tiết trang trí cầu kỳ tinh tế như tượng kim loại, đồ gỗ chạm khắc, tranh sơn dầu hay một bộ đèn chùm bằng vỏ sò, vỏ ốc trên trần nhà.
Ván thuyền, mái chèo, võng treo… được xem là những chi tiết trang trí quan trọng, góp phần mang đến bầu không khí miền nhiệt đới sinh động, tràn đầy sức sống. |
Để hình dung rõ hơn về phong cách nhiệt đới trong thiết kế nội thất, bạn có thể tham khảo cách sắp xếp và trang trí trong căn hộ dưới đây:
Không gian sinh hoạt chung trong căn hộ phong cách nhiệt đới nổi bật với những mảng tường màu xanh lá cùng những chậu cảnh lớn. |
Bộ tranh treo tường họa tiết lá cây nhiệt đới tạo xua tan sự đơn điệu của bức tường màu trắng thuần khiết. Bức tường đối diện ghế sofa được ốp gỗ sẫm màu tạo cảm giác thân thiện. |
Bộ ba đèn thả trần với phần chụp làm bằng thủy tinh trong suốt giúp không gian ăn uống trong căn hộ trở nên cuốn hút hơn. |
Ánh sáng được bố trí khéo léo giúp tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của nội thất gỗ trong phòng bếp. |
Phòng ngủ dành cho khách được bài trí với tông màu nhã nhặn, sang trọng. Sự hiện diện của tranh treo tường họa tiết lá cây nhiệt đới tạo điểm nhấn sinh động cho căn phòng. |
Phòng ngủ chính trong căn hộ phong cách nhiệt đới tích hợp cả không gian làm việc và giải trí. Chậu cảnh lớn tiếp tục xuất hiện, điểm tô không gian sống. |
Tủ quần áo như “tàng hình” cửa kính trong suốt, tạo độ thoáng cho căn phòng. |
Phòng ngủ dành cho con được trang trí với những tông màu trẻ trung, tươi sáng. |
Hệ tủ kệ lưu trữ giày dép, vật dụng cạnh lối vào căn hộ được thiết kế gọn gàng, đẹp mắt. |
Theo Báo mới