Phong cách nội thất Japandi tinh giản nhưng không nhàm chán

Thời gian gần đây, phong cách nội thất Japandi ngày càng được ưa chuộng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới bởi vẻ đẹp hiện đại, phóng khoáng nhưng cũng không kém phần thanh lịch, tao nhã mà nó mang lại. Ưu điểm nổi bật của phong cách Japandi là sự tinh giản nhưng không hề tạo cảm giác đơn điệu, tẻ nhạt. Ngôi nhà hoặc căn hộ được thiết kế theo phong cách này luôn khiến người ngắm khó rời mắt.

Vậy phong cách nội thất Japandi là gì? Đây là một xu hướng hỗn hợp. Khái niệm “Japandi” được ghép từ hai chữ “Japanese” và “Scandinavian”. Thế nên, phong cách này là sự kết hợp giữa nét hiện đại, mộc mạc của nội thất Scandinavian cùng sự tao nhã, thanh lịch của phong cách Nhật Bản để tạo ra một phong cách mới mang đến vẻ đẹp hài hòa giữa nội thất phương Đông và phương Tây.

>> Xem thêm: Những điều cần biết về phong cách nội thất Scandinavian

Cơ sở để hai phong cách nội thất kết hợp được với nhau là chúng tồn tại một số điểm tương đồng nhất định. Cả hai cùng theo chủ nghĩa tối giản, chú trọng chức năng sử dụng của nội thất hơn là những đường nét thiết kế cầu kỳ, phức tạp, từ đó tạo ra không gian sống tiện nghi, thoải mái nhất có thể. Phong cách Japandi trong thiết kế nội thất là sự cân bằng giữa hai thái cực, không quá mộc mạc, bình dị như nội thất Nhật Bản nhưng cũng không quá trau chuốt, chỉn chu như phong cách Scandinavian.

Chính bởi vậy, những người yêu thích nội thất tối giản rất chuộng phong cách Japandi. Nếu muốn bài trí nhà/căn hộ theo phong cách này, bạn cần nắm rõ những đặc trưng cơ bản sau đây để giúp cho không gian nội thất vừa giữ được nét đặc trưng của Japanese và Scandinavian, vừa tạo ra sự kết hợp độc đáo, cuốn hút riêng.

Phòng khách phong cách nội thất Japandi với ánh sáng tự nhiên ngập tràn.

Màu sắc tương phản

Đặc trưng nổi bật này được đánh giá là điểm mấu chốt, “chìa khóa” quan trọng tạo nên vẻ đẹp riêng biệt, cuốn hút của phong cách nội thất Japandi. Có thể nói, cách đơn giản nhất để tạo ra cái nhìn mới lạ, thú vị cho không gian sống chính là sử dụng bảng màu tinh tế. Phong cách Japandi cũng không ngoại lệ.

Như chúng ta đã biết, phong cách nội thất Scandinavian chuộng các tông màu trung tính (lấy màu trắng làm phông nền chủ đạo), màu gỗ tự nhiên cùng những điểm nhấn màu pastel nhẹ nhàng, tươi sáng. Trong khi đó, nội thất phong cách Nhật Bản lại ưu tiên gam màu trầm, màu của đất với sắc đen nhấn nhá. Vậy nên, điểm nổi bật của nội thất Japandi là sự kết hợp ăn ý giữa các màu tương phản.

Theo đó, nếu bạn đã sử dụng gam màu sáng làm phông nền chủ đạo cho căn phòng thì nên chọn một số đồ nội thất màu tối để tạo điểm nhấn. Ngược lại, nếu chọn màu trầm theo phong cách Nhật làm chủ đạo thì nên bổ sung thêm gam sáng cho nội thất chính và phụ kiện trang trí như thảm trải sàn, rèm cửa, tranh treo tường… Những gam màu sáng – tối bổ sung cho nhau tạo nên sự đa dạng, sinh động cho không gian sống. Sự thay đổi vị trí chủ đạo giữa hai thái cực màu trầm và màu sáng trong các phòng chức năng khác nhau là một trong những nguyên tắc tạo nên phong cách Japandi độc đáo, ấn tượng.

Nếu muốn tạo điểm nhấn, bạn hãy sử dụng thêm tông màu xanh lá hoặc xanh dương nhạt và bài trí thêm những chậu cây xanh tốt, tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, bạn cần tránh những tông màu nổi bật như hồng, cam, đỏ bởi chúng có thể phá vỡ sự thanh lịch, điềm đạm vốn có của phong cách nội thất Japandi.

Phong cách Japandi chuộng sử dụng bảng màu trung tính chủ đạo.
Sự tương phản giữa cặp đôi màu sắc đen – trắng mang đến vẻ đẹp hiện đại và sang trọng cho không gian phòng khách.

Nội thất gỗ tinh giản, tính ứng dụng cao

Cả hai phong cách Japanese và Scandinavian đều chuộng nội thất gỗ với thiết kế tinh giản, có giá trị sử dụng cao. Tuy nhiên, phong cách Scandinavian thường sử dụng nội thất gỗ màu sáng, thiên về những đường cong mềm mại trong khi phong cách Nhật Bản ưu tiên tông màu trầm, hình khối đơn giản, chủ yếu là các đường thẳng. Nội thất Japandi là sự cân bằng giữa hai phong cách này, kết hợp ăn ý giữa đường cong – đường thẳng tạo nên sự tương phản thú vị và giàu tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Theo đó, để tạo nên phong cách Japandi, bạn đừng ngần ngại phối kết những món đồ nội thất của cả hai phong cách. Hãy sử dụng nhiều sắc độ gỗ khác nhau, phối hợp các đường cong – thẳng để kiến tạo nên không gian sống đẹp mắt, thân thiện với môi trường. Với phong cách kết hợp này, bạn thoải mái sử dụng nội thất gỗ nhưng cần kết hợp chúng một cách hài hòa, liền mạch.

Nội thất căn hộ chung cư kết hợp giữa phong cách Nhật Bản và Scandinavian.
Bộ bàn ghế ăn kiểu dáng thanh mảnh cùng tông với mảng tường ốp gỗ giúp gia tăng cảm giác ấm cúng, gần gũi.

Japandi là phong cách tổng hòa những đặc trưng nổi bật của phong cách nội thất Nhật Bản và Scandinavian, đồng thời có những điểm mới tạo nên một không gian đa phong cách, đa màu sắc. Chẳng hạn, bên cạnh bức tường trắng trong phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung, bạn hãy đặt một bộ bàn trà màu đen kết hợp cùng những chiếc ghế gỗ thấp bằng gỗ nhạt màu hơn trên thảm trải sàn màu xám…

Thực tế cho thấy, nội thất Japandi phù hợp với mọi lứa tuổi, mang đến cho bạn không gian sống thoáng rộng và thoải mái nhất có thể. Dù gia chủ là những người lớn tuổi thích vẻ đẹp truyền thống hay là người trẻ chuộng nét hiện đại, thời thượng thì nội thất Japandi đều đáp ứng được. Đặc biệt, với những ngôi nhà hoặc căn hộ chung cư có diện tích khiêm tốn, nội thất gỗ đa năng với thiết kế tinh gọn, thông minh hiện rất được ưa chuộng. Ví dụ, tại phòng khách, bàn trà gỗ/ghế sofa thường được tích hợp thêm hộc tủ, ngăn kéo đựng đồ hay trong phòng bếp, bàn đảo sẽ kiêm luôn chức năng góc ăn sáng, tủ lưu trữ tiện dụng…

Không gian phòng ngủ được thiết kế theo phong cách Japandi chuẩn chỉnh.
Điểm nhấn ấn tượng của phòng tắm phong cách mở là chậu rửa và bồn tắm bằng đá màu đen nổi bật trên nền tường ốp gỗ.

Trang trí tinh tế

Phong cách Japandi chú trọng vào sự thoải mái và tính tiện dụng cho người dùng. Vậy nên, bạn sẽ chọn phụ kiện trang trí nhà theo tiêu chí này. Theo đó, gối tựa sofa, gối ôm hay thảm trải sàn, vật dụng trang trí làm bằng vật liệu tự nhiên (gỗ, tre, nứa…) không chỉ tinh tế, đẹp mắt mà còn phải tạo được cảm giác gần gũi, thân thiện cho tổng thể ngôi nhà.

Những phụ kiện trang trí mang đậm phong cách Nhật Bản như đồ gốm kiểu Wabi-Sabi, đèn lồng giấy rực rỡ sắc màu, bình hoa mộc mạc hay tranh nghệ thuật treo tường tông màu lạnh, tối giản sẽ mang đến vẻ đẹp thanh tao, trang nhã nhưng cũng không kém phần hiện đại, thời thượng cho không gian sống.

Khi bài trí nhà theo phong cách nội thất Japandi, bạn nên ưu tiên sử dụng những chiếc rèm cửa làm bằng chất liệu voan mỏng mảnh, xuyên thấu để ánh sáng tự nhiên dễ dàng chiếu rọi vào phòng, tạo nguồn năng lượng tươi mới cho không gian sống. Tuy nhiên, để đảm bảo tính riêng tư cần thiết, bạn có thể sử dụng loại rèm cửa 2 lớp, một lớp dày màu sẫm màu hơn, lớp còn lại mỏng hơn với sắc trắng thuần khiết.

Phong cách nội thất Japandi không quá cầu kỳ về phụ kiện trang trí.
Tinh tế và độc đáo là đặc điểm nổi bật của đồ trang trí phong cách Japandi.
Chỉ với nhành cây mảnh mai như này, phòng bếp của bạn cũng đã trở nên tinh tế, cuốn hút hơn rất nhiều.

Tạo điểm nhấn với cây xanh

Cây xanh là một trong những điểm nhấn chủ đạo của phong cách nội thất Japandi. Sự hiện diện của cây xanh không chỉ góp phần thanh lọc không khí, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên mà còn mang đến nguồn năng lượng tươi mới cho căn phòng. Thế nhưng, bạn không nên sử dụng quá nhiều chậu/bồn cây xanh trong nhà và chỉ nên chọn những loại cây có lá thanh mảnh, tán thưa để truyền tải được vẻ đẹp thanh nhã, dịu dàng của phong cách Nhật Bản. Mặt khác, khi trang trí nhà với cây xanh, bạn cần đảm sự gắn kết chặt chẽ với đồ nội thất để tạo nên tổng thể không gian hài hòa, đẹp mắt.

Những chậu cảnh xanh tốt đặt ở góc phòng hoặc cây bonsai nhỏ xinh trên bàn trà là cảnh thường thấy trong ngôi nhà được bài trí theo phong cách nội thất Japandi.

Thuận Yến (TH)

>> Ngôi nhà mang phong cách Nhật trong hẻm Sài Gòn

>> Thiết kế nội thất Scandinavian tinh tế trong căn hộ 36m2

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/03/27/phong-cach-noi-that-japandi-tinh-gian-nhung-khong-nham-chan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *