Phun hóa chất diệt muỗi có ‘chống’ được sốt xuất huyết?

Phun hóa chất là một trong các biện pháp để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tức thì khi có ổ dịch tránh lây lan bùng phát dịch bệnh. Sử dụng bình xịt muỗi tại gia đình chỉ là biện pháp diệt muỗi tạm thời trong phạm vi rất nhỏ.

Ảnh minh họa: Internet

Tôi muốn biết, phun hóa chất có tác dụng như thế nào để phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH?) Bình xịt dùng trong gia đình có thể giúp phòng bệnh này không?

Chuongnguyennhu@gmail.com

BS Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế tư vấn:

Phun hóa chất là một trong các biện pháp để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tức thì khi có ổ dịch tránh lây lan bùng phát dịch bệnh. Sử dụng bình xịt muỗi tại gia đình chỉ là biện pháp diệt muỗi tạm thời trong phạm vi rất nhỏ.

Biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết quan trọng và cơ bản nhất hiện nay là thường xuyên loại trừ lăng quăng bọ gậy tại các hộ gia đình, nơi làm việc, khu vực vui chơi sinh hoạt cộng đồng. Các biện pháp có thể thực hiện bao gồm thu dọn vật liệu phế thải có thể gây đọng nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng; loại bỏ hoặc lật úp các vật dụng, dụng cụ có thể chứa nước tự nhiên, các ổ nước đọng tự nhiên; thả cá vào bể nước, …

Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

THÁI HÀ

Theo T.iền phong

Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh “bắt bệnh” sốt xuất huyết ở Thạch Hà

Từ ngày 8/9/2019 đến nay, trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) xuất hiện 9 bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Bệnh vẫn có thể lây lan ra cộng đồng nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.

Công tác thu gom phế thải tại các hộ gia đình tại thôn Đông Hà chưa được chú trọng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mật độ loăng quang, bọ gậy còn nhiều

Trong số 9 bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SXH) của huyện Thạch Hà, có 8 bệnh nhân trú tại xã Thạch Long. Hiện 6 bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và vẫn còn 3 bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị.

Thạch Long là ổ dịch SXH cũ. Năm 2013, tại đây xuất hiện 17 bệnh nhân bị SXH, năm 2017 tiếp tục có 18 bệnh nhân.

Qua kiểm tra, giám sát thực tế tại khu vực có bệnh nhân SXH ở thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long, đoàn công tác Sở Y tế Hà Tĩnh do Giám đốc Lê Ngọc Châu dẫn đầu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến xuất hiện bệnh sốt xuất huyết tại địa bàn.

Đó là môi trường ẩm thấp, các phương tiện giao thông qua lại nhiều, các phế thải, dụng cụ chứa nước trong hộ dân vẫn còn nhiều; mật độ loăng quăng bọ gậy, muỗi vằn truyền bệnh ở mức độ cao; hầu hết người dân vẫn còn thói quen đi ngủ không mắc màn, một số hộ dân đi làm ăn xa để lại “vườn không nhà trống”.

Mặc dù 100% hộ dân trong xã đã sử dụng nước máy, có nhiều cải thiện trong vệ sinh môi trường, song nguy cơ bệnh SXH tại đây vẫn có thể lây lan ra cộng đồng nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.

Lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm việc với chính quyền xã Thạch Long

Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, giám sát, Giám đốc Sở Y Lê Ngọc Châu đề nghị chính quyền địa phương, Trung tâm YTDP huyện và Trạm y tế xã Thạch Long đẩy mạnh truyền thông về bệnh SXH và cách phòng chống trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng chống.

Phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương vận động nhân dân ra quân vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước, phun hóa chất diệt muỗi tại các địa phương có mật độ muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cao; thực hiện tốt phương châm “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã ghi nhận 82 trường hợp mắc SXH, đến thời điểm này cơ bản đã được không chế. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Y tế, trong thời gian tới, với nhiều yếu tố thuận lợi, dịch SXH rất dễ bùng phát….

Theo baohatinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *