Xạ trị là phương pháp kinh điển, ngày càng quan trọng trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Quốc gia “Tiến bộ trong xạ trị ung thư” tổ chức sáng 27/11 tại Bệnh viện K Trung ương ( Hà Nội). PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho hay đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về chuyên ngành xạ trị nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị. Chúng ta có 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ trị theo hình khối u (3D-CRT), xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị hướng dẫn ảnh (IGRT), xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở (ABC), Gamma knife…
Việc phối hợp điều trị đa phương thức nhất là hóa xạ trị kết hợp trong nhiều loại bệnh ung thư nhằm mục đích bảo tồn cơ quan, cải thiện chất lượng, thời gian sống cho người bệnh.
“Với 226 bác sĩ, 156 kỹ sư vật lý xạ trị và 266 kỹ thuật viên vận hành máy xạ trị trên cả nước, điều đó cho thấy sự phát triển không ngừng của chuyên ngành này tại Việt Nam. Rất nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã được viết từ các bệnh viện, trung tâm, khoa ung bướu trên cả nước”, ông Thuấn nói.
Người bệnh xạ trị tại Bệnh viện K để điều trị bệnh ung thư. Ảnh: Hà Trần.
PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm xạ trị Quốc gia, Trưởng khoa Xạ 1, Bệnh viện K, cho biết ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại, theo ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp xấp xỉ 50%. Hiện Bệnh viện K mỗi ngày có khoảng 800-900 lượt bệnh nhân sử dụng phương pháp này.
Trước những lo ngại về biến chứng khi xạ trị, PGS Tùng cho hay bất cứ phương pháp điều trị ung thư nào đều có tác dụng phụ, xạ trị cũng vậy. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân đều được bác sĩ tính toán kỹ về phương pháp, cách thức, liều lượng, để hạn chế thấp nhất biến chứng.
Xạ trị là sử dụng tia phóng xạ (gamma, proton…). Khi chiếu vào cơ thể, các nhà y học đã tính toán việc dùng tia xạ đó vào vùng khối u hay vùng có hạch di căn để diệt tế bào ung thư.
Để giảm tác dụng phụ không mong muốn, người thầy thuốc đóng vai trò rất quan trọng, họ sẽ hướng dẫn cho người bệnh. Ví dụ, bệnh nhân phải bỏ các phụ kiện bằng kim loại vì chúng sẽ làm hấp thụ nhiều tia xạ.
Ngoài ra, bác sĩ cần hướng dẫn người bệnh dùng thuốc, đảm bảo sử dụng trúng đích các tế bào ung thư, đúng và đủ liều điều trị, nếu cần có thể chia nhiều liều xạ trị, tránh tổn thương tế bào lành.
Vì vậy, người bệnh cần tin tưởng bác sĩ, ăn uống đủ chất để có sức khỏe tốt nhất trong quá trình điều trị.
Có nên đợi hết dịch Covid-19 mới đi khám sàng lọc ung thư?
Tôi có khối u ở mạng sườn và một số vị trí khác ở dưới da. Dạo này tôi thấy khối u hạch như vậy nhiều hơn, đau rát, nhưng vì dịch bệnh không biết có nên đi khám. Nếu tôi đợi hết dịch mới đi khám thì có ảnh hưởng gì không?
(Phong, 38 t.uổi)
TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K Trung ương: Khi không có dịch bệnh, chúng tôi luôn khuyến khích người dân đi khám sàng lọc bệnh ngay cả khi chưa có dấu hiệu. Nếu có dấu hiệu bệnh thì nên đến các cơ sở y khám sớm để được chẩn đoán và điều trị sớm thì có hiệu quả điều trị cao hơn.
Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, khi đã có biểu hiện bệnh, đặc biệt các biểu hiện bạn có thể nhìn thấy, sờ thấy thì bạn nên đi khám tại y tế cơ sở. Tại đó các bác sĩ sẽ đ.ánh giá bước đầu, nhận định về khả năng khối u lành hay ác tính, cũng có thể đ.ánh giá sâu hơn là loại ung thư gì, giai đoạn nào. Chúng tôi luôn sẵn sàng kết nối với các cơ sở y tế, cầu nối y tế địa phương giúp đưa ra những chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Trong trường hợp quá khả năng điều trị thì Bệnh viện sẽ tiếp nhận khám, chẩn đoán và điều trị cho bạn.
Hà An