Hỏi: Tôi là người nước gốc Việt (giấy khai sinh tại Việt Nam). Nay tôi muốn mua lại một căn hộ chung cư tại Việt Nam từ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại một lô căn hộ từ chủ đầu tư) thông qua hình thức ký văn bản chuyển nhượng (hợp đồng mua bán căn hộ với doanh nghiệp này).
Thế nhưng, chủ đầu tư dự án đã từ chối khi doanh nghiệp trên chuyển văn bản chuyển nhượng và hồ sơ của tôi tới để được xác nhận. Theo lý giải từ chủ đầu tư thì pháp lý về người gốc Việt Nam được sở hữu căn hộ tại Việt Nam chưa rõ ràng, chỉ được mua chứ không được nhận chuyển nhượng căn hộ lại từ doanh nghiệp.
Vậy xin hỏi, tôi có phải xin thêm Giấy xác nhận là người gốc Việt nữa không? Chỉ với Giấy khai sinh tại Việt Nam, chủ đầu tư không duyệt hồ sơ của tôi. Đồng thời, họ còn yêu cầu tôi phải làm thủ tục để được cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt. Chủ đầu tư cho rằng, làm vậy mới đủ căn cứ chứng minh tôi là người gốc Việt.
Chủ đầu tư xử lý trường hợp của tôi như trên có đúng không? Liệu tôi có được mua căn hộ từ doanh nghiệp trên bằng văn bản chuyển nhượng không?
Mặt khác, tôi cũng muốn hỏi thêm là việc cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà cho người gốc Việt hiện nay có khó khăn gì không? Nếu tôi nhận chuyển nhượng lại căn hộ từ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như trên thì có được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở không và thời hạn sở hữu là bao lâu?
Chân thành cảm ơn!
(Đặng Hoài Mỹ Trinh)
Quy định về quyền sở hữu nhà ở của người gốc Việt? (Ảnh: Internet) |
Trả lời:
Điều 7, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định về những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài (quy định tại Khoản 1, Điều 159, Luật Nhà ở).
Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Cụ thể, đối với cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận gốc Việt Nam, trường hợp muốn xác định quyền sở hữu nhà ở thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài.
Để hiểu rõ hơn, bà Trinh có thể tham khảo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015/NĐ-CP về giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ngoài ra, nếu muốn biết về quyền của chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bà Trinh có thể tham khảo quy định tại Điều 10, Luật Nhà ở năm 2014. Trong khi đó, quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định tại Điều 161, Luật Nhà ở năm 2014.
Theo đề nghị của Bộ Xây dựng, bà Trinh nên đối chiếu trường hợp cụ thể của mình với quy định của pháp luật nêu trên cũng như các quy định khác có liên quan để thực hiện theo đúng luật định.
Hiện tại, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu có gì vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp Giấy chứng nhận, bà Liên có thể liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
Bộ Xây dựng
Theo Chinhphu.vn