Rụng tóc ít nhiều là một vấn đề phổ biến ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 cho biết, tuy kiểu rụng tóc này không phải là vĩnh viễn nhưng do khả năng miễn dịch suy yếu nên nang tóc của bạn bị ảnh hưởng và sẽ mất thời gian để phục hồi.
Các phát hiện cho thấy chu kỳ phát triển của tóc bị gián đoạn do virus dengue, gây ra tình trạng nhiễm trùng dai dẳng ở các tế bào nhú trong nang lông. Nhiễm trùng dai dẳng này dẫn đến rụng tóc ở bệnh nhân sau sốt xuất huyết. Tuy nghiên cứu không trực tiếp xác định liệu nhiễm trùng dai dẳng có dẫn đến những thay đổi lâu dài trong chu kỳ tóc hay không và vẫn còn thiếu bằng chứng trực tiếp về sự nhân lên của virus trong tóc của nạn nhân sốt xuất huyết hoặc trong các mô hình lây nhiễm ở động vật.
Theo ThS.BS Trương Thị Huyền Trang, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc – Bệnh viện Da liễu Trung ương: Những bệnh nhân sau quá trình bệnh lý có hiện tượng rụng tóc như phụ nữ sau sinh, sau sốt xuất huyết, sau COVID-19… Bệnh lý này sẽ làm giảm khả năng cung cấp dưỡng chất cho tóc, dẫn đến tình trạng rụng tóc. Trung bình một người có 100.000 sợi tóc, trong đó có 100 sợi tóc rụng mỗi ngày. Khi lượng tóc rụng vượt quá 100-150 sợi/ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ để khám.
Nên ăn gì để khắc phục chứng rụng tóc sau sốt xuất huyết?
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp tóc chắc khỏe và bóng mượt hơn, vì vậy những gì bạn ăn cũng có thể khiến bạn ít bị rụng tóc hơn. Nếu không nhận được một số chất dinh dưỡng nhất định từ thực phẩm, chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng lên tóc.
Thực phẩm giàu protein và sắt giúp ngăn ngừa thiếu máu và tăng cường hệ thống miễn dịch, cả 2 đều giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Protein rất quan trọng để có mái tóc khỏe mạnh nhưng nhiều người không nhận đủ chất này. Bạn cần bổ sung đủ chất đạm, các sản phẩm từ đậu nành đều là nguồn cung cấp tốt.
Các acid béo thiết yếu, đặc biệt là omega-3, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của da, tóc và móng tay, vì vậy bạn nên ăn một số thực phẩm giàu omega-3 mỗi ngày, ví dụ như:
– Dầu hạt lanh, hạt chia, dầu hạt cải
– Quả óc chó
– Đậu nành, đậu phụ và họ cải
– Rau (bông cải xanh, súp lơ, cải Bruxen)
Vitamin B6, B12 và acid folic cũng rất quan trọng đối với tóc. Thực phẩm chứa B6 bao gồm chuối, khoai tây, rau chân vịt. Các nguồn cung cấp B12 là các sản phẩm từ sữa. Bạn có thể nhận acid folic từ nhiều loại trái cây và rau quả tươi, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, cà chua, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc tăng cường, đậu và đậu lăng…
Loan Mạc (Tổng hợp)