Tốc độ tiến hóa và sự xuất hiện của các đột biến trong chủng C.1.2 khiến giới khoa học Nam Phi không khỏi lo lắng. Chúng có thể gây kháng vaccine và dễ lây lan.
Giới nghiên cứu tại Nam Phi gần đây lên tiếng cảnh báo về biến chủng nCoV mới mang tên C.1.2. Theo AFP , ngày 30/8, Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi cho biết tốc độ tiến hóa của nó gần như nhanh gấp đôi so với các biến chủng khác trên toàn cầu từng được quan sát.
Sau cảnh báo từ giới chuyên gia Nam Phi, nhiều người lo ngại nhân loại sẽ phải đối mặt biến chủng mới đáng lo như Delta.
Biến chủng C.1.2 là gì?
Theo LA Times, C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5, chính thức được giới nghiên cứu Nam Phi theo dõi sát từ tháng 7. Nó phát triển từ biến chủng khác từng thống trị làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở Nam Phi – C.1.
Theo báo cáo sơ bộ đăng tải trên MedRxiv , vào tháng 5, chủng này chỉ chiếm 0,2% trong số 1.054 bộ gene được nhóm chuyên gia ở Nam Phi giải mã. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, C.1.2 đã có mặt trong 1,6% trên 2.177 mẫu. Đỉnh điểm, đến tháng 7, 2% trong số 1.326 mẫu giải trình tự gene là của biến chủng C.1.2.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh tốc độ gia tăng đột biến tương tự như đã thấy ở biến chủng Delta và Beta khi chúng xuất hiện tại Nam Phi. C.1.2 đã lan từ châu Phi sang châu Á, châu Đại Dương và châu Âu. Giới chuyên gia phát hiện chúng ở Botswana, Mauritius, Trung Quốc, New Zealand, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh.
Theo xếp loại của Tổ chức Y tế Thế giới, các biến chủng có thể gây rắc rối cho nhân loại được chia thành 2 nhóm VOIs (biến chủng đáng quan tâm) và VOCs (biến chủng đáng quan ngại.
Trong đó, Eta, Iota, Kappa, Lambda, Mu thuộc nhóm biến chủng đáng quan tâm. Delta, Beta, Gamma, Alpha là 4 biến chủng đáng quan ngại vì bằng chứng cho thấy chúng dễ lây lan, gây bệnh nặng hơn hoặc giảm hiệu quả của vaccine.
Dựa trên căn cứ này, WHO vẫn chưa xếp loại cho biến chủng C.1.2 vào một trong hai nhóm trên. Do đó, nhà miễn dịch học, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Stuart Ray, Trường Y Đại học Johns Hopkins và nhà virus học Ramon Lorenzo-Redondo, Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern, Mỹ, cho rằng chúng ta nên cẩn trọng nhưng không cần lo lắng thái quá về biến chủng C.1.2.
C.1.2 được phát triển từ chủng C.1 đã gây làn sóng Covid-19 cho Nam Phi cách đây nhiều tháng. Ảnh: Freepik.
Vì sao giới chuyên gia Nam Phi cảnh báo về C.1.2?
Các nhà khoa học tại Nam Phi đã giám sát bộ gene trên các mẫu xét nghiệm nCoV. Nhờ đó, họ tìm ra sự gia tăng đột biến của C.1.2 trong các mẫu bệnh phẩm. Đặc biệt, biến chủng này có một “bộ sưu tập” các đột biến đáng lo ngại.
Khoảng 52% các đột biến từng xuất hiện trong các biến chủng đáng quan ngại như Delta, Beta, Alpha. Chúng từng được cảnh báo giúp nCoV lây lan nhanh hơn hoặc trốn tránh vaccine Covid-19.
Ông Lorenzo-Redondo cho biết thêm thậm chí C.1.2 còn chứa một số đột biến bổ sung, mang đến cho chủng mới những ưu thế so với các chủng cũ trước đó.
Điển hình như đột biến D614G, phổ biến trên tất cả biến chủng nCoV mới. Hay đột biến E484K và N501Y cũng đã được tìm thấy trong các biến chủng Beta, Gamma. N501Y trong Alpha và E484K được tìm thấy trong biến thể Eta.
Theo tiến sĩ Ray, đột biến N501Y từng được cảnh báo có liên quan khả năng liên kết với thụ thể ACE2 của tế bào người, giúp nCoV “bẻ khóa” và xâm nhập, lây lan nhanh hơn.
Trong khi đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus. Nhờ đó, nCoV vượt hàng rào miễn dịch do vaccine sinh ra dễ dàng hơn. Đột biến này xuất hiện trên gai protein của virus, khiến biến chủng Gamma (trước đó là P.1, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi) thay đổi hình dáng, tránh bị phát hiện bởi các kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine Covid-19, hoặc sau lần đầu người bệnh mắc Covid-19 do các chủng virus khác.
Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Imperial College London, E484K giúp biến chủng Gamma làm giảm mạnh hiệu quả của vaccine CoronaVac do Trung Quốc phát triển.
Nhân viên y tế đ.ánh giá sức khỏe của một F0 tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Michele Spatari/AFP.
Tốc độ tiến hóa của C.1.2 cao – có đáng lo?
Theo Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD) Nam Phi, tốc độ tiến hóa của C.1.2 nhanh gấp 1,7 lần so với các biến chủng khác trên toàn cầu từng được quan sát. Chính vì thế, tiến sĩ Ray rất ấn tượng với biến chủng này. “Nó mang rất nhiều thay đổi đáng lo ngại. Những thay đổi giúp cnó dường như phát triển nhanh hơn bao giờ hết”, vị chuyên gia nói thêm.
Các tác giả cũng cho biết tốc độ tiến hóa cao cũng là hiện tượng từng được quan sát ở những biến chủng đáng quan ngại như Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Tuy nhiên, ông Ray cũng lưu ý cần phân biệt rõ tốc độ đột biến và tốc độ tiến hóa. Đột biến là quá trình ngẫu nhiên. Nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào khi nCoV nhân lên trong cơ thể vật chủ. Hầu hết đột biến không có lợi cho virus. Một số tạo ra ưu thế bằng cách giúp virus thích nghi khi đối mặt áp lực môi trường cụ thể hoặc tạo cơ hội lây lan nhanh.
Trong khi đó, tốc độ tiến hóa cao đạt được khi virus đã có thời gian thích nghi với cơ thể người. Nhờ đó, chúng phát triển nhanh hơn trong thời gian ngắn.
Điều này tương tự cảnh báo của Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD) Nam Phi. Trong báo cáo, họ cho biết C.1.2 có thể là kết quả của giai đoạn tiến hóa nhanh ở một số cá thể bị lây nhiễm nCoV kéo dài hơn thông thường (>2 tuần).
Sự xuất hiện của C.1.2 khiến giới khoa học Nam Phi lo lắng về biến chủng nCoV mới có thể gây bệnh nặng hơn. Ảnh: Telegraph.
C.1.2 có thể là Delta thứ hai hay không?
Một số đột biến của C.1.2 ảnh hưởng protein đột biến của nCoV. Đây cũng là protein mà vaccine mRNA dạy cho hệ miễn dịch nhận biết và chuẩn bị cho cuộc tấn công nếu nCoV xâm nhập.
Với cơ chế này, theo các chuyên gia, các kháng thể tạo ra nhờ vaccine sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với protein đột biến. Dù bằng cách nào, những thay đổi ở protein đột biến của nCoV rất đáng lo ngại. Nếu những thay đổi này đáng kể, C.1.2 sẽ né tránh được hệ miễn dịch và ngay cả khi tiêm vaccine, con người vẫn có nguy cơ cao bị nCoV tấn công.
Nhưng kháng thể không phải là tất cả và cuối cùng trong công cuộc bảo vệ con người khỏi biến chủng. Chúng ta còn tế bào T và các lympho khác. Chúng sẽ tấn công vật thể lạ. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói C.1.2 có kháng vaccine Covid-19 hay không.
Hiện tại, Delta là mối quan tâm lớn nhất của toàn cầu, gây ra hàng loạt làn sóng Covid-19 mới và phá vỡ công sức chống dịch của nhiều quốc gia.
Đ.ánh giá về ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của C.1.2 so với Delta, ông Ray cho hay chúng ta chưa đủ dữ liệu để trả lời câu hỏi này.
“Chúng ta cần nhiều hơn bằng chứng cho thấy C.1.2 cạnh tranh mạnh mẽ với Delta. Nếu nó không đủ mạnh, đây sẽ là biến chủng đáng lưu tâm nhưng Delta vẫn là tâm điểm. Chúng ta vẫn cần cảnh giác và quan sát thêm”, vị chuyên gia nói thêm.
Phát hiện siêu kháng thể chống được 23 biến chủng nCoV
Các siêu kháng thể tự nhiên, được tìm thấy trong cơ thể người đã khỏi Covid-19. Chúng có thể bất hoạt cả những biến chủng nCov đáng quan ngại như Alpha, Beta, Delta.
Phát hiện này được nhóm tác giả Trung Quốc, Mỹ, Nam Phi phối hợp thực hiện và công bố trên tạp chí Science .
Siêu kháng thể được tìm thấy có khả năng vô hiệu hóa hàng loạt biến chủng nCoV, ngay cả ở nồng độ phân tử siêu nhỏ. Ngoài ra, trong môi trường ống nghiệm, các siêu kháng thể kết hợp với nhau có thể giảm nguy cơ sinh đột biến của nCoV.
Theo Medical News, các nhà khoa học xác định được siêu kháng thể này từ mẫu huyết tương của những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh. Nhóm chuyên gia đã phân lập, xác định đặc tính kháng thể chống lại miền liên kết thụ thể từ những bệnh nhân đã khỏi Covid-19.
Các kháng thể được phân lập từ 4 bệnh nhân hiến tặng huyết tương. Họ bị nhiễm biến chủng nCoV Washington (WA-1) – chủng lưu hành tại Mỹ.
4 kháng thể trung hòa rất mạnh, nhắm thẳng vào miền thụ thể liên kết tăng đột biến. Ngay cả ở cấp độ nano, chúng cũng gây sức ép và bất hoạt nCoV, ngăn virus sản sinh đột biến. Vì vậy, các tác giả ví chúng là những “siêu kháng thể” tự nhiên.
Các siêu kháng thể mới phát hiện có tác dụng bất hoạt tới 23 biến chủng của nCoV. Ảnh: NIADS.
Theo Medical News, tất cả kháng thể khi thử nghiệm đều cho thấy khả năng bất hoạt mạnh nhất với đột biến D614G trong biến chủng WA-1. Phân tích sâu hơn, nhóm tác giả phát hiện các siêu kháng thể duy trì sức mạnh với 10 biến chủng khác.
Đặc biệt, ba trong 4 thử nghiệm cho thấy chúng bất hoạt 13 biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm quan tâm/đáng quan ngại như Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351), Gamma (P.1/P.2), Delta (B.1.617/B.1617.1/B/1.617.2), B.1.427, B.1.429, B.1.526…
Bên cạnh đó, nhóm tác giả phát hiện kết hợp các siêu kháng thể khi điều trị có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện đột biến trong virus, ngăn chúng tiến hóa và kháng thuốc.
Phần lớn kháng thể sử dụng để điều trị người mắc Covid-19 hiện nay đều được thiết kế dựa trên trình tự protein đột biến của chủng nCoV lần đầu phát hiện ở Vũ Hán. Chủng nCoV này tạm coi là chủng gốc.
Tuy nhiên, các kháng thể này ít hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa các biến chủng mới đáng quan ngại (nhóm VOC, do Tổ chức Y tế Thế giới xếp loại) như B.1.1.7, B.1.351, P.1 và B.1.617.2.
Do đó, nghiên cứu mới nói trên rất có giá trị trong công cuộc ngăn chặn đại dịch. Bởi virus nCoV biến chủng là điều xảy ra thường xuyên, nhất là với tốc độ lây lan hiện nay, tỷ lệ hình thành biến chủng mới càng cao. Việc ngăn virus biến chủng với những đột biến nguy hiểm sẽ giúp chúng ta đi trước một bước.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới dừng ở môi trường phòng thí nghiệm. Để sử dụng nó trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 cần có những nghiên cứu và thử nghiệm sâu hơn.