Tạm ngưng sử dụng thuốc tê nghi gây tai biến

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, dù chưa có kết luận chính thức các tai biến ở Đà Nẵng do thuốc tê Bupivacain WPW Spinal 0,5 Heavy ( Ba Lan sản xuất) gây ra, nhưng để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tạm ngưng sử dụng loại thuốc tê này.

Bác sĩ chích thuốc tê cho bệnh nhân trước ca mổ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn

Theo Bộ Y tế, 3 vụ tai biến làm 2 sản phụ t.ử v.ong và 1 người nguy kịch tại Đà Nẵng đều xảy ra sau khi gây tê tủy sống giảm đau sau mổ lấy thai.

* Nỗi lo ngộ độc thuốc tê

Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra lo lắng khi mình sắp đối mặt với những ca mổ tương tự. Chị N.T.N. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, chỉ còn 5 tuần nữa chị sẽ sinh con thứ hai bằng phương pháp sinh mổ. Trong lần sinh trước, chị được bác sĩ gây tê tủy sống và mổ bắt con. “Lần sinh này, tôi cũng chọn phương pháp tương tự để sinh con, nhưng những thông tin gần đây về các tai biến có thể liên quan đến thuốc tê làm tôi rất lo lắng” – chị N. nói.

Việc sử dụng thuốc tê hiện nay mang tính bắt buộc và rất phổ biến trong các loại phẫu thuật để giảm đau đớn cho bệnh nhân. Tình trạng ngộ độc thuốc tê không phải hiếm gặp. Cách đây 4 tháng, một sản phụ nhập viện sinh mổ tại khu B Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã đối mặt với tình trạng ngộ độc thuốc tê do cơ địa. 30 giây sau khi vừa chích thuốc tê, sản phụ lên cơn co giật và ngưng tim. “Ngay lập tức chúng tôi đã cấp cứu, truyền Lipid 20% và một số thuốc khác cho sản phụ. Chỉ vài phút sau, sản phụ đã tỉnh táo, mạch và huyết áp về chỉ số bình thường và các bác sĩ tiếp tục ca mổ lấy thai. Trước ca mổ, sản phụ cho biết đã từng bị khó thở sau khi chích thuốc tê trong lần mổ bắt con trước đây tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Dựa vào thông tin đó, chúng tôi rất cẩn trọng khi chích thuốc tê cho sản phụ” – bác sĩ CKI Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng khoa Gây mê – hồi sức, khu B Bệnh viện đa khoa Đồng Nai kể.

ThS-BS.Lê Quang Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật – gây mê – hồi sức Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chia sẻ, gây tê là phương pháp vô cảm giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn khi mổ. Thuốc tê cũng như các loại thuốc khác, khi đưa vào cơ thể đều có khả năng gây ngộ độc hoặc dị ứng. Tuy nhiên, các phản ứng phụ của thuốc tê càng ngày càng ít hơn. Thực tế hành nghề 22 năm trong lĩnh vực gây tê/gây mê, bác sĩ Sơn đã gặp phải một số trường hợp bị ngộ độc, dị ứng thuốc tê dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. “Nhưng may mắn, bệnh nhân đều được hồi sức cấp cứu, vượt qua tình trạng nặng để tiếp tục ca phẫu thuật” – bác sĩ Sơn cho biết.

* Bệnh nhân không nên quá lo lắng

Theo các bác sĩ, các trường hợp ngộ độc hay dị ứng dẫn đến sốc phản vệ thuốc tê đều có “cách giải”, phụ thuộc vào từng mức độ của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân có phản ứng lạ với thuốc tê ngay khi đang tiêm, bác sĩ sẽ ngưng thuốc tê và cho bệnh nhân thở oxy. Nặng hơn, toàn thân của bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng ngưng thở, ngưng tim, bác sĩ sẽ phải can thiệp đúng phác đồ xử lý ngộ độc thuốc tê (truyền Lipid và thuốc hạ huyết áp) để cứu bệnh nhân.

Tất cả các bác sĩ chuyên về gây mê/gây tê đều được đào tạo xử lý các ca ngộ độc, dị ứng thuốc tê. Trước thông tin về các tai biến gần đây, nghi ngờ có liên quan đến thuốc tê, bác sĩ Sơn cho rằng, bệnh nhân không nên quá lo lắng. Nhưng để ca mổ suôn sẻ, người bệnh cần phải báo cho bác sĩ về: các loại thuốc đang sử dụng, dị ứng với loại thuốc nào (nếu có)… để bác sĩ có phương án tốt nhất trong lựa chọn thuốc gây tê. “Không phải bệnh nhân nào cũng bị dị ứng hay ngộ độc thuốc tê. Nhưng bác sĩ cần theo dõi sát bệnh nhân và nhanh chóng xử lý theo đúng phác đồ Bộ Y tế đưa ra khi tình trạng ngộ độc hay dị ứng xảy ra trên bệnh nhân” – bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, trong thực tế, ngộ độc thuốc tê không xảy ra thường xuyên, có dấu hiệu “báo trước” ở hệ thần kinh và tim mạch. Trên hệ thần kinh, bệnh nhân sẽ xuất hiện cảm giác: miệng đắng, tê môi, ù tai, đờ đẫn, lú lẫn, nặng hơn là rơi vào hôn mê, co giật. Trên hệ tim mạch, bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng: rối loạn nhịp tim, trụy mạch. Nhưng trước khi chích thuốc tê, bác sĩ sẽ căn cứ vào loại phẫu thuật, cơ địa của bệnh nhân (người già, t.rẻ e.m, phụ nữ hoặc đàn ông…) để ước lượng thời gian của ca mổ, từ đó sẽ chích thuốc tê đủ liều lượng cho mỗi bệnh nhân, mỗi loại phẫu thuật.

Không chỉ riêng thuốc tê, tất cả các loại thuốc đều có tỷ lệ tai biến nhất định. Theo tỷ lệ chung của thế giới, cứ 10 ngàn ca thực hiện gây tê, sẽ có 3-6 ca bị ngộ độc thuốc tê. “Bác sĩ cần chủ động dự phòng các tình huống xấu có thể xảy ra đối với bệnh nhân bằng cách: chọn thuốc phù hợp với từng cơ địa bệnh nhân, chích chậm và theo dõi sát từ trước, trong và sau mổ… Khi xảy ra tai biến, bác sĩ cũng phải nhanh chóng xử trí theo đúng phác đồ để cứu bệnh nhân” – bác sĩ Tuấn nói.

Thuốc tê Bupivacain WPW Spinal 0,5 Heavy (Ba Lan sản xuất) nằm trong danh mục thuốc trúng thầu và sử dụng tại nhiều cơ sở y tế phía Nam. Tại các bệnh viện trên địa bàn Đồng Nai, loại thuốc này đã trúng thầu năm 2018 và thường xuyên được sử dụng gây tê cho bệnh nhân trong các loại phẫu thuật. Trước thông tin về 3 ca tai biến ở Đà Nẵng, đến nay các bệnh viện đã tạm ngưng sử dụng loại thuốc tê này và sử dụng 4 loại thuốc gây tê khác trong danh mục thuốc trúng thầu để thay thế.

Bích Nhàn

Theo baodongnai

Sở Y tế Đà Nẵng nói gì về vụ 2 sản phụ nguy kịch ở bệnh viện Phụ nữ

Sau khi chẩn đoán, Sở Y tế Đà Năng kết luận chưa loại trừ nguyên nhân do chất lượng thuốc tê, theo dõi ngộ độc và niêm phong toàn bộ lô thuốc chờ ý kiến.

Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, nơi xảy ra liên tiếp 2 vụ sản phụ t.ử v.ong và nguy kịch chỉ trong 1 ngày

Sáng 20/11, Sở Y tế Đà Nẵng đã có báo cáo liên quan đến vụ việc 2 sản phụ t.ử v.ong và nguy kịch sau khi dùng thuốc gây tê để mổ lấy thai tại bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng trong ngày 17/11/2019 vừa qua.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là sản phụ V.T.N.S (SN 1986, trú Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Bệnh nhân nhập viện vào lúc 8h sáng ngày 7/11 với chẩn đoán thai lần 3, 38 tuần 3 ngày, chuyển dạ, vết mổ cũ thai to. Đến 11h20 cùng ngày, sản phụ được phẫu thuật lấy thai nhi.

Tuy nhiên, sau gây tê tủy sống, sản phụ có biểu hiện khó chịu vùng mông, bức rứt khó chịu, đau, chuyển mê nội khí quản. Đến cuối cuộc mổ, lúc chuẩn bị rút ống nội khí quản thấy bệnh nhân biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Đến 20h00 cùng ngày, bệnh nhân đã t.ử v.ong. Tình trạng trẻ sau sinh ổn định, nặng 4,3 kg.

Trường hợp thứ hai là sản phụ Ng.T.H (SN 1986, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Bệnh nhân nhập viện lúc 10h50 ngày 17/11 trong tình trạng đau bụng hạ vị từng cơn; chẩn đoán thai lần II, 37 tuần 1 ngày, chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h05, bệnh nhân được chỉ định mổ và sau gây tê tủy sống, bệnh nhân có biểu hiện tê, đau vùng mông phải, đau vùng cùng cụt, bệnh nhân khó chịu bức rứt.

Nhận thấy triệu chứng bệnh nhân H. giống triệu chứng của bệnh nhân N.S. trước đó vừa chuyển viện, nên hội chẩn chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán chuyển viện theo dõi ngộ độc thuốc tê, chưa loại trừ do chất lượng thuốc. Sau khi chuyển sang bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân được mổ lấy thai, cháu bé ổn định, được ekip nhi sơ sinh bệnh viện Phụ sản nhi chăm sóc. Sau mổ tình trạng sản phụ H. diễn tiến nặng dần, bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp tục huy động lực lượng xử lý.

Sau khi tiếp nhận thông liên vụ việc, Sở Y tế Đà Nẵng đã làm việc với bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, kết quả đ.ánh giá chẩn đoán ban đầu chưa loại trừ nguyên nhân do chất lượng thuốc, tiếp tục theo dõi ngộ độc thuốc tê.

Sở Y tế yêu cầu niêm phong toàn bộ thuốc gây tê và gây mê tại bệnh viện Phụ nữ, chờ quyết định từ Sở Y tế. Các bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Phụ nữ tạm thời chuyển qua bệnh viện phụ Sản nhi. Trong trường hợp tối khẩn cấp, cần phải mổ gấp thì sử dụng thuốc gây mê, không sử dụng thuốc gây tê.

Được biết, hiện Sở Y tế Đà Nẵng đang tiến hành các bước để rà soát toàn bộ quy chế, tìm nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Theo viettimes

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *