Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet, việc ưu tiên sử dụng thuốc nhóm lợi tiểu thiazides cần xem xét đến không chỉ dựa vào hiệu quả của thuốc mà còn dựa vào nguy cơ tác dụng phụ thấp và giá thành rẻ.
Ảnh minh họa
Hiện tại có rất nhiều nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Khuyến cáo hiện nay dựa trên nhiều nghiên cứu ngẫu nhiên cho rằng các thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp nhóm thuốc lợi tiểu thiazide hoặc giống thiazide, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs), và thuốc chẹn kênh calcium (CCBs) đều có thể được dùng là thuốc đầu tiên.
Theo tạp chí Lancet, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 9 nguồn dữ liệu từ 4 quốc gia với số lượng 4,9 triệu bệnh nhân và thời gian theo dõi là 22 năm.
Thuốc ức chế ACE được sử dụng như thuốc đầu tay phổ biến nhất (48%), kế đến là thuốc lợi tiểu thiazide hoặc tương tự thiazide (17%), thuốc chẹn kênh calcium dihydropyridine (như amlodipine; 16%), thuốc chẹn thụ thể angiotensin (15%), thuốc chẹn kênh calcium non-dihydropyridine (như diltiazem; 3%).
Hầu hết các so sánh không cho thấy có khác biệt đáng kể giữa các nhóm thuốc về tỉ lệ các biến cố nguyên phát kết hợp (như nhồi m.áu cơ tim, nhập viện do suy tim, và đột quỵ), ngoại trừ nhóm thiazides giảm nguy cơ một cách đáng kể cả 3 nhóm biến cố so với nhóm ức chế ACE. Còn nhóm chẹn kênh calcium non-dihydropyridine kém hiệu quả rõ ràng so với các nhóm khác. So với nhóm ức chế ACE, nhóm thiazides ít hơn 16 trên 46 số tác dụng phụ.
Kết quả trên cho thấy nhiều bệnh nhân tăng huyết áp được kê toa những thuốc điều trị tăng huyết áp đầu tay không thuộc nhóm an toàn và hiệu quả nhất.
Theo tuoitre
Tắm nước lạnh thế nào cho tốt?
Có những bằng chứng khoa học cho thấy tắm nước lạnh đem lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần. Tuy vậy với một số người tắm nước lạnh (thậm chí là vào mùa hè) cũng không dễ. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc một số mẹo để tắm nước lạnh và những điều cần lưu ý.
Nhiều người thích tắm nước ấm hơn tắm nước lạnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng nước lạnh có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau đây là một số lợi ích tiềm năng của việc tắm nước lạnh.
Kích hoạt cơ thể
Tắm nước lạnh có thể đem lại cảm giác sảng khoái, sẵn sàng cho mọi hoạt động cơ thể hơn. Theo một phân tích tổng hợp của nghiên cứu về tắm nước lạnh đã công bố trên tạp chí Y học Thể thao Anh (British Journal of Sports Medicine), tắm nước lạnh có nhiều tác dụng đối với sinh lý cơ thể. Bao gồm làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng cường hô hấp. Nước lạnh cũng làm tăng sự trao đổi chất của cơ thể vì nó phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ ổn định. Tiếp xúc với nước lạnh sẽ kích thích việc sản xuất các chất béo màu nâu, tăng cường trao đổi chất, đốt cháy năng lượng nhiều hơn và có nghĩa là giảm cân nhiều hơn.
Hệ thống miễn dịch mạnh hơn
Một nghiên cứu khác nhận thấy rằng tỷ lệ ốm khiến người bệnh phải nghỉ làm hoặc nghỉ học giảm 29% ở những người thực hành tắm nước lạnh. Nghiên cứu đã tập hợp số liệu ghi nhận trên 3.018 người. Họ được chia nhóm, một nhóm tắm theo chế độ đối ứng nhiệt (đầu tiên tắm bằng nước nóng sau đó chuyển sang tắm nước lạnh). Một nhóm khác chỉ tắm nước ấm như bình thường và hoàn toàn không sử dụng nước lạnh.
Ở những người tắm nước lạnh, hai loại tế bào bạch cầu: bạch cầu đơn nhân và tế bào lympho tăng lên, trong đó, một số tế bào lympho có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, virut, và các chất độc.
Tắm nước lạnh kích hoạt cơ thể cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy, nước lạnh kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể bất kể thời gian tắm lâu hay mau.
“Doping” tinh thần
Một số nghiên cứu đưa ra kết luận rằng, tắm nước lạnh có thể mang lại lợi ích thúc đẩy tâm trạng. Vì tắm nước lạnh kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm và tăng khả năng dẫn truyền thần kinh như norepinephrine và endorphin, khiến các triệu chứng trầm cảm giảm sau khi tắm lạnh, người tắm lạnh sau đó cảm thấy tâm trạng sảng khoái, yêu đời hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tắm nước lạnh có thể thay thế cho điều trị trầm cảm.
Làm mát, giảm viêm
Liệu pháp ngâm nước lạnh (ngâm cơ thể trong nước đá hoặc tắm lạnh) là một phương pháp phổ biến trong y học thể thao. Các nhà vật lý trị liệu chuyên về thể thao cho rằng nhiệt độ nước lạnh có thể nhanh chóng làm giảm quá trình tăng nhiệt và giảm viêm. So với tắm nước lạnh dưới vòi sen, liệu pháp ngâm lạnh hiệu quả hơn trong việc giảm nhiệt, làm mát cơ thể trong các hoạt động gắng sức.
Cải thiện và phục hồi thể chất
Nghiên cứu cho thấy rằng ngâm nước lạnh và trị liệu bằng liệu pháp nước nhiệt đối ứng (đầu tiên sử dụng nước nóng, sau đó là nước lạnh) có thể giúp tăng cường phục hồi và giảm cảm giác mệt mỏi cho cơ thể. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho các vận động viên để giảm cảm giác mệt mỏi liên quan đến hoạt động tập luyện.
Giảm đau
Theo các nhà khoa học, nước lạnh có tác dụng giống như thuốc gây tê cục bộ để giảm đau. Tiếp xúc với nước lạnh có thể làm cho các mạch m.áu co lại, điều này giúp giảm sưng đau. Nước lạnh cũng có thể làm chậm tốc độ mà tín hiệu thần kinh dẫn truyền xung động truyền tín hiệu đau đến não, có thể làm giảm cảm nhận về cơn đau.
Thực hành tắm nước lạnh và lưu ý
Nhiệt độ nước thế nào là lạnh tùy thuộc mỗi cơ thể khác nhau. Một số nghiên cứu đưa ra mức tiêu chuẩn nhiệt độ nước lạnh là dưới 200C. Có người có thể đạt được hiệu quả tích cực từ một “cơn mưa lạnh” ngắn ngủi trong vòng 1 phút từ vòi sen. Có người lại có thể tắm lâu hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu thấy rằng, tắm đối ứng nhiệt, nghĩa là tắm nước lạnh sau khi tắm nước nóng là một trị liệu tốt cho cơ thể.
Để dễ dàng, tốt nhất là tắm nước nóng sau đó chuyển sang tắm nước lạnh trong một khoảng thời gian ngắn vài phút.Thời gian đầu có thể 30 giây-1 phút, sau tăng lên tùy theo khả năng chịu đựng của từng người. Thực tế, trị liệu nước lạnh thường trong khoảng 5-10 phút đối với những người đã làm quen với cách tắm này.
Khi chuyển sang nước lạnh, nên bắt đầu với từng phần của cơ thể, từ chân đến tay, từ bụng đến ngực rồi lưng, sau mới đến đầu. Từ những lần tắm nước lạnh ngắn ban đầu, dần dần sẽ hình thành một thói quen có lợi cho sức khỏe.
Cần nhớ, tắm nước lạnh chỉ là liệu pháp hỗ trợ sức khỏe chứ không thay thế các phương pháp điều trị bệnh khác.
Một số người nên thận trọng khi tắm nước lạnh. Bao gồm những người đang bị suy giảm miễn dịch, những người mắc bệnh tim nghiêm trọng. Nếu bạn e ngại, trước khi thực hành tắm nước lạnh có thể hỏi bác sĩ để biết tình trạng sức khỏe của bản thân có phù hợp hay không.
BS. Trịnh Hồng Minh
Theo suckhoedoisong