Nghiên cứu về chiến lược mới loại trừ bệnh lao của nhóm bác sĩ Việt cùng cộng sự được đăng tải trên The New England Journal of Medicine – NEJM – một Tạp chí y khoa lớn, nổi tiếng của thế giới vào ngày 3/10.
Công trình nghiên cứu có tên Community-wide Screening for Tuberculosis in a High-Prevalence Setting – (Sàng lọc lao tại cộng đồng tại nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao) của nhóm nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam và Chương trình chống lao quốc gia.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (1 thành viên của nhóm nghiên cứu), cho hay lao là một bệnh có từ hơn 100 năm trước và đến nay vẫn là bệnh gây t.ử v.ong hàng đầu ở Việt Nam.
Nghiên cứu của nhóm bác sĩ Việt được đăng tải trên NEJM (Ảnh: Chụp lại màn hình)
“Có tới 1/3 dân số bị nhiễm lao hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Tức là trong cơ thể có vi khuẩn lao nhưng chưa bị bệnh mà vi khuẩn ở ẩn. Ở một số người, sau thời gian ở ẩn vi khuẩn bị hoạt hóa gây bệnh và chủ yếu là lao phổi (ho, ho ra m.áu, sốt, sút cân, nhưng cũng có khi không có bất cứ triệu chứng gì), lao hạch, lao màng não…”- bác sĩ Thu Anh nói.
Theo bác sĩ Thu Anh, mỗi năm Việt Nam có khoảng 120.000 người bị mắc lao được chẩn đoán. Tuy nhiên, vẫn còn 1 số lượng người mắc bệnh nhưng chưa được chẩn đoán và tiếp tục mang vi khuẩn lây bệnh cho cộng đồng. Thêm vào đó việc chữa bệnh lao rất lâu, thông thường là 6 tháng cho lao nhạy cảm với thuốc và từ 9-20 tháng cho lao kháng thuốc nên rất tốn kém và mất thời gian. Vì vậy cần tìm ra phương pháp mới để loại trừ bệnh lao hoàn toàn, để người dân không phải chịu đựng căn bệnh này.
Nhóm nghiên cứu đã đi tới nhiều địa phương khó khăn sàng lọc (Ảnh: BS Thu Anh cung cấp)
Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam và Chương trình chống lao quốc gia đã thực nghiên phương pháp nghiên cứu ACT3 (sàng lọc lao chủ động).
“Trước đây, mọi người quan niệm rằng phải ho, sút cân, sốt về chiều thì mới bị lao. ACT3 chứng minh là chỉ 50% bệnh nhân có triệu chứng trên còn 50% thì không. Vì vậy, nếu chỉ tập trung tìm ca bệnh có triệu chứng thì đã bị sót một nửa số ca còn lại. Mọi người cũng tin rằng lao phổi chỉ có ở người nghèo, trình độ học vấn kém, ở chật chội… ACT3 chứng minh rằng nhận định này là sai. Không có nhóm nào có nguy cơ cao mà ai cũng có thể bị bệnh lao, đặc biệt là khi 1/3 dân số nhiễm lao tiềm ẩn thì sau 1 thời gian vi khuẩn có thể tự hoạt hóa và gây bệnh”- BS Anh giải thích.
Cũng theo bác sĩ Anh, mọi người cho rằng cần phải có thuốc mới tốt hơn, phương pháp chẩn đoán tốt hơn thì chương trình can thiệp mới hiệu quả, tuy nhiên phải chờ rất lâu. ACT3 cho rằng chỉ cần dùng những công cụ sẵn có với phương pháp mới là sàng lọc toàn dân và lặp lại 3 lần thì sẽ triệt để phát hiện được các ca bệnh từ đó chặn nguồn lây.
“Kết quả ACT3 chứng minh rằng sau 3 năm, tỷ lệ hiện nhiễm giảm gần 50%. Và quan trọng hơn là tỷ lệ mới nhiễm ở t.rẻ e.m cũng giảm gần 50%, tức là số ca nhiễm lao tiềm ẩn ở cộng đồng cũng giảm. Trong khi đó thông thường, các nghiên cứu khác không thể làm giảm tỷ lệ mới nhiễm được”- bà nói.
(Ảnh: BS Thu Anh cung cấp)
Nghiên cứu của nhóm bác sĩ Việt có ý nghĩa rất lớn khi chứng minh 1 phương pháp mới đó là chỉ dùng công cụ hiện có để làm giảm nhanh số ca mắc bệnh lao trong cộng đồng, chặn nguồn lây, từ đó bảo vệ cộng đồng không bị lây nhiễm.
“Nếu không làm như vậy, người dân cứ mãi mãi bị nhiễm lao, mắc bệnh lao, đặc biệt bây giờ có lao kháng thuốc thì nguy hiểm hơn nhiều. Vì tỷ lệ điều trị khỏi lao kháng thuốc ở Việt Nam chỉ khoảng 70%”.
Cũng theo bác sĩ Anh, hiện nay thế giới cứ mải mê đi tìm thuốc, tìm cách xét nghiệm mới và máy mới. Nhưng việc tìm cái mới rất khó vì vi khuẩn lao rất khôn, nằm ủ bệnh lâu trong cơ thể và không có cách nào diệt được. Do vậy nếu tìm ra cái mới thì cũng không triệt phá hoàn toàn bệnh lao.
“Nhóm nghiên cứu đã dùng 1 cách thức mới giống như giải bài toán theo cách khác là sàng lọc toàn dân (như kiểu tiêm chủng ). Ai bị bệnh thì chương trình lao cho điều trị miễn phí để cắt nguồn lây. Năm sau lại sàng lọc tiếp và bị sót lại thì sẽ phát hiện ra”- bà nói.
Theo bà Anh cách làm này nghe đơn giản, chỉ trừ xét nghiệm PCR – xét nghiệm tìm ADN của vi khuẩn. Do vậy nhóm nghiên cứu thực hiện xét nghiệm tất cả và phát hiện ra người khỏe cũng bị bệnh nhưng lại không có dấu hiệu.
“Khi chúng tôi thực hiện ai cũng bảo sẽ không làm được vì đem toàn dân đi xét nghiệm thì họ không đi hoặc có đi thì không làm nổi. Những chúng tôi đã thiết kế được 1 chương trình sàng lọc có tới 80-85% người dân tham gia là rất hiệu qủa”- bà nói.
Nghiên cứu viên phải di chuyển bằng xuồng đi tuyên truyền (Ảnh: BS Thu Anh cung cấp)
Bà Anh cũng cho rằng, hiện các nghiên cứu khác tập trung vào nhóm nguy cơ nên để sót 1 cộng đồng lớn những người được coi là “không có nguy cơ”. Thực ra đây là những người bị bệnh và làm lây tiếp cho người khác, vì vậy nếu tập trung vào nhóm nguy cơ thì không tác dụng gì.
Công bố Chiến lược mới loại trừ bệnh lao của nhóm tác giả: GS. Guy Marks, TS. Nguyễn Thu Anh, PGS. Greg Fox, TS. Nguyễn Thị Bích Phượng, CN. Lưu Bội Khanh CN. Nguyễn Hải Yến, ThS. Trần Thị Thuận Đức, CN. Võ Thị Ngọc Quý , CN. Lê Thị Oanh, TS. Vũ Quang Độ, , TS Jennifer Ho và sinh viên TS (Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam), TS. Paul Mason, GS. Vitali Sintchenko, GS. Warwick J. Britton (ĐH Sydney), PGS. Nguyễn Viết Nhung, TS. Nguyễn Bình Hòa (Chương trình Chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương), TS. Nguyễn Thị Vân Anh (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), BSCKII Nguyễn Văn Sơn, BSCKII Trần Hiến Khóa (Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Cà Mau), TS. Nguyễn Nhất Linh (Tổ chức Y tế thế giới, Thụy Sĩ).
Toàn bộ kinh phí nghiên cứu được do National Health and Medical Research Council của Úc tài trợ, với 3,5 triệu AUD. Để công bố nhóm đã thực hiện nghiên cứu từ năm 2014 đến năm 2018 với nhiều địa bàn, địa phương. Đây là công trình thứ hai của Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam được đăng tải trên NEJM.
Tạp chí The New England Journal of Medicine đã hoạt động hơn 200 năm, được các nhà khoa học trên thế giới xem là “kinh thánh” của y khoa. Các nghiên cứu được công bố trên tạp chí có tác động rất lớn, là “tiêu chuẩn vàng” của thực hành lâm sàng toàn thế giới.
Mỗi tuần tạp chí xuất bản một số với tiêu chuẩn chọn bài để đăng hết sức gắt gao với nhiều vòng thẩm định của là các chuyên gia hàng đầu thế giới cùng ban biên tập. Việc gửi bài tới NEJM chỉ có 1-2% được đăng tải (trong 100 công trình được gửi đến thì chỉ 1-2 bài được chọn đăng). Do vậy được đăng tải nghiên cứu trên NEJM là niềm tự hào với những người làm ngành y.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Bác sĩ Việt Nam mổ nội soi thị phạm cho bác sĩ Ấn Độ học tập
Đoàn bác sĩ Việt Nam gồm các bác sĩ đến từ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM đã trực tiếp đến một bệnh viện ở Ấn Độ để mổ nội soi thị phạm cho các bác sĩ ở đây học tập.
Các bác sĩ của Việt Nam đã mổ thị phạm nội soi cho 4 trường hợp bị bệnh lý tiết niệu bằng những kỹ thuật khó và mới giúp các bác sĩ ở đây có cơ hội học hỏi kinh nghiệm.
Các bác sĩ Việt Nam thực hiện một ca phẫu thuật nội soi khó để thị phạm cho các bác sĩ Ấn Độ – Ảnh: BVCC
Ngày 25.9, Sở Y tế TP.HCM cho hay đoàn bác sĩ Việt Nam gồm các bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện thành công 4 cuộc mổ nội soi cho bệnh nhân bị bệnh lý tiết niệu bằng kỹ thuật khó và mới để thị phạm cho các bác sĩ Ấn Độ học hỏi kinh nghiệm.
Trước đó, các bác sĩ Việt Nam đã đến Bệnh viện Đại học Y khoa Thivandrum (Ấn Độ). Tại đây các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi thị phạm thành công 4 trường hợp bệnh lý tiết niệu bằng những kỹ thuật khó và kỹ thuật mới như: cắt một phần thận chứa bướu điều trị bướu ác tại thận, tạo hình khúc nối bể thận niệu quản, bướu sau phúc mạc kết hợp nang thận to cực trên, lấy sỏi san hô trong thận. Ca mổ thị phạm được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội nghị.
Tất cả 4 trường hợp được nhóm bác sĩ Việt Nam phẫu thuật thị phạm đều thành công và được sự tán thưởng nồng nhiệt của các đại biểu tham dự hội nghị.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phẫu thuật nội soi của Việt Nam cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho các bác sĩ Ấn Độ về thực hiện kiểm soát cuốn thận bằng kỹ thuật mới, rút ngắn thời gian gây thiếu m.áu thận, bóc bướu thận trọn vẹn và chia sẽ kỹ thuật khâu khép chủ mô thận tại Việt Nam; phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi san hô, đây là kỹ thuật mổ phức tạp và sỏi san hô thường được mổ hở, ít khi thực hiện thành công bằng phẫu thuật nội soi sau phúc mạc.
Được biết, Ấn Độ là nơi đầu tiên trên thế giới thực hiện kỹ thuật nội soi trong chuyên ngành tiết niệu. Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây biết đến Bệnh viện Bình Dân là trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi và đã đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bác sĩ trong và ngoài nước đạt kết quả tốt nên đã chủ động mời các bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện này đến chia sẻ những kinh nghiệm, thực hành chuyên sâu trong ngành tiết niệu.
Hồ Quang
Theo motthegioi