Cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm trùng mũi và họng (đường hô hấp trên) do virus. Bệnh thường không quá nguy hiểm nhưng người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi và rất khó chịu. Vi-rút gây cảm lạnh có xu hướng sinh sản với số lượng lớn trong những tháng lạnh hơn như mùa đông và mùa xuân. Khí hậu khô, lạnh khiến vi-rút dễ lây lan hơn. Điều kiện khí hậu cũng có thể làm cho các triệu chứng cảm lạnh trở nên tồi tệ hơn, ví dụ, không khí khô có thể làm khô màng nhầy ở mũi và cổ họng, khiến tình trạng nghẹt mũi và đau họng trở nên tồi tệ hơn.
Cách phòng chống cảm lạnh hiệu quả
Hiện tại không có vắc-xin phòng cảm lạnh thông thường, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung để làm chậm sự lây lan của vi-rút cảm lạnh:
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đồng thời dạy cho trẻ em tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cách.
– Thường xuyên khử trùng đồ nội thất và các vật dụng trong nhà bếp hoặc phòng tắm bằng chất khử trùng, đặc biệt nếu trong nhà bạn có người bị cảm lạnh.
– Không dùng chung cốc, dụng cụ uống nước với các thành viên khác trong gia đình.
– Tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh.
Chăm sóc bản thân, ăn uống điều độ, tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia bật mí mẹo nhỏ giúp tăng cường miễn dịch và phòng chống cảm lạnh hiệu quả:
Hệ miễn dịch được coi là hàng rào rất quan trọng bảo vệ cơ thể và giúp cơ thể khỏe mạnh, ít có nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, nhiễm virus hay nhiễm trùng nhẹ hơn so với người có hệ miễn dịch bình thường.
Để đảm bảo và tăng cường hiệu quả của hệ thống miễn dịch, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Chúng ta cần ăn đủ chất đạm, đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tức là chất đạm, axit amin… ăn nhiều thức ăn có vitamin A, C, E… vì chúng là yếu tố thúc đẩy, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Đối với người lớn, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn:
– Sốt trên 38,5°C không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường.
– Sốt kéo dài từ 5 ngày trở lên hoặc đột ngột quay trở lại sau một thời gian không sốt.
– Khó thở
– Khò khè
– Đau họng dữ dội, đau đầu hoặc đau xoang.
Trẻ em thường không cần gặp bác sĩ khi bị cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
– Trẻ sơ sinh dưới 12 tuần sốt 38°C
– Sốt cao hoặc sốt kéo dài hơn 2 ngày ở trẻ em mọi lứa tuổi
– Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc không cải thiện
– Các triệu chứng nghiêm trọng như nhức đầu hoặc ho
– Thở khò khè
– Đau tai
– Rất khó chịu
– Buồn ngủ bất thường
– Biếng ăn
Loan Mạc (Tổng hợp)