F0, F1 tại TP HCM từ ngày 5/8 có thể gọi đến đường dây nóng 0939.596.999 mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để được tư vấn chăm sóc sức khỏe.
Đường dây nóng 0939.596.999 chính thức hoạt động từ ngày 5/8, do mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19, đã triển khai thí điểm từ ngày 1/8 tại TP HCM. Các tình nguyện viên mạng lưới chủ động gọi điện chăm sóc, sàng lọc nguy cơ cho các F0, F1 thông qua hai đầu số là 1022 và 1800.1119.
Sau ba ngày hoạt động, 2.071 y bác sĩ là tình nguyện viên thuộc mạng lưới đã thực hiện hơn 42.000 cuộc gọi tư vấn, tiếp cận 49.681 F0 và F1, trong đó có những gia đình nhiều người mắc bệnh. Gần 500 bệnh nhân đang có triệu chứng nhưng cách ly ở nhà đã được các bác sĩ hướng dẫn y tế và theo dõi sức khỏe từ xa. 245 trường hợp diễn tiến nặng được các bác sĩ thông tin, phối hợp với y tế địa phương đưa bệnh nhân đi cấp cứu và chuyển viện.
Một bác sĩ đang tư vấn sức khỏe từ xa cho bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM. Ảnh do mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cung cấp.
Theo Sở Y tế, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm và nghi nhiễm tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế. Bên cạnh đó, những trường hợp mới nhiễm hoặc biết mình có nguy cơ nhiễm tỏ ra hoang mang, lo lắng, cần được tư vấn và hỗ trợ y tế.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành giúp hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người nhiễm và nghi nhiễm, hỗ trợ y tế địa phương sàng lọc các trường hợp thật sự cần được chăm sóc y tế, cảnh báo cho hệ thống phản ứng nhanh và hệ thống cấp cứu 115 những F0 nguy cơ cao cần được chuyển đến bệnh viện khẩn cấp.
5 đối tượng chính được mạng lưới tập trung hỗ trợ là F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; F0 chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); F0 có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; F1 có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; F1 nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19.
Xác định đây là mô hình “mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và khả thi” trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế chủ động phối hợp mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, để hỗ trợ người mắc Covid-19. Tổ Covid-19 cộng đồng tiếp nhận thông tin từ mạng lưới, rà soát thực tế các trường hợp nguy cơ cao.
Các tổ phản ứng nhanh địa phương, Trung tâm Cấp cứu 115 và tổ điều phối chuyển bệnh nhân Covid-19 tiếp nhận cảnh báo từ mạng lưới về F0 nguy cơ cao cần nhập viện, để ưu tiên điều phối và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.
Các bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 của quận, huyện tiếp nhận bệnh nhân đã được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và tổ Covid-19 cộng đồng khám sàng lọc, xác định thuộc nhóm nguy cơ cao.
Tính đến ngày 5/8, TP HCM ghi nhận 108.379 ca Covid-19. TP HCM từ giữa tháng 7 rút ngắn thời gian cách ly tập trung của các F0 và F1 khi đủ các điều kiện theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Cuối tháng 7, F0 mới phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) được cách ly tại nhà trong 14 ngày, thay vì phải cách ly tập trung như trước.
Cách nằm sấp giúp F0 đỡ khó thở
Khi nào thì F0 nên nằm sấp? Tác dụng của phương pháp nằm sấp này với bệnh nhân Covid-19 là gì thưa bác sĩ? (Thùy Dung, 28 t.uổi, Bắc Giang).
Trả lời:
Thông thường, khi con người thở thì chỉ phần bên trên phổi hoạt động. Tầng đáy phổi thì ít hơn hoặc chỉ có những người luyện khí công, thực hành yoga mới tập thở phần dưới của phổi. Bệnh nhân Covid-19 bị khó thở thì nên thay đổi tư thế nằm để huy động tất cả nguồn hoạt động của phổi đi cung cấp cho cơ thể.
Do đó, F0 được khuyến cáo nằm sấp để các cơ phổi và đáy phổi hoạt động nhiều, giúp trao đổi oxy tốt hơn, người bệnh đỡ khó thở. Khi kết quả đo oxy cho thấy nồng độ SpO2 dưới 94 % hay F0 thấy mệt thì nên nằm sấp. Điều này sẽ cải thiện nhịp thở và tăng độ bão hòa oxy cho người bệnh.
Về cách nằm sấp đúng: Đầu tiên, bạn nằm sấp trên giường phẳng trong 30 phút đến 2h. Sau đó, chuyển sang nằm nghiên bên phải trong 30 phút đến 2h. Tiếp tục ngồi dậy (30 đến 60 độ ) từ 30 phút đến 2h. Tiếp đó, chuyển sang nằm nghiên bên trái trong 30 phút đến 2h và chuyển sang nằm sấp, co chân trong 30 phút đến 2h. Cuối cùng trở lại vị trí nằm sấp trong khoảng thời gian tương tự
Tránh nằm sấp với trường hợp mang thai, có huyết khối tĩnh mạch sâu, mắc tim mạch và các vấn đề về cột sống hoặc gãy xương.
Lưu ý theo dõi nồng độ oxy sau mỗi lần thay đổi vị trí, nếu mức oxy giảm xuống dưới 92 %, cảm thấy mệt và rất khó thở, tức ngực, cần báo ngay hệ thống y tế để được nhập viện. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Bác sĩ Khanh hướng dẫn cách nằm sấp đúng cho F0 tại nhà.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM