Thiết kế vườn trên sân thượng cần lưu ý gì?

Vườn trên sân thượng là xu hướng thiết kế được nhiều gia đình lựa chọn trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất ở tại các khu vực đô thị, thành phố lớn ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, không phải gia chủ nào cũng thành công trong việc tạo ra vườn sân thượng đẹp, đảm bảo yếu tố an toàn, vệ sinh. Do đó, bạn cần nắm rõ một số nguyên tắc cơ bản khi thiết kế sân vườn trên sân thượng.

Thiết kế vườn trên sân thượng – xu hướng ngoại thất nhà đẹp được đánh giá là giải pháp lý tưởng dành cho những chủ nhân nhà phố đam mê làm vườn nhưng diện tích đất không cho phép. Nếu biết cách quy hoạch, sắp xếp khéo léo và trang trí hài hòa, bạn có thể trồng rau trên sân thượng, trồng cây trên sân thượng, biến không gian này trở thành nơi cung cấp thực phẩm sạch và là góc thư giãn ngoài trời thoáng đẹp, ấn tượng.

Đặc điểm đặc trưng của sân thượng là nơi chịu nắng gió, khô nóng, chịu tác động trực tiếp của điều kiện khí hậu, môi trường. Vì vậy, khi thiết kế sân vườn trên sân thượng nói chung và thiết kế vườn rau trên sân thượng nói riêng, bạn cần nắm rõ những kiến thức cơ bản liên quan tới đất trồng, cây trồng, hệ thống thoát nước, mái che… để sở hữu sân vườn như ý.

Vườn trên sân thượng mang lại những lợi ích gì?

Sân vườn trên sân thượng mang lại cho gia đình bạn rất nhiều lợi ích, thậm chí có những tác dụng tích cực mà chính bản thân bạn không nghĩ đến. Do đó, thiết kế vườn sân thượng đã và đang trở thành xu hướng được yêu thích.

  • Vườn trên sân thượng tạo không gian thư giãn gần gũi với thiên nhiên

Sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, các thành viên trong gia đình đều muốn trở về nhà thư giãn, nghỉ ngơi. Sân vườn trên sân thượng là không gian lý tưởng cho việc này. Nơi đây khá riêng tư, ít bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh và phù hợp với mọi lứa tuổi. Với bộ bàn ghế nhỏ xinh hoặc ghế tựa êm ái, xung quanh đặt nhiều chậu cây hoa, bạn có ngay góc đọc sách, hóng gió thoải mái trên sân thượng. 

Khu vườn trên sân thượng ngập tràn nắng gió, sắc xanh và muôn hoa khoe sắc.

Nếu diện tích cho phép và đầu tư nhiều kinh phí hơn, bạn có thể xây dựng hồ bơi vô cực trên sân thượng, thiết kế thêm bếp nướng BBQ ngoài trời để quây quần thư giãn cùng người thân, bạn bè dịp cuối tuần…

  • Sân vườn trên sân thượng giúp thanh lọc không khí, tốt cho sức khỏe

Như chúng ta đã biết, hầu hết cây xanh đều có tác dụng thanh lọc không khí, mang lại cảm giác mát mẻ, trong lành cho không gian sống. Quá trình cây quang hợp giúp hấp thu khí CO2, tạo ra Oxy. Do đó, vườn cây trên sân thượng sẽ gia tăng lượng oxy sạch và giúp điều hòa không khí, giảm thiểu khí độc. Chưa kể, lá cây còn giúp cản bụi, tiếng ồn, hấp thu sóng điện từ hiệu quả.

Nhiều khảo sát thực tế cho thấy, những người sinh sống, làm việc, học tập trong môi trường có nhiều cây xanh có thể ít bị bệnh hơn so với những người còn lại. Vườn sân thượng rất tốt cho sức khỏe của con người bởi những lý do sau:

– Cây xanh cung cấp Oxy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu khí độc có trong không khí.

– Vườn rau trên sân thượng cung cấp thực phẩm sạch cho cả gia đình, góp phần cải thiện sức khỏe.

– Hoạt động làm vườn, thư giãn giữa thiên nhiên xanh mát giúp con người giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng, ngăn ngừa stress, trầm cảm trong cuộc sống hiện đại.

  • Vườn sân thượng tạo lớp cách nhiệt, làm mát nhà

Lớp đất trồng, thảm thực vật, mái che cùng một số phụ kiện thiết yếu khi làm vườn sân thượng ngoài chức năng đơn thuần còn có tác dụng cách nhiệt cho không gian bên trong nhà. Đặc biệt, cây xanh và nước đều có thể giúp tăng độ ẩm trong không khí, cản ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu lên bề mặt sàn bê tông sân thượng, góp phần làm mát nhà hiệu quả, nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng oi bức.

  • Tăng tính thẩm mỹ cho ngoại thất ngôi nhà

Thực tế cho thấy, thiết kế vườn trên sân thượng luôn mang lại sự thay đổi nhất định cho cảnh quan kiến trúc ngoại thất. Và dĩ nhiên, sân thượng nói chung và sân vườn trên sân thượng nói riêng đều gắn liền với yếu tố thẩm mỹ của ngôi nhà. Cây xanh, hoa cỏ, tiểu cảnh sân thượng đẹp không chỉ tạo điểm nhấn ấn tượng, mang lại sự khác biệt, bắt mắt cho công trình mà còn giúp che đi những khuyết điểm của kiến trúc ngôi nhà.

  • Tạo vượng khí, thu hút tài lộc

Theo khoa học phong thủy phương Đông, sân thượng là nơi “thịnh dương” vì nó nằm ở trên cùng của ngôi nhà – nơi nhận ánh sáng tự nhiên một cách trực tiếp. Do đó, cần phải bài trí lại để cân bằng âm – dương cho khu vực ngoại thất này. Mái che hay vườn cây xanh tốt trên sân thượng được xem là giải pháp lý tưởng để tạo sự hài hòa, cân bằng âm – dương cho ngôi nhà. Đồng thời, khi khu vực sân thượng đạt được sự cân bằng đó sẽ góp phần tạo ra vượng khí, thu hút may mắn, tài lộc đến với gia chủ.

Có những kiểu vườn sân thượng nào?

Vườn sân thượng đối với nhà ở nói chung và nhà phố nói riêng được đánh giá là giải pháp lý tưởng để mang sắc xanh thiên nhiên vào không gian sống, đồng thời góp phần chống nóng, làm mát nhà hiệu quả. Những kiểu vườn sân thượng sau hiện được nhiều gia chủ lựa chọn:

Vườn rau trên sân thượng cung cấp nguồn rau củ sạch cho gia chủ, đồng thời góp phần thanh lọc không khí, làm mát không gian bên trong nhà hiệu quả.

>>> Xem thêm: Các mẫu thiết kế vườn sân thượng được yêu thích nhất hiện nay

– Thiết kế vườn rau trên sân thượng cung cấp rau củ quả sạch cho bữa ăn hàng ngày.

– Thiết kế vườn trên sân thượng thành nơi bài trí hoa, cây cảnh làm đẹp nhà, bố trí thêm bàn ghế, phụ kiện làm góc thư giãn…

– Thiết kế vườn treo xanh mát trên sân thượng kết hợp góc đọc sách, thư giãn, hóng gió cho các thành viên gia đình.

– Thiết kế hồ sen trên sân thượng kết hợp tiểu cảnh nước, tiểu cảnh núi non sinh động.

– Thiết kế sân vườn trên sân thượng có hồ bơi trong mát.

Những lưu ý quan trọng khi thiết kế vườn trên sân thượng

Để đảm bảo cả về công năng, tính an toàn và yếu tố thẩm mỹ, khi thiết kế sân vườn trên sân thượng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây. Bạn có thể thuê thiết kế, thuê thợ thi công nhưng vẫn nên nắm rõ một số tiêu chí, nguyên tắc cơ bản để có thể theo dõi, giám sát trong suốt quá trình thực hiện.

  • Lên kế hoạch chi tiết, rõ ràng

Tương tự như việc thiết kế, cải tạo nhà, thiết kế vườn sân thượng cũng cần được lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ ngay từ đầu. Trước hết cần lên ý tưởng thiết kế, chọn phong cách vườn sân thượng nào cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sau đó, lên phương án dự trù kinh phí, bao gồm cả chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện. Sau cùng, nếu bạn thuê kiến trúc sư thiết kế và thợ thi công thì nên tìm hiểu, lựa chọn những đơn vị uy tín, có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

Một bản kế hoạch càng rõ ràng, chi tiết thì càng dễ thực hiện và quá trình thiết kế, thi công vườn trên sân thượng cũng nhanh gọn, hiệu quả hơn. Nếu không lên kế hoạch, việc thiết kế có thể trở nên rối rắm, lộn xộn, sai quy trình, dễ đập đi làm lại, tốn kém thời gian, công sức cũng như chi phí.

  • Khảo sát hiện trạng sân thượng

Khảo sát thực trạng là khâu bắt buộc trước khi thiết kế, thi công bất cứ hạng mục công trình nào. Việc thiết kế sân vườn trên sân thượng cũng không ngoại lệ. Khảo sát thực trạng sân thượng mang lại cho kiến trúc sư thông tin tổng thể về công trình như kết cấu chịu lực, hướng gió, ánh sáng, nhiệt độ, hình dạng ra sao để thiết kế sân vườn cho phù hợp cả về kiến trúc lẫn chi phí.

Trước khi thiết kế khu vườn trên sân thượng, gia chủ cần khảo sát hiện trạng sân thượng về điều kiện ánh sáng, sức gió, nhiệt độ…

– Khả năng chịu tải của sân thượng:

Cần đảm bảo rằng, sân thượng có khả năng chịu tải một lượng đất, chậu cây trồng nhất định, bao gồm cả khi cây được tưới nước, cây trưởng thành, đậu củ quả… Nếu không có thông số kỹ thuật chính xác từ chủ đầu tư, bạn nên thuê chuyên gia tư vấn, thẩm định. Bạn có thể tự ước lượng nếu thiết kế sân vườn đơn giản. Tuy nhiên, nếu muốn làm vườn sân thượng rộng rãi với bể bơi, tiểu cảnh thì cần tính toán khả năng chịu lực của trần nhà một cách cẩn thận.

– Điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, sức gió:

Điều kiện môi trường nói chung (ánh sáng, nhiệt độ, sức gió) sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây cối. Do đó, khi làm vườn trên sân thượng, gia chủ cần khảo sát kỹ các yếu tố này.

Trước hết, sân thượng phải đảm bảo đón được ánh sáng mặt trời để cây phát triển xanh tốt. Nếu sân thượng bị che phủ bởi các tòa nhà cao hơn, bạn nên chọn những loại cây trồng ưa bóng râm.

Về nhiệt độ, ngoài nhận trực tiếp từ ánh nắng mặt trời, cây trồng còn chịu tác động bởi nhiệt độ môi trường phản xạ từ bề mặt mái nhà cũng như những tòa nhà lân cận. Bạn có thể sử dụng mái che hoặc làm giàn cây leo nếu nhiệt độ trên sân thượng quá cao để hạn chế tác động trực tiếp của ánh nắng.

Về sức gió, đây là yếu tố không kém phần quan trọng khi thiết kế vườn trên sân thượng, đặc biệt là đối với những ngôi nhà cao tầng. Nếu gió quá lớn, gia chủ có thể cân nhắc xây dựng thêm hàng rào, tường để hạn chế sức gió, đồng thời đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, vật nuôi (nếu có).

– Hệ thống đường điện, thoát nước:

Trước khi triển khai thi công sân vườn trên sân thượng, bạn cần nắm rõ các yếu tố kỹ thuật như hệ thống đường điện, hệ thống thoát nước, nguồn nước tưới tiêu… để có phương án thiết kế phù hợp nhất có thể. Chẳng hạn, đèn điện là thứ không thể thiếu đối với vườn sân thượng khi đêm xuống, vừa đảm bảo an toàn đi lại, vừa tạo điểm nhấn lãng mạn.

– Cách tiếp cận:

Khi thiết kế vườn rau trên sân thượng hay tiểu cảnh trên sân thượng, gia chủ cần tính toán chính xác khối lượng, số lượng vật liệu cần dùng. Sau đó, tìm cách vận chuyển vật tư, cây trồng lên xuống khu vực sân thượng một cách thuận tiện và an toàn nhất. Để chủ động, ngay từ đầu, bạn nên đưa điều này vào phương án thiết kế sân vườn trên sân thượng.

  • Đặc biệt lưu ý hệ thống dẫn và thoát nước 

Đối với vườn sân thượng, hệ thống dẫn và thoát nước là yếu tố vô cùng quan trọng, đảm bảo cho cây cối sinh trưởng, phát triển xanh tốt quanh năm. Nếu hệ thống này không tốt có thể khiến nước chảy lênh láng ra sàn, vừa mất vệ sinh, vừa ảnh hưởng tới mỹ quan chung và dễ gây hiện tượng thấm dột trần nhà. Khi trời khi mưa lớn, nếu không thoát nước kịp sẽ gây ngập úng, ẩm mốc, không tốt cho cây trồng cũng như sức khỏe con người.

Góc thư giãn, đọc sách, hóng gió, thưởng trà lý tưởng trên sân thượng nhà phố.

Do đó, bạn cần thiết kế hệ thống dẫn nước, thoát nước chất lượng cho sân vườn trên sân thượng. Nên bố trí một vài đường ống thoát nước nhỏ nối với ống thoát chính. Để đảm bảo tính thẩm mỹ cho khung cảnh chung trên sân thượng, bạn nên ưu tiên lựa chọn thiết kế hệ thống dẫn và thoát nước dạng âm tường.

Ngoài ra, cũng cần bố trí thêm một tấm lọc cho đường ống để ngăn ngừa đất cát, vật rắn hoặc lá cây trôi vào ống gây tắc nghẽn hệ thống tiêu, thoát nước cho sân vườn trên sân thượng.

  • Chống thấm tốt cho sàn sân thượng

Đối với vườn cây trên sân thượng, dù bạn đổ đất trực tiếp lên sàn hay trồng cây trong chậu thì sàn mái cũng cần chống thấm cẩn thận. Bởi lẽ, nếu không được thi công chống thấm thì sau một thời gian sử dụng, nước từ đất trồng cây sẽ ngấm vào trần nhà, gây thấm dột, ẩm mốc, thậm chí hư hỏng toàn bộ ngôi nhà. 

Lưu ý, việc chống thấm cần được thực hiện ngay từ khi xây dựng nhà hoặc nếu chưa làm thì bổ sung ngay khi bạn có ý định thiết kế vườn trên sân thượng. Cần đảm bảo không có khe hở trên sàn sân thượng để ngăn ngừa nước tưới cây ngấm vào trần nhà, ảnh hưởng tới kết cấu chung.

  • Chọn đất, cây trồng, chậu trồng cây phù hợp cho vườn trên sân thượng 

Đất trồng, cây trồng, chậu trồng cây… luôn là những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với vườn sân thượng và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

– Đất trồng cây trên sân thượng:

Với đất trồng, bạn nên chọn loại đất thích hợp để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Thông thường, mỗi loại cây sẽ cần một loại đất khác nhau nhưng yêu cầu chung là đất màu mỡ, có độ tơi xốp nhất định. Có thể trộn thêm than bùn hoặc phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho cây trong trường hợp đất trồng bị cằn cỗi, bạc màu.

Chọn loại đất trồng giàu dưỡng chất để cây, hoa, rau củ trên sân thượng phát triển xanh tốt.

– Cây trồng trên sân thượng:

Về giống cây, loại cây trồng, gia chủ nên ưu tiên chọn những loại cây dễ sống, thích nghi với điều kiện môi trường trên sân thượng và không cần chăm sóc thường xuyên. Cụ thể, cây trồng trên sân thượng cần đảm bảo các tiêu chí như: Chịu nhiệt, chịu hạn, chịu úng tốt, mưa lớn cũng không bị thối rễ.

Cây trồng ưa sáng, có sức sống tốt, ít bị sâu bệnh. Kích thước cây nên hài hòa với diện tích sân vườn. Nên chọn loại cây có rễ cạn, tránh cây có trọng lượng lớn như bonsai cổ thụ hoặc cây rễ bám sâu như tre trúc.

Với những cây chịu bóng, bạn nên chọn loại vừa và nhỏ để trồng xen dưới các cây lớn hơn. Nếu muốn, bạn cũng có thể làm giàn treo cây, hoa hoặc giàn leo cho hoa hồng leo, hoa giấy, hoa huỳnh anh…

Riêng với những giống cây trồng trong chậu, nên có khả năng thích nghi với điều kiện sống ít đất, ít dinh dưỡng hơn. Bạn có thể trồng các loại rau như cải, xà lách, mồng tơi, su hào hoặc cà rốt, đậu bắp, củ cải đường, dưa leo, khế…

– Chậu trồng cây:

Nhằm gia tăng diện tích trồng cây cho vườn sân thượng, nhiều người thường chọn chậu treo, chậu gắn tường, chậu kẹp lan can, chậu thông minh hoặc thùng xốp. Để hạn chế việc phải thay chậu thường xuyên, nên chọn chậu lớn hơn so với cây, đảm bảo chậu không quá nặng, di chuyển dễ dàng. Tùy sở thích, bạn có thể chọn chậu nhựa, chậu xi măng hoặc chậu composite…

– Bố trí cây xanh trên sân thượng:

Kinh nghiệm cho thấy, việc trồng cây, trồng hoa, rau củ trên sân thượng cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản. Nếu diện tích sân thượng rộng rãi, bạn có thể thoải mái trồng rau củ theo luống. Còn nếu diện tích sân thượng hạn chế, nên chọn loại cây thân leo, trồng thủy sinh hoặc phân tầng.

Trồng cây trên sân vườn sân thượng không nên quá um tùm, rậm rạp, cần có khoảng cách nhất định và lối đi thông thoáng.

Nếu khu vực sân thượng bị che bóng bởi những tòa nhà cao tầng lân cận, bạn nên chọn loại cây trồng ưa bóng râm và trồng xen kẽ nhau với khoảng cách nhất định nhằm tận dụng ánh nắng mặt trời, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.

  • Cân nhắc làm thêm mái che cho cây

Sân thượng vốn là nơi đón nhận ánh nắng mặt trời trực tiếp, nhất là vào mùa hè, do đó bạn nên làm thêm mái che cho cây trồng, tránh cây bị khô héo, chết yểu. Vườn rau trên sân thượng, sân vườn trên sân thượng sẽ phát triển, sinh trưởng tốt hơn khi có hệ thống mái che, lam che chắn phù hợp.

Có khá nhiều loại mái che sân thượng mà bạn có thể lựa chọn tùy nhu cầu, điều kiện cụ thể của mình. Mái che sân thượng bằng ngói, mái tôn, kính, mái che khung kim loại, mái nhựa polycarbonate, mái che sân thượng tự cuốn, mái di động… là các kiểu mái che sân thượng thịnh hành hiện nay.

  • Đảm bảo an toàn

Thiết kế sân vườn hay góc thư giãn trên sân thượng, gia chủ nên lưu ý tới yếu tố an toàn. Vấn đề này cần được tính toán kỹ lưỡng ngay từ khi lên ý tưởng thiết kế. Có thể xây dựng hàng rào, tường cao như tường kính cường lực xung quanh, thêm mái che và lưới an toàn cho không gian sân thượng. Không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người dùng, tường rào, mái che còn góp phần gia tăng tính thẩm mỹ tổng thể của công trình.

Thiết kế sân vườn trên sân thượng cần lưu ý gì về mặt phong thủy?

Phong thủy học cho rằng, sân thượng là nơi “thịnh dương” nên cần phải tạo sự cân bằng âm – dương cho ngôi nhà bằng cách trồng và bố trí cây cối phù hợp. Gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau khi thiết kế sân vườn trên sân thượng:

  • Vị trí khu vườn, tiểu cảnh sân thượng

Trước hết, cần tránh bố trí sân vườn, tiểu cảnh nước, tiểu cảnh núi non, vườn rau trên sân thượng “đè” lên các khu vực chức năng như phòng thờ, phòng ngủ, phòng bếp.

Nếu gia chủ muốn thiết kế bể bơi trên sân thượng thì nên bố trí bể tại các hướng Đông, Đông Nam, Bắc, Tây Bắc. Mặt khác, cần đảm bảo cho khu vực bể bơi luôn sạch sẽ, thoáng đãng.

Thiết kế vườn sân thượng cần đảm bảo sự cân bằng, hài hòa về âm – dương cho ngôi nhà để thu hút may mắn, tài lộc đến với gia chủ.

Cùng với đó, hệ thống dẫn nước và thoát nước cho khu vườn trên sân thượng cần được thiết kế theo “thủy pháp trường sinh”, đồng thời đặt ở vị trí hợp phong thủy, tránh ngập úng. Bởi lẽ, yếu tố nước sẽ liên quan trực tiếp đến tài lộc của gia chủ, thiết kế hợp phong thủy sẽ giúp gia tăng tiền tài, vận khí tốt.

  • Cây trồng

Theo phong thủy, gia chủ nên trồng những loại cây có khả năng hút vượng khí vào nhà, mang đến cho gia chủ sức khỏe dồi dào, nhiều may mắn, tài lộc. Tùy tuổi và bản mệnh của gia chủ, bạn sẽ chọn được loại cây trồng sân thượng phù hợp. Những loại cây được khuyến khích trồng gồm cây kim ngân, cây kim tiền, vạn niên thanh, lưỡi hổ, hoa trạng nguyên,…

>>> Xem thêm: Tổng quan về cây cảnh phong thủy

Về hướng trồng cây, nên trồng cây ở hướng cát, tránh hướng hung. Trong Ngũ hành, cây cối thuộc yếu tố Mộc, do đó nếu cây được trồng ở hướng Tây Bắc (hướng Càn) sẽ có tác dụng bảo vệ gia chủ rất hiệu quả.

Vườn cây, vườn rau trên sân thượng cần được chăm bón, diệt trừ sâu bệnh kịp thời vì nếu để cây còi cọc, cây bị sâu bệnh, héo, chết sẽ trở thành nơi hãm khí xấu, không tốt cho sức khỏe, vận khí, tài lộc của gia chủ. Nên kiểm tra thường xuyên để phát hiện cây bị bệnh hoặc phát triển không tốt.

Tránh để khu vườn trên sân thượng quá um tùm, rậm rạp. Nên thường xuyên dọn dẹp để tránh các sinh vật, nấm mốc gây hại cho cây và các thành viên trong gia đình.

  • Chiếu sáng

Dù sân thượng có bố trí vườn cây, vườn rau hay không thì vẫn nên thiết kế chiếu sáng cho khu vực này. Đêm xuống, ánh sáng đèn từ trong nhà tỏa ra có thể không đủ chiếu sáng cho vườn sân thượng. Tốt nhất, bạn nên bố trí đèn chiếu sáng trên cao, chiếu sáng toàn bộ khu vườn. Đây cũng là cách để cân bằng âm – dương cho ngôi nhà, mang lại vận khí tốt.

  • Mái che 

Có nhiều loại mái che với chất liệu, màu sắc, hình dáng khác nhau cho bạn thỏa sức lựa chọn. Tuy nhiên, về màu sắc và chất liệu mái che, bạn nên chọn sao cho phù hợp với bản mệnh của mình.

Về hình dáng mái che, nếu bản mệnh của gia chủ thuộc hành Hỏa thì góc giữa của hai mái nên chếch hơn 90 độ, cũng có thể chọn loại mái che hình chỏm cầu, hình bát úp ngược hàm ý giữ tài lộc cho chủ nhân ngôi nhà. Bạn nên tránh chọn mái có hình dáng sắc nhọn bởi chúng dễ tạo sát khí, không tốt về mặt phong thủy.

Hy vọng, với những thông tin tổng quan về thiết kế vườn trên sân thượng mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn sẽ có thêm ý tưởng bài trí khu vực sân thượng nhà mình thành không gian hữu ích hơn, đảm bảo cả về công năng, tinh thẩm mỹ và độ an toàn.

Lam Giang

>> Khu vườn trên sân thượng tựa như một “công viên thu nhỏ”

>> Tham khảo những ý tưởng thiết kế vườn trên sân thượng

>> Muôn ý tưởng biến sân thượng thành không gian hữu ích và độc đáo

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/03/16/thiet-ke-vuon-tren-san-thuong-can-luu-y-gi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *