Người có thói quen ngồi lâu có thật sự tăng nguy cơ bị vô sinh?
Thói quen ngồi lâu, ít vận động dường như càng trở nên phổ biến hơn ở xã hội hiện đại, đặc biệt là dân văn phòng. Tình trạng này kéo dài chưa kể những tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật khác mà càng đáng lưu ý hơn chính là vấn đề sức khỏe sinh sản.
Các chuyên gia lý giải: Nam giới ngồi nhiều sẽ khiến thể trọng “đè nén” lên bộ phận sinh dục, ảnh hưởng tuần hoàn máu, có thể gây ra hiện tượng ứ máu ở vùng chậu, tổn thương tinh hoàn, suy giảm khả năng xuất tinh và chất lượng tinh trùng.
Ngoài ra, ngồi lâu trong một thời gian dài còn làm cho các chất thải có hại từ quá trình trao đổi chất bị tích tụ vì khó đào thải ra ngoài, dẫn đến tình trạng Testosterone tiết ra ít hơn, làm trở ngại cho “bản lĩnh đàn ông” cũng như tăng nguy cơ vô sinh hơn.
Đối với nữ giới cũng gần tương tự, khi bạn ngồi lâu mà đặc biệt là ngồi trên ghế quá mềm, có độ lún sâu không thích hợp, khu vực vùng kín sẽ bị nóng ẩm, không thoáng khí, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm bệnh sinh sôi dẫn đến các chứng viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, tuần hoàn máu ở vùng chậu, cổ tử cung và phần phụ cũng không thông thuận nên dễ bị sung huyết. Thông thường, chị em sẽ dễ mắc bệnh phụ khoa ở các cơ quan sinh sản, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời cũng có thể dẫn đến vô sinh.
Tác hại của ngồi nhiều còn biểu hiện ở các bệnh tật nguy hiểm mà bạn không nên chủ quan
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, não và huyết quản
Nguy hiểm của việc ngồi quá nhiều là khiến tốc độ lưu thông máu trong cơ thể chậm lại rõ rệt, làm cho thành phần axit béo bị tích tụ trong thành mạch máu, độ đông đặc của máu tăng lên, lâu ngày dễ gây tắc nghẽn mạch máu, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, viêm cơ tim, thậm chí là đột quỵ.
Ảnh hưởng sức khỏe cơ xương
Cơ bắp và hệ xương khớp luôn cần vận động để được thư giãn, tăng sức dẻo dai và độ chắc khỏe. Thói quen ngồi lâu làm tốc độ máu lưu thông bị giảm, đồng thời cơ và xương cũng ít có cơ hội hoạt động, dễ dẫn đến các vấn đề đau nhức, tê mỏi, co giãn tĩnh mạch v.v…
Làm suy giảm chức năng hệ tiêu hóa, bài tiết
Ngồi lâu ở một tư thế dễ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng, gây hiện tượng sung huyết, sưng viêm, lâu ngày có thể khiến bạn mắc bệnh trĩ mãn tính. Ngoài ra, ngồi nhiều ít vận động cũng làm giảm chức năng nhu động dạ dày và đường ruột, tăng nguy cơ bị táo bón, thậm chí là xuất hiện các khối u ác tính.
Có thể dẫn đến bệnh tiểu đường
Khi bạn ngồi lâu, các cơ phải hấp thu Glucose trong máu sẽ làm tăng mức độ đề kháng Insulin, đồng thời năng lượng dư thừa cũng hình thành mỡ tích tụ làm suy giảm chứng năng phản ứng của Insulin trong cơ thể, quá trình chuyển hóa đường bị bất thường và có thể gây chứng tiểu đường thường gặp.
Người thường xuyên phải ngồi nhiều cần chú ý gì để hạn chế các tác hại?
Bạn nên tập thói quen cứ mỗi 30 – 60 phút ngồi làm việc thì nên đứng dậy đi lại một chút, kết hợp các động tác co giãn tay chân, cơ thể để giúp tuần hoàn máu lưu thông và thư giãn cơ xương. Ngoài ra, bạn nên uống một ly nước ấm, mở cửa sổ để trao đổi không khí bên ngoài, nếu được đón ánh nắng nhẹ chiếu vào càng tốt.
Không nên chỉ ngồi một tư thế bất động, dù bận rộn không thể đứng dậy vận động tay chân thì bạn cũng nên thay đổi tư thế thường xuyên hơn, có thể hơi xoay eo, co duỗi tay chân, xoay cổ v.v… cũng hạn chế bớt nguy hại do ngồi quá lâu.
Ghế ngồi nên có độ mềm mại thích hợp, không nên quá cứng nhưng cũng không quá mềm lún. Lý tưởng nhất vẫn là ghế có lưng tựa để hỗ trợ nâng đỡ cột sống và giúp bạn thoải mái hơn khi làm việc.
Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của thói quen ngồi lâu đối với sức khỏe, từ đó có biện pháp cải thiện hợp lý.
Thiên Khuê (Theo Sohu)