Thủ tục xin cấp lại sổ đỏ bị rách?

Hỏi: Sổ đỏ của gia đình tôi bị rách một góc. Vậy xin hỏi, thủ tục và trình tự xin cấp lại sổ đỏ như thế nào?

Chân thành cảm ơn!

Nguyễn Thị Thành (Hà Tĩnh)

Trình tự, thủ tục xin cấp lại sổ đỏ bị rách được quy định tại Khoản 1, Điều 10, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Trả lời:

Hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ bị rách được quy định tại Khoản 1, Điều 10, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT. Cụ thể, hồ sơ gồm các giấy tờ sau: Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK; Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp; Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng… Bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận ĐKKH…

Về thời gian thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ bị rách được quy định tại Điểm p, Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP: “Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 7 ngày”.

Trong khi đó, Khoản 2, Điều 10, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về trình tự, thủ tục xin cấp đổi sổ đỏ bị mất như sau:

“2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

b) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 3 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.”

Theo quy định hiện hành, lệ phí cấp lại Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Dựa trên điều kiện cụ thể cũng như chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cơ quan này sẽ quy định mức thu phù hợp, đảm bảo nguyên tắc: Mức thu đối với cá nhân, hộ gia đình tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với cá nhân, hộ gia đình. (Khoản 5, Điều 3 và Điểm e, Khoản 2, Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC)

Ngoài ra, Điểm b, Khoản 5, Mục A Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 quy định về mức thu lệ phí cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại TP. Hà Nội. 

 

Theo Dân Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *