Thực hư chuyện uống nước đường đỏ có thể giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt
Uống nước đường đỏ để giảm đau bụng khi “đến tháng” là lời truyền miệng mà không ít người vẫn áp dụng dù không rõ thực hư có hiệu quả hay không. Thực tế, các chuyên gia sức khỏe cho biết: Biện pháp dân gian này chưa được chứng minh bằng y học lẫn khoa học.
Thành phần chủ yếu của đường đỏ cũng là đường, nó cung cấp năng lượng cho cơ thể con người nhưng không có giá trị dược liệu để giảm đau bụng kinh. Sở dĩ nhiều người nhận định tác dụng giảm đau của đường đỏ chỉ là do họ cảm thấy gọi là “đường đỏ” thì chắc sẽ có công hiệu bổ máu.
Cách nghĩ này vô cùng sai lầm, bởi vì hàm lượng sắt trong đường đỏ cực kỳ thấp và không thể được hấp thu vào cơ thể con người. Một số người vẫn cảm thấy dễ chịu hơn trong kỳ kinh nguyệt sau khi vừa uống nước đường đỏ, kỳ thực chỉ là do tác dụng làm ấm vùng bụng của nước nóng mà thôi.
Khi bạn pha đường đỏ vào nước sôi thì nhiệt độ của nước có thể khiến các mạch máu giãn nở, làm cho chị em cảm thấy cơ thể ấm hơn và đương nhiên cơn đau bụng kinh cũng dịu bớt. Do đó, uống nước đường đỏ không chữa được đau bụng mà nếu lạm dụng còn dễ khiến bạn béo phì. Hãy thận trọng!
Ăn gì để làm dịu cơn đau bụng trong ngày “đèn đỏ” của chị em?
Các loại đậu
Nếu như uống nước đường đỏ không thật sự có tác dụng giảm chứng thống kinh, vậy chị em nên bổ sung thực phẩm nào để ngày “đèn đỏ” bớt khổ sở hơn? Lựa chọn đầu tiên cho bạn chính là các loại đậu. Đặc biệt, đậu nành thuộc nhóm thực vật giàu chất xơ, có thể giảm nhẹ các triệu chứng sung huyết trong tử cung và làm dịu cơn đau bụng.
Bên cạnh đó, các loại đậu còn có thể thông qua quá trình tiêu hóa mà tăng thành phần nước trong phân thải ra, giúp quá trình đại tiện được dễ dàng, thúc đẩy đào thải các chất tàn dư và độc tố trong cơ thể, phòng ngừa táo bón lẫn tiêu chảy mãn tính.
Ngoài ra, các loại đậu còn giàu vitamin B, có tác dụng giảm thống kinh và triệu chứng mệt mỏi trong ngày “đèn đỏ” của phụ nữ. Bạn có thể kết hợp nhiều loại đậu đa dạng khác nhau nhưng nhớ mỗi lần chỉ ăn một lượng nhỏ, chia ra nhiều lần ăn và phải nhai kỹ để không gây tác dụng phụ.
Các loại rau lá xanh
Rau lá xanh thông thường đều chứa nhiều thành phần như canxi, magie, kali v.v… có tác dụng giảm thống kinh hiệu quả, an toàn. Các loại khoáng chất này còn giúp cơ thể cảm thấy thả lỏng, điều chỉnh căng thẳng thần kinh. Đặc biệt, rau lá xanh đậm còn giàu vitamin K, một trong những chất quan trọng làm giảm xuất huyết quá nhiều.
Axit béo Omega-3
Trong cơ thể con người có một loại vật chất gọi là Prostaglandin, đây là các axit béo không bão hòa, chúng tham gia vào quá trình sản sinh cơ chế làm co thắt cơ và gây thống kinh. Để ức chế bớt lượng Prostaglandin tiết ra, chị em nên bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, quả óc chó, hạt lanh v.v…
Quả dứa
Nghiên cứu phát hiện, hàm lượng mangan bị thiếu hụt sẽ khiến phụ nữ chảy máu nhiều hơn 50% trong kỳ kinh nguyệt so với người có đủ chất này. Vì vậy, để giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định và bớt thống kinh, xuất huyết kéo dài thì chị em nên bổ sung mangan từ các loại quả. Trong đó, dứa là lựa chọn lý tưởng cho bạn.
Trà thảo mộc
Một nguồn thực vật giàu mangan nữa đó chính là trà. Mặc dù các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến cáo chị em nên kiêng trà, cà phê trong ngày “đèn đỏ” nhưng riêng các loại trà thảo mộc thì có hiệu quả tích cực cho bạn.
Đa số trà thảo mộc được nấu từ cây cỏ, điển hình như trà hoa cúc, trà hoa lài hoặc các loại nước mát nấu từ mã đề, cẩu kỷ tử, la hán quả v.v… Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoàn toàn có thể sử dụng thức uống này để giảm các triệu chứng khó chịu.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)