TPHCM cần thêm 10 triệu kit xét nghiệm nhanh Covid-19

TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phân bổ thêm cho địa bàn 10 triệu kit test nhanh cùng hàng nghìn nhân lực hỗ trợ công tác xét nghiệm.

Ngày 21/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký công văn gửi Thủ tướng về việc tăng cường tổ chức xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng tại TPHCM.

Trong công văn, UBND TPHCM cho biết tỷ lệ mẫu dương tính SARS-CoV-2 phát hiện trên địa bàn đã giảm mạnh qua các đợt xét nghiệm.

Cụ thể, tỷ lệ mẫu dương tính SARS-CoV-2 tại “vùng cam” và “vùng đỏ” trong đợt một ở địa bàn là 3,6%, đợt 2 là 2,7%, đợt 3 là 1,1%. Tỷ lệ mẫu dương tính tại “vùng xanh”, “vùng cận xanh”, “vùng vàng” của TPHCM giảm mạnh sau 3 đợt xét nghiệm đầu tiên.

Tính đến ngày 17/9, TPHCM đã huy động 1.533 đội để triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Tại các “vùng cam”, “vùng đỏ”, thành phố cơ bản hoàn thành 3 đợt xét nghiệm và bắt đầu bước vào đợt 4, một số quận huyện đã hoàn thành xét nghiệm đợt 4 và bước vào đợt 5.

Tỷ lệ dương tính SARS-CoV-2 tại TPHCM giảm mạnh sau 3 đợt xét nghiệm đầu tiên.

Ngày 20/9, TPHCM đã ban hành công văn về tiếp tục triển khai xét nghiệm tại địa bàn dân cư đến hết ngày 30/9. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương, thần tốc triển khai xét nghiệm; tập trung ở các vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để bóc tách nguồn lây nhiễm.

Cụ thể, tại “vùng đỏ”, “vùng cam” thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân; lặp lại sau 2 ngày, làm liên tục 3 lần trong 7 ngày.

“Vùng vàng”, “vùng cận xanh”, “vùng xanh” thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình; lặp lại sau 4 ngày, làm liên tục 2 lần.

Đối với nguồn lực xét nghiệm, các địa phương cần chia nhỏ địa bàn, tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp, chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực. Thành phố đã huy động thêm 1.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia công tác lấy mẫu.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn lực thực hiện xét nghiệm đúng yêu cầu và tiến độ, UBND TPHCM đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế huy động 1.000 người hỗ trợ công tác xét nghiệm; phân bổ cho thành phố 10 triệu kit xét nghiệm nhanh.

TPHCM đề nghị Bộ Quốc phòng huy động 4.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia hỗ trợ trong công tác xét nghiệm.

Phương pháp xét nghiệm nhanh Covid-19 có độ chính xác 70%

Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai cho biết người có xét nghiệm nhanh dương tính sẽ được đưa đi bệnh viện ngay lập tức vì độ chính xác của phương pháp này là 70%.

Chia sẻ sau cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chiều 25/5, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), nhận định virus SARS-CoV-2 đợt này có độ phát tán rất nhanh.

“Bình thường trong phòng thí nghiệm, khoảng 3-4 ngày mới mọc virus, nhưng lần này, ngày thứ 2, virus đã mọc rất nhiều nên độ phát tán mầm bệnh rất nhanh. Vì thế, với chủng khác còn nghi ngờ, nhưng chủng lần này nếu chậm là muộn”, bà Mai nói.

Nữ chuyên gia cho biết do đã có thông báo cách ly, việc thực hiện test nhanh theo từng cụm gia đình có thể được áp dụng.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chỉ đạo công tác xét nghiệm tại Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế.

“Có thể lấy mẫu bình thường và trộn theo môi trường để làm xét nghiệm gộp, môi trường nào dương tính thì xét nghiệm kỹ. Những trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính, vẫn làm mẫu gộp và đem về xét nghiệm rRT-PCR. Như vậy, trong một ngày, chúng ta sẽ làm được rất nhiều xét nghiệm”, bà nói.

Tuy nhiên, theo GS Mai, vấn đề là phải huy động thế nào, cách bố trí tổ chức để công tác thực hiện hiệu quả và an toàn.

“Tôi nhận thấy, 2 đội lấy mẫu và đội xét nghiệm nên hợp tác đi cùng nhau. Như hiện nay, ai ở đâu là ở nguyên đấy rồi nên như một hình thức đi ‘test dạo’. Hiện tại, chúng ta chưa thể nhận định được điều gì vì phải bắt tay làm mới nói tiếp được hiệu quả của test nhanh”, Giáo sư Mai nói thêm.

Ngày 26/5, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang bắt đầu triển khai phương pháp xét nghiệm này ở Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng.

Tại những khu vực này, người dân không tập trung mà được lấy mẫu theo đơn vị nhỏ. Mỗi đơn vị được phát trước phiếu điền thông tin, sau đó, cán bộ tới lấy mẫu từng nhà. Kết quả được trả sau 15 phút. Khi đó, gia đình nào có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được đưa đi bệnh viện ngay lập tức vì độ chính xác test nhanh là 70%.

Ngoài ra, bà Mai nhấn mạnh việc hướng dẫn một số nhóm người dân thử nghiệm tự lấy mẫu nếu triển khai tốt, ngành y tế cần nhân rộng.

“Video hướng dẫn lấy mẫu test nhanh đã có nhưng vẫn còn khá nhiều còn bất cập. Tôi muốn video phải có tiếng, hiện nay chỉ là chạy chữ. Video như thế chưa đáp ứng được yêu cầu”, GS Mai cho hay.

Trong đêm 25/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Bắc Giang khẩn trương thí điểm việc hướng dẫn cho 100-200 công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19.

Cụ thể, ngành y tế chọn 100-200 công nhân tập trung tại khu nhà trọ (đảm bảo giãn cách) và xem video hướng dẫn test nhanh để tự lấy mẫu. Ông chỉ đạo kiểm tra 40.000 công nhân ở 3 khu trong 3 ngày gần đây. Trường hợp đã xét nghiệm tạm thời không kiểm tra lại để ưu tiên người khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *