Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội luôn chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
Nhận định trong thời gian tới, điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự lây lan dịch bệnh qua đường hô hấp, dự báo các bệnh như cúm, viêm màng não do não mô cầu, sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu…sẽ gia tăng và có thể gây thành dịch, chính vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019.
Mục tiêu đặt ra là phát hiện sớm, thông báo kịp thời các trường hợp mắc, nghi mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa đông xuân như sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu, cúm, viêm màng não do não mô cầu. Điều tra xử lý triệt để 100% các ổ dịch, chùm ca bệnh được phát hiện trên địa bàn thành phố trong vòng 24-48 giờ, đặc biệt là các dịch bệnh nhóm A, bệnh mới phát sinh, xâm nhập, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
Hệ y tế dự phòng của thành phố sẽ tổ chức tập huấn giám sát, điều tra, xử lý các dịch bệnh mùa đông xuân cho cán bộ y tế các tuyến; tăng cường hệ thống giám sát phát hiện bệnh, dịch, đồng thời chuẩn bị đủ nhân lực, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch. Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch một cách hiệu quả, kịp thời; tăng cường công tác truyền thông phòng chống các loại dịch bệnh mùa đông xuân.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, kiện toàn sẵn sàng 5 đội chống dịch cơ động với đầy đủ máy móc, thuốc, hóa chất, trang bị bảo hộ, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các TTYT điều tra và tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại ổ dịch. Đảm bảo đủ máy, hóa chất, thuốc cung cấp kịp thời cho các đơn vị khi có dịch xảy ra tại địa phương. Ở TTYT các quận, huyện, thị xã kiện toàn sẵn sàng ít nhất 2 đội cơ động phòng chống dịch với đủ thành phần nhân lực: cán bộ dịch tễ, xét nghiệm, côn trùng với đầy đủ máy móc, hóa chất, thuốc, trang bị bảo hộ.
Theo congly
Công bố 9 loại bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư về việc hướng dẫn giám sát đối với 9 loại bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo đó, phải tổ chức cách ly y tế đối với 9 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B sau: bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, than, viêm màng não do mô cầu, chân tay miệng, thủy đậu, quai bị.
Tay chân miệng là 1 trong 9 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần cách ly.
Giám sát bệnh, dịch truyền nhiễm được thực hiện dưới 2 loại hình là giám sát dựa vào chỉ số và giám sát dựa vào sự kiện. Giám sát dựa vào chỉ số được thực hiện thông qua việc thu thập thông tin về các bệnh truyền nhiễm, bao gồm giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm.Việc giám sát bệnh, dịch truyền nhiễm sẽ được thực hiện đối với các đối tượng: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ.
Giám sát dựa vào sự kiện là việc thu thập các thông tin, sàng lọc, xác minh các dấu hiệu cảnh báo từ nguồn tin của cộng đồng, mạng xã hội…
Ngoài ra, Thông tư nêu rõ, đối với tất cả bệnh truyền nhiễm nhóm C; bệnh truyền nhiễm nhóm B có số mắc thấp (thấp hơn số mắc trung bình của tuần hoặc tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất không tính số liệu của năm có dịch) và chưa có t.ử v.ong; Bộ Y tế đề nghị Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND xã để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
Đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B có số mắc của xã hoặc huyện cao (số mắc trung bình của tuần hoặc tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất không tính số liệu của năm có dịch) hoặc có trường hợp t.ử v.ong, Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
“Với tất cả các bệnh truyền nhiễm nhóm A; bệnh truyền nhiễm nhóm B có từ 2 trường hợp t.ử v.ong trở lên nghi do cùng một bệnh hoặc cùng một tác nhân gây bệnh trên cùng địa bàn huyện trong vòng một tháng, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động và chịu trách nhiệm đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn”, nội dung Thông tư nêu rõ.
D.Ngân
Theo baohaiquan