Người nào có thể bị thiếu hụt vitamin B12?
Vitamin B12 là dưỡng chất thiết yếu tham gia nhiều chức năng của cơ thể, điển hình là quá trình tổng hợp DNA, chuyển hóa năng lượng và điều hòa hệ thần kinh trung ương. Thông thường, lượng B12 trên 300pg/mL là ổn định, dưới 200pg/mL được xem là thiếu hụt.
Triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 thường bị nhầm lẫn với các vấn đề khác, khiến cho việc phát hiện và điều trị gặp khó khăn. Vậy đối tượng nào sẽ bị thiếu loại dưỡng chất này?
Chức năng hấp thu vitamin B12 của cơ thể sẽ giảm dần theo tuổi tác. Theo nghiên cứu của Hoa Kỳ và Anh, có khoảng 20% số người già trên 60 tuổi bị thiếu vitamin, trong đó có vitamin B12.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhóm tuổi khác không có nguy cơ, bao gồm trẻ em, người trưởng thành, phụ nữ mang thai và cho con bú… Để xác định có thiếu vitamin B12 hay không, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán.
Triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm sinh lý của bạn
Thường xuyên cảm thấy uể oải, mệt mỏi
Khi mức vitamin B12 thấp, nó không đủ cung cấp để sản xuất tế bào hồng cầu, gây thiếu lượng oxi trong máu và hiệu suất tổng hợp DNA cũng bị giảm. Điều này khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống dù không hoạt động nhiều.
Da vàng hoặc nhợt nhạt
Dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12 còn biểu hiện ra ở làn da của bạn. Tương tự thiếu máu do thiếu sắt, trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12 cũng khiến da xanh xao, vàng vọt vì thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
Nhức đầu mãn tính
Cơ thể thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến vấn đề về thần kinh, điển hình là chứng đau nhức đầu không do bệnh tật. Theo nghiên cứu năm 2019 cho thấy, những người bị đau nửa đầu đều có nồng độ B12 trong máu thấp.
Tăng nguy cơ trầm cảm
Vai trò của vitamin B12 là duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, một triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 đáng lo ngại chính là sức khỏe tâm thần của bạn.
Chuyên gia cho biết, lượng B12 thấp làm tăng nồng độ homocysteine, chất này có thể tổn thương DNA, làm chết tế bào, góp phần làm phát triển bệnh trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh cũng thiếu tập trung, đầu óc lờ đờ.
Gây ra vấn đề về tiêu hóa
Tiêu chảy, buồn nôn, táo bón, chướng bụng, đầy hơi… cũng có thể là cơ thể thiếu hụt vitamin B12 mà không phải là bệnh tật khác. Chính vì vậy, bạn cần có sự chẩn đoán cụ thể của bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
Viêm lưỡi, miệng
Thiếu vitamin B12 còn có thể gây ra vấn đề khoang miệng. Cụ thể là lưỡi bị viêm, đỏ và đau, thậm chí còn kèm các vết loét trong miệng. Tuy nhiên, viêm lưỡi cũng có thể do thiếu vitamin B2, B3 nên cần xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Các dấu hiệu khác
Ngoài những triệu chứng điển hình trên, thiếu vitamin B12 cũng có thể biểu hiện ở các vấn đề như:
- Yếu cơ, dễ bị chuột rút
- Suy giảm khả năng phối hợp động tác của cơ thể
- Rối loạn cương dương
- Rối loạn thị lực
Có thể thấy, thiếu hụt vitamin B12 không có dấu hiệu đặc trưng riêng nên dễ nhầm lẫn. Vì vậy, nếu có vấn đề sức khỏe bất kỳ, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra tổng quát, tìm nguyên nhân cụ thể và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Hy vọng bài viết cung cấp những triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 cơ bản nhất, giúp bạn có cơ sở để phòng và chữa bệnh tốt hơn.
Thiên Khuê (Theo Health)