Trình tự thủ tục và lệ phí tách sổ đỏ năm 2021

Thủ tục, trình tự làm sổ đỏ, tách sổ đỏ luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu, nhất là khi các quy định pháp luật liên quan được bổ sung hoặc sửa đổi. Vậy thủ tục và thuế phí phải nộp khi tách sổ theo quy định mới nhất năm 2021 như thế nào?

Trong bài viết dưới đây, Dothi.net chia sẻ với bạn đọc những thông tin, quy định mới nhất liên quan tới trình tự thủ tục và lệ phí tách sổ đỏ năm 2021.

Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ là khái niệm mà người dân thường dùng để gọi tắt cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể hơn là dựa theo màu sắc của giấy chứng nhận. Theo từng thời kỳ, từng giai đoạn khác nhau, Việt Nam có nhiều loại giấy chứng nhận như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 10/12/2009 đã ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới, áp dụng trên phạm vi cả nước. Tên gọi của mẫu giấy chứng nhận này là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Khoản 16, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Người dân trong quá trình sử dụng đất có thể phát sinh nhu cầu tách thửa, tách sổ đỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các quy định về việc tách sổ đỏ, thuế phí phải đóng khi tách sổ.

Chỉ được tách thửa đất, tách sổ đỏ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành.
Ảnh minh họa

Tách sổ đỏ là gì?

Hiểu một cách cơ bản và chung nhất thì tách sổ đỏ là việc chia một mảnh đất đã có sổ đỏ thành nhiều mảnh đất khác với diện tích nhỏ hơn. Việc tách sổ phải đảm bảo đáp ứng các quy định của Luật Đất đai hiện hành về diện tích tối thiểu được tách thửa. Điều này có nghĩa là, thửa đất còn lại sau khi tách thửa và thửa đất mới hình thành đều có diện tích không nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về tách thửa.

Các tỉnh, thành khác nhau có quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa khác nhau. UBND cấp tỉnh sẽ có Quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Phần diện tích tối thiểu này không bao gồm phần chỉ giới xây dựng cũng như hành lang an toàn giao thông (nếu có).

Trong trường hợp diện tích đất sau khi tách thửa nhỏ hơn diện tích tối thiểu và người sử dụng đất xin được hợp thửa với thửa đất khác liền kề tạo thành thửa đất mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu thì vẫn được phép tách sổ đỏ, tách thửa theo quy định hiện hành.

Người dân khi thực hiện thủ tục tách sổ đỏ cần lưu ý tới những điều kiện được tách thửa theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng hồ sơ không hợp lệ, mất thời gian và tốn kém chi phí.

>> Xem thêm:

  • Bị mất sổ đỏ, xin cấp lại như thế nào?

  • Từ 8/2/2021, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được quyền cấp sổ đỏ

Để được tách sổ đỏ, cần đáp ứng những điều kiện nào?

Để được tách thửa, mảnh đất đó phải thỏa mãn điều kiện về diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của từng địa phương và phù hợp với quy hoạch, quy định chung đối với quỹ đất của địa phương.

Căn cứ theo Điều 143, Luật Đất đai 2013 quy định về đất ở tại nông thôn và Điều 144, Luật Đất đai 2013 quy định về đất ở tại đô thị, người dân cần chú ý một số vấn đề sau đây để được tách thửa, tách sổ đỏ khi có nhu cầu.

Thứ nhất, đất ở do cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, đất để xây dựng các công trình phục vụ đời sống, ao, vườn trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, căn cứ vào quỹ đất địa phương cũng như quy hoạch phát triển nông thôn đã được phê duyệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp tỉnh sẽ quy định hạn mức đất giao cho mỗi cá nhân, hộ gia đình để làm nhà ở tại nông thôn. Đối với đất ở, diện tích tối thiểu được tách thửa phù hợp với điều kiện, tập quán địa phương.

Thứ ba, đất ở tại đô thị gồm đất xây dựng công trình nhà ở, đất xây dựng các công trình phục vụ đời sống, ao, vườn trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị và phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thứ tư, đất ở tại đô thị cần phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình sự nghiệp, công trình công cộng, đảm bảo cảnh quan đô thị hiện đại, vệ sinh môi trường.

Thời hạn giải quyết thủ tục tách sổ đỏ không quá 20 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Ảnh minh họa

Trình tự, thủ tục tách sổ đỏ

Để tách sổ đỏ, người sử dụng đất cần tiến hành theo trình tự, thủ tục sau:

  • Hồ sơ tách sổ đỏ

Người sử dụng đất nộp một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Theo Khoản 11, Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ tách sổ đỏ bao gồm các loại giấy tờ: 

– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

– Đơn đề nghị hợp thửa hoặc tách thửa theo Mẫu 11/ĐK.

  • Thời hạn giải quyết

Kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, thời gian thực hiện thủ tục tách thửa không quá 20 ngày. Điều này được quy định rõ tại điểm đ, Khoản 2, Điều 61, Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Thời gian thực hiện thủ tục tách thửa, tách sổ đỏ đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tăng thêm 15 ngày.

Lưu ý, thời hạn nêu trên không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất cũng như thời gian xem xét xử lý với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật và thời gian trưng cầu giám định.

Nếu nhận hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ thì trong vòng tối đa 3 ngày, đơn vị tiếp nhận hồ sơ phải thông báo, hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định hiện hành.

Thuế, phí phải nộp khi tách sổ đỏ

Khi thực hiện thủ tục tách sổ đỏ, người dân cần nộp một số thuế, phí sau:

  • Thuế thu nhập cá nhân

Theo Khoản 1, Điều 4, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, việc tách sổ đỏ trong các trường hợp sau được miễn thuế thu nhập cá nhân: Tách sổ đỏ giữa chồng với vợ; giữa mẹ đẻ, cha đẻ với con đẻ; giữa mẹ nuôi, cha nuôi với con nuôi; giữa mẹ chồng, cha chồng với con dâu; giữa mẹ vợ, cha vợ với con rể; giữa bà nội, ông nội với cháu nội; giữa bà ngoại, ông ngoại với cháu ngoại; giữa anh, chị, em ruột với nhau.

  • Phí trước bạ nhà đất

Khoản 1, Điều 7, Nghị định 140/2016/NĐ-CP quy định, mức thu lệ phí trước bạ khi thực hiện thủ tục tách sổ đỏ bằng 0,5% giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng tách thửa. Cùng với đó, người dân còn phải nộp một số khoản lệ phí khác như phí công chứng, phí đo đạc, phí cấp Giấy chứng nhận…

Lam Giang (TH)

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/01/12/trinh-tu-thu-tuc-va-le-phi-tach-so-do-nam-2021

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *