Trí tuệ nhân tạo mang đến bước tiến vượt bậc trong điều trị bệnh lý ung thư, tuy nhiên việc ứng dụng tại Việt Nam đang vấp phải nhiều rào cản.
Ngoài cơ sở vật chất không đủ đáp ứng, các vấn đề về thuốc, nhân lực, cơ chế cần được điều chỉnh để hội nhập toàn cầu.
Hệ thống điện toán biết nhận thức, được phát triển từ sự kết hợp giữa phần mềm trí tuệ nhân tạo IBM Watson và chuyên môn chuyên sâu về ung thư học đang ngày càng được ứng dụng phổ biến ở các nước phát triển. Ngành y tế Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận và triển khai thí điểm trong điều trị với những kết quả khả quan.
Ung thư đang gieo rắc thảm họa cho mọi lứa t.uổi
Thực tế thí điểm tại Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cho thấy, hệ thống hỗ trợ hầu hết các giai đoạn của ung thư vú và ung thư đại – trực tràng. Tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ điều trị của bệnh viện đang áp dụng và phác đồ của hệ thống trí tuệ nhân của ung thư đại – trực tràng là 88,1%; ung thư vú là 71%. Hệ thống giúp các bác sĩ cập nhật phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình ra quyết định điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất…
Tuy nhiên, quá trình thí điểm cũng ghi nhận nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tương đồng gồm: cơ sở dữ liệu của hệ thống chủ yếu theo thực tế điều trị ung thư tại nước Mỹ, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, chưa có phiên bản tiếng Việt và chưa phù hợp với đặc thù của các bệnh viện (như cơ sở vật chất, danh mục thuốc, tình trạng quá tải), đặc thù của người bệnh (về địa lý, tài chính, chế độ bảo hiểm y tế…) cũng như điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.
Hệ thống sử dụng thường quy các thuốc thế hệ mới như nhóm thuốc nhắm trúng đích, khi điều trị ung thư vú có HER2( ), điều này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng được hưởng bảo hiểm y tế của đa số bệnh nhân đang điều trị ung thư vú tại bệnh viện và tính sẵn có của thuốc tại Việt Nam nên người bệnh sẽ không được hưởng. Việc chỉ định xạ trị cũng hạn chế hơn so với phác đồ điều trị đang áp dụng tại bệnh viện.
Trí tuệ nhân tạo đang hồ trợ tích cực trong chẩn đoán, điều trị ung thư nhưng cần được tháo gỡ khó khăn để có thể ứng dụng rộng rãi
Một số trường hợp hệ thống yêu cần có thêm các xét nghiệm gen, các xét nghiệm sinh học phân tử, trong khi tại Việt Nam chưa thực hiện được xét nghiệm này. Dù có 13 bệnh lý ung thư phổ biến có thể được hỗ trợ từ hệ thống, nhưng một số giai đoạn bệnh của các bệnh lý này hệ thống chưa sẵn sàng hỗ trợ. Và hiện tại còn một số không nhỏ bệnh lý ung thư hệ thống chưa hỗ trợ, cũng như các thể mô bệnh học hiếm gặp hệ thống chưa hỗ trợ.
Hệ thống không yêu cầu nhiều về máy móc thiết bị phần cứng, chỉ cần trang bị máy tính và đường truyền internet đảm bảo là có thể sử dụng, thậm chí có thể chạy trên cả các thiết bị di động như ipad, điện thoại… Tuy nhiên, việc áp dụng cùng lúc tại nhiều khoa trong bệnh viện yêu cầu đường truyền internet tốc độ cao mới có thể đảm bảo tốc độ truy cập khi sử dụng đại trà đây là vấn đề khó với các bệnh viện.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có sự khác biệt về quan điểm điều trị ung thư tại bệnh viện (theo trường phái châu Âu) so với hệ thống (theo trường phái Mỹ) nên có những chỉ định không tương đồng trong một số trường hợp. Mặt khác, các bác sĩ luôn trong tình trạng quá tải nên việc sắp xếp thời gian ứng dụng hệ thống khi đưa ra phác đồ còn bị hạn chế.
Để ứng dụng trong thực tiễn triển khai đại trà, BS Võ Đức Hiếu, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung Bướu cho rằng: Khi triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư, các bệnh viện cần nguồn lực đúng mức về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm, nhân sự đào tạo, có thời gian sử dụng, phân tích và khai thác các thông tin mà hệ thống đưa ra. Cần phối hợp với nhà cung cấp yêu cầu tăng cường các phương pháp bảo mật dữ liệu, giới hạn địa chỉ IP đăng nhập theo từng tài khoản để đảm bảo thông tin bệnh nhân không bị phát tán. Bên cạnh đó, bệnh viện phải xây dựng quy trình tiếp nhận bệnh nhân phù hợp cho việc áp dụng hệ thống ngay từ đầu, tránh những khác biệt về quan điểm điều trị.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Cập nhật tiến bộ công nghệ và nghiên cứu trong y học chính xác
Hội nghị với 40 báo cáo khoa học mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư như: Điều trị miễn dịch, trí tuệ nhân tạo trong y học…
Bệnh nhân cùng người nhà tham gia buổi sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ về ung thư. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Ngày 19/8, hội nghị quốc tế Transmed lần thứ 4 về những tiến bộ công nghệ và nghiên cứu lâm sàng trong y học chính xác được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai thu hút trên 30 chuyên gia hàng đầu quốc tế và trên 500 đại biểu là các thầy thuốc, nhà nghiên cứu về ung thư, sinh học phân tử, tế bào gốc…
Phó giáo sư Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hội nghị với 40 báo cáo khoa học mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư như: Điều trị miễn dịch, trí tuệ nhân tạo trong y học; Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, tế bào iPS, Gen trị liệu và công nghệ CRISPR/Cas9 và Thực hành lâm sàng điều trị miễn dịch ung thư.
Hội nghị quốc tế Transmed được tổ chức hàng năm tại Việt Nam với mục tiêu cập nhật các tiến bộ, công nghệ mới và các thành tựu toàn cầu trong lĩnh vực gen, tế bào gốc.
Hội nghị cũng tập trung vào việc thúc đẩy nâng cao năng lực, hợp tác nghiên cứu quốc tế với các bệnh viện và phát triển sự nghiệp cho thế hệ khoa học trẻ.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng là nơi để các nhà quản lý bệnh viện, các chuyên gia trong trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ mới trong công nghệ gen và tế bào gốc, hiệu quả và ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư./.
Theo Vietnamplus