Nước dừa được ưa chuộng vào những ngày nắng nóng vì hương vị dễ chịu và không quá tốn kém. Dinh dưỡng từ nước dừa cũng khá phong phú, góp phần cải thiện sức khỏe như giảm cân, chậm lão hóa, kích thích tiêu hóa, tăng cường năng lượng…
Tuy là loại quả thiên nhiên khá “lành tính” nhưng không phải ai cũng uống dừa đúng cách. Một số trường hợp sau đây cần thận trọng khi sử dụng nước dừa để tránh nguy cơ về sức khỏe.
Không nên uống nước dừa vào buổi tối
Uống nước dừa có thể bổ sung nước, chất điện giải và dinh dưỡng cho cơ thể. Mặc dù vậy, bạn cần sử dụng thức uống này vào thời điểm hợp lý để tránh lợi bất cập hại.
Sau một ngày dài hoạt động mệt mỏi, cơ thể bạn cần nghỉ ngơi, thư giãn. Vì vậy, buổi tối nếu uống dừa rất dễ ảnh hưởng đến thời gian hồi phục của cơ thể. Đặc biệt nếu bạn còn thêm đá viên thì càng dễ bị hàn và bệnh tật.
Thời điểm lý tưởng để thưởng thức ly nước dừa tươi là buổi sáng giúp tăng năng lượng và giờ nghỉ trưa giúp bổ sung dinh dưỡng. Một số người chơi thể thao hay thi đấu nên tránh uống dừa vì có thể giảm sức bền của cơ, gân.
Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống dừa
Nước dừa tuy nhiều dinh dưỡng và có ích cho sức khỏe nhưng với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì tuyệt đối không nên dùng. Hệ tiêu hóa giai đoạn này của trẻ còn yếu ớt, nước dừa có thể gây hàn trong cơ thể, ảnh hưởng tiêu hóa.
Trẻ trên 6 tháng có thể uống dừa một ít, sau đó tăng dần chứ không nên cho trẻ uống quá nhiều. Chú ý bạn cũng không nên để trẻ uống quá nhanh để tránh bị sặc.
Không nên uống dừa ngay khi vừa đi nắng về
Sau khi đi nắng về, hầu như chúng ta thích bổ sung nước để giải khát. Tuy nhiên, nước dừa không phải là lựa chọn thích hợp lúc này vì nó có thể khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu, sốt… Bạn nên uống một ly nước lọc và chỉ uống nước dừa vào lúc khác.
Không nên uống nước dừa thường xuyên
Thức uống thiên nhiên tuy nhiều lợi ích nhưng vẫn không thể lạm dụng. Uống dừa thay nước lọc hằng ngày có thể khiến bạn béo phì thay vì hỗ trợ giảm cân nếu dùng đúng cách.
Ngoài ra, nếu bạn đang trong quá trình ăn kiêng nhưng vẫn thích uống dừa thì nên giảm lượng calo trong các món khác. Lượng đường trong nước dừa cũng cần chú ý, bạn có thể giảm bớt trái cây ngọt và thức uống chứa đường khác.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên uống nước dừa
Giai đoạn đầu thai kỳ, phôi thai còn non yếu nên nước dừa có tính hàn không thích hợp cho mẹ bầu lúc này. Ngoài ra, nước dừa có chứa 2% chất béo nên có thể khiến tình trạng ốm nghén nặng hơn.
Sau 3 tháng đầu, bà bầu có thể bổ sung nước dừa vì sẽ có lợi cho cả mẹ lẫn em bé. Nước dừa vào cơ thể bạn sẽ tăng cường tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm táo bón, lợi tiểu, bổ sung nước…
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thể uống nước dừa đúng cách, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tránh được tác dụng phụ.
Thiên Khuê (Theo Tips)