Măng xào, canh măng, lẩu măng hay măng ngâm giấm đều là những món ăn ngon từ măng tươi hoặc măng khô. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng măng chứa chất cyanide, ăn nhiều không tốt cho sức khỏe.
Măng tươi thường chứa nhiều cyanide, có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và thậm chí làm suy hô hấp và gây tử vong khi tiêu thụ. Măng khô cũng có thể chứa lưu huỳnh và chất phụ gia để tạo màu, làm cho măng trông đẹp hơn.
Do đó, trước khi chế biến cần phải sơ chế măng cẩn thận, kỹ lưỡng để loại bỏ chất độc này. Trong bài viết hôm nay, Emdep.vn sẽ hướng dẫn bạn cách sơ chế măng:
Luộc măng cần mở vung
Khi luộc và chế biến măng, việc mở vung là một kỹ thuật quan trọng giúp loại bỏ chất độc.
Các chất độc, ngoài việc tan trong nước cũng có khả năng bay hơi. Do đó, khi luộc măng, việc mở vung giúp chất độc bay đi tốt hơn. Luộc kỹ ít nhất 3-4 lần sẽ giúp loại bỏ chất độc hơn. Việc mở vung khi chế biến tiếp tục, như khi xào nấu, cũng giúp loại bỏ lượng chất độc còn sót lại trong măng.
Ngâm măng trước để làm sạch
Măng mua về nên được ngâm vài tiếng trước khi luộc. Thay nước ngâm nhiều lần sẽ giúp làm sạch hơn. Sử dụng nước gạo đặc để ngâm măng có thể trung hòa chất độc tốt hơn. Ngâm măng với nước kiềm cũng có thể giúp làm sạch măng hơn.
Lưu ý khi mua măng
• Măng tươi: Chọn củ măng trắng, sạch, không có mùi lạ, không đen ở gốc và không có đốm lạ trên vỏ.
• Măng ngâm: Tránh măng có màu vàng hoặc trắng bất thường vì có thể đã được xử lý bằng chất phụ gia. Không nên mua măng ngâm nếu măng có phần nhũn mủn.
• Măng khô: Chọn loại măng có màu vàng nhạt, mùi thơm tự nhiên của tre. Tránh măng có mùi khói khét và màu vàng đậm, có thể là măng đã được sấy với lưu huỳnh.
Lưu ý khi làm măng ngâm giấm
• Sử dụng khăn xô để đậy kín miệng măng thay vì nắp nhựa hoặc nắp kim loại.
• Hạn chế ăn nước măng muối chua để tránh ngộ độc. Nếu ngâm măng sống, nên luộc măng ít nhất 2-3 lần trước khi làm măng ngâm giấm tỏi để đảm bảo an toàn.
Chúc bạn trở thành người tiêu dùng thông thái!
Mai Hương (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm