Virus Corona bám vào vật dụng có thể lây bệnh Covid-19, làm sao để phòng tránh?

Tay nắm cửa, laptop, điện thoại có thể là chỗ ‘trú’ của virus. Nếu chạm vào vật dụng dính virus Corona gây bệnh Covid-19 và sau đó chạm vào mặt mình hay mặt người khác thì đều có thể bị lây nhiễm bệnh.

Phòng bệnh Covid-19 Ảnh: Bộ Y tế – WHO

Làm thế nào để phòng lây nhiễm bệnh Covid-19 trong những trường hợp này?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh Covid-19 lây truyền chủ yếu từ người sang người khi ai đó đang ốm hắt hơi hoặc ho và các giọt b.ắn chứa virus rơi bám trên miệng hoặc mũi của người ở gần họ; hoặc khi tiếp xúc gần với người bị bệnh như ôm hay bắt tay.

Đồng thời, WHO cũng xác nhận virus SARS-CoV-2 cũng có thể bám trên các đồ vật và bề mặt các vật dụng như: nút bấm thang máy, tay nắm cửa, máy tính xách tay và chuột, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, bút viết, khăn giấy,…

Do đó, WHO cảnh báo, nếu bạn chạm vào vật gì đó nhiễm virus và sau đó chạm vào mặt mình hay mặt người khác thì đều có thể bị nhiễm bệnh Covid-19.

Chú ý rửa tay thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa bị lây nhiễm bệnh Covid-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Vì vậy, để giảm nguy cơ bị nhiễm Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần: Rửa tay thường xuyên. Gập khuỷ tay hoặc dùng khăn giấy che miệng và mũi khi ho hay hắt hơi, chứ không dùng bàn tay để che miệng. Đặc biệt, tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.

Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh.

Chú ý thường xuyên làm sạch và khử trùng những vật và bề mặt hay được chạm vào

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), giải thích thêm: Để phòng việc bị lây nhiễm virus qua các vật dụng thì biện pháp cơ bản, quan trọng nhất vẫn là rửa tay, đặc biệt là sau khi cầm nắm, sờ chạm và các vật dụng ở nơi công cộng. Đồng thời, hạn chế đưa tay lên vùng mặt, mũi miệng, nhất là khi chưa rửa tay.

“Mọi người có thể khoát nước (rửa sơ) tay vặn vòi nước trước khi rửa tay hay khóa vòi nước; hoặc có thể dùng khăn giấy để mở/khóa vòi nước. Tại những nơi công cộng, nên hạn chế sờ, cầm nắm vào các vật dụng, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa. Có thể dùng khăn giấy để cầm vào các vật này”, bác sĩ Khanh hướng dẫn.

Chú ý, sau đó cần bỏ khăn giấy vào thùng rác đúng quy định.

Bác sĩ cũng hướng dẫn thường xuyên lau diệt khuẩn (cồn) các vật dụng tiếp xúc nhiều như điện thoại, laptop, máy tính bảng,… Có thể bỏ các vật dụng này vào túi Zip.

“Chú ý rửa tay thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa bị lây nhiễm bệnh Covid-19″, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo thanhnien.vn

Cách để không chạm tay lên mặt

Kể từ khi có Covid-19, chúng ta nhận ra rằng việc chạm tay lên mặt có thể mang lại những hậu quả nặng nề. Cách nào để thay đổi thói quen này?

Trong suốt cả ngày, chúng ta chạm vào rất nhiều bề mặt như tay nắm cửa, nút thang máy, ghế xe bus… những nơi nCov có thể tồn tại trong thời gian dài. Từ đó rất có thể bạn sẽ đem vi khuẩn lên mũi, miệng, mắt.

Theo bác sĩ Vanessa Raabe, trợ lý giáo sư y khoa tại NYU Langone Health (New York, Mỹ): “Đây là một thói quen rất khó bỏ vì tất cả chúng ta đã và đang làm điều này mà thậm chí không nhận thức được mình đang làm”.

Một nghiên cứu của Đại học New South Wales, Australia năm 2015 cho thấy, trung bình một người chạm lên mặt 23 lần/giờ.

Chạm tay lên mặt là thói quen cần thay đổi để tránh lây lan virus. Ảnh: Yahoo.

Dưới đây là 4 thủ thuật không chạm tay lên mặt:

1. Dùng khăn giấy khô

Khi bạn cảm thấy thôi thúc ngứa, cần phải gãi, dụi mũi hay chỉnh lại mắt kính… hãy lấy khăn giấy, thay vì dùng tay của bạn.

Nếu thấy mình phải hắt hơi mà không có sẵn khăn giấy, hãy hắt hơi vào khuỷu tay thay vì bàn tay. Hắt hơi vào tay làm tăng khả năng truyền vi khuẩn sang người khác và đồ vật xung quanh.

2. Nhận thức lý do chạm lên mặt

Bác sĩ Vanessa Raabe, đưa ra đề nghị này: “Hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn sờ tay lên mặt”. Một khi nhận thức được thời điểm và lý do bạn chạm vào mặt thì sẽ giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Ví dụ bạn gãi lên mặt vì tóc chạm vào gây khó chịu và ngứa, hãy buộc tóc cố định lại. Bạn dụi mắt vì nó khô thì hãy dùng thuốc dưỡng ẩm.

Bác sĩ Justin Ko, phó giáo sư lâm sàng về da liễu tại Stanford Health cho biết, các bệnh nhân đeo kính áp tròng nên cân nhắc đeo kính bình thường để ngăn cản dụi mắt. Tương tự, tuy khẩu trang không hiệu quả lắm trong việc ngăn chặn virus, nhưng nó lại khá hữu ích khi mang lại hàng rào chống chạm vào mũi miệng. Vì thế nên càng nên đeo khẩu trang.

Đặt các tờ giấy nhớ xung quanh nhà bạn, trước máy tính cũng có tác dụng như một lời nhắc hữu ích.

3. Giữ cho tay bận rộn

Giữ bàn tay của bạn bận rộn bằng việc sờ vào quả bóng giảm căng thẳng hoặc các vật thể khác, ví như con chuột máy tính để giảm chạm vào mặt. Bạn cũng đừng quên vệ sinh các vật này thường xuyên.

“Sử dụng xà phòng thơm hoặc kem dưỡng da có thể giúp ích”, tiến sĩ Zach Sikora, nhà tâm lý học lâm sàng ở Chicago cho biết. Khi bạn đưa tay lại gần mặt, mùi đó có thể khiến bạn nhận thức rõ hơn về hành động của mình.

4. Thoải mái

Tiến sĩ Stew Shankman, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi Đại học Northwestern, nói thêm: “Lời khuyên của tôi là mọi người đừng quá căng thẳng, ám ảnh về những gì chúng ta chạm vào. Stress ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con người và nếu chúng ta càng căng thẳng, khả năng cơ thể chống lại n.hiễm t.rùng càng thấp”.

Thực hành các bài tập thiền và tập trung vào hơi thở của bạn sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch. Mặt khác, khi tay bạn sạch sẽ, chạm vào mặt không phải là đáng sợ. “Đây là một hành vi tự nhiên mà tất cả chúng ta đều làm, không đến nỗi là kết thúc”, tiến sĩ Shankman nói thêm.

Bảo Nhiên

Theo Nytimes/VNE

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *