Ngò gai, ngò ôm, sả, gừng và hành đang bị ùn ứ tại một số địa phương ở ĐBSCL, có thể do sự cố chất Ethylene Oxide gây ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất và tiêu thụ rau gia vị.
Tại hội nghị “Thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm tươi sống cho TP.HCM trong điều kiện Covid-19″ diễn ra ngày 11/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, cho biết ngay sau khi có thông tin mì Hảo Hảo xuất sang EU có chứa chất Ethylene Oxide, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra lại hàng nông sản xuất khẩu sang EU.
Hiện nay, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn đáp ứng được điều kiện xuất khẩu vào EU và đang lưu hành bình thường.
“Một số sản phẩm mì Hảo Hảo và mì khô có chứa chất Ethylene Oxide được phát hiện ở thị trường EU, tuy nhiên không nên đ.ánh đồng với tất cả sản phẩm khác vì doanh nghiệp vẫn đang đáp ứng đúng các quy chuẩn của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Vừa qua, một số quan điểm cho rằng sự cố có chất cấm trong mì gói có thể bắt nguồn từ chuỗi cung ứng, sản xuất nông sản, rau gia vị ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng “tin đồn này, tin đồn nọ là không đúng”.
Sản phẩm mì Hảo Hảo đang được bán ở Việt Nam. Ảnh: Văn Hưng.
Cũng tại hội nghị, TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (thuộc Trường Cán bộ Quản lý NNPTNT II), thành viên Tổ công tác 970, cho biết kể từ ngày 1/9, nhiều loại rau gia vị như ngò gai, ngò ôm, sả, gừng, hành, riềng… đang bị ùn ứ tại các địa phương ở ĐBSCL.
“Khả năng cao là do sự cố chất Ethylene Oxide đã gây ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất và tiêu thụ rau gia vị vì liên quan tới gói sản xuất mì ăn liền”, ông Hải nói.
Về vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết sau khi có thông tin về chất Ethylene Oxide, việc tiêu thụ các nguồn nguyên liệu đầu vào của mì ăn liền có dấu hiệu chững lại.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng tỏ ra hoang mang, không biết xảy ra chuyện gì, không biết chất Ethylene Oxide có nằm trên hành lá, rau củ quả không. Trong khi chưa có chỉ đạo cụ thể từ Bộ Công thương thì mới đây, Acecook đã đưa sản phẩm đi kiểm tra tại 2 đơn vị kiểm tra của nước ngoài.
“Thông báo chính thức từ phía đơn vị kiểm nghiệm là những nguyên liệu hành lá, rau củ quả trong gói gia vị của mì gói lấy mẫu bất kỳ đều không phát hiện chất Ethylene Oxide trong sản phẩm”, bà Chi thông tin.
Trước đó, bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã có báo cáo khẳng định Acecook và Thiên Hương đang tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương cần thêm nhiều thời gian để thu hồi sản phẩm, kiểm tra, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để kiểm tra việc sản xuất các sản phẩm. Đối tượng kiểm tra không chỉ các sản phẩm liên quan đến mì mà còn để xác định việc tuân thủ của doanh nghiệp như thế nào, đặc biệt là chất lượng các sản phẩm tại Việt Nam có thể đáp ứng được không.
Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam, mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị cảnh báo vừa qua lại đang sản xuất theo đúng các quy định.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho biết hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm.
Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…
Vụ mì Hảo Hảo: Bộ Công Thương vừa báo cáo gì lên Thủ tướng?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã có báo cáo bước đầu gửi Thủ tướng Chính phủ, đáng nói là chính doanh nghiệp bị “tuýt còi” cũng không biết chất cấm thuộc thành phần nào của sản phẩm.
Trao đổi với PV Dân trí bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, ngoài Ireland, Na Uy thu hồi sản phẩm của Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đã công bố thì còn có một số nước châu Âu khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
– PV: Thủ tướng yêu cầu báo cáo trước ngày 7/9, đến nay kết quả xác minh của Bộ Công Thương về các sản phẩm mỳ ăn liền vừa bị các nước EU thu hồi ra sao, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng kết quả ban đầu. Bộ Công Thương đã yêu cầu 2 doanh nghiệp báo cáo, yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm của TPHCM kiểm tra quy trình sản xuất và việc tuân thủ các quy định của hai doanh nghiệp này thế nào. Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của các đơn vị này.
Ban bảo vệ an toàn thực phẩm TPHCM khẳng định hai doanh nghiệp tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, của TPHCM. Đối với Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, hai doanh nghiệp này khẳng định không phải tất cả các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Ireland và Na Uy bị yêu cầu phải thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định theo thông báo của nhà chức trách các nước.
Hiện nay, quy định ngưỡng cụ thể về chất ethylene oxide giữa các quốc gia không giống nhau. Ví dụ như Ireland đ.ánh giá ethylene oxide là vượt ngưỡng nhưng lại thấp hơn so với Mỹ. Các doanh nghiệp khẳng định các sản phẩm được sản xuất riêng cho thị trường EU chứ không sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng cần thêm thời gian để phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các sản phẩm của hai doanh nghiệp này, để xác định việc tuân thủ quy định là như thế nào, đặc biệt là chất lượng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có đáp ứng được hay không.
– Ông vẫn đang nói về báo cáo của các doanh nghiệp, ông có thể nói rõ hơn về kết quả kiểm tra với chính các sản phẩm bị thu hồi?
Chúng tôi cần có thêm thời gian. Hiện cơ quan trực tiếp quản lý là Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, họ đã báo cáo tới Bộ Công Thương và khẳng định các doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định hiện hành. Trong khi đó các doanh nghiệp cũng cho biết họ sản xuất theo quy định của các quốc gia xuất khẩu sản phẩm, việc thu hồi cũng chỉ xảy ra ở một số quốc gia.
Bộ Công Thương đã đề nghị Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất, sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đ.ánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide.
– Thu hồi sản phẩm như ông đề cập tại các quốc gia được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Trước mắt là các nước đang yêu cầu thu hồi sản phẩm ở các đại lý đang bán, không được bán các sản phẩm này nữa. Qua thực tế chắc chắn sẽ cần phải có những quy định cụ thể hơn, không chỉ với chất ethylene oxide mà đối với các chất khác có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
– Châu Âu là thị trường rất khó tính với các mặt hàng nhập khẩu, qua sự việc này có lo ngại ảnh hưởng tới con đường xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang châu Âu không?
Bộ Công Thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường nào thì phải nghiên cứu kỹ các quy định của thị trường đó. Như thị trường Mỹ, họ có quy định cao hơn rất nhiều so với những tiêu chuẩn của các thị trường khác mà Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu.
Bởi vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nào thì phải tuân thủ quy định của thị trường đó, không tuân thủ thì không thể xuất khẩu hàng hóa được.
– Vậy đã xác định được chất ethylene oxide vượt ngưỡng trong mỳ ăn liền bị các nước châu Âu yêu cầu thu hồi là ở thành phẩm nào chưa, thưa ông?
Đến nay các doanh nghiệp cũng chưa xác định được chất ethylene oxide có trong thành phần nào của sản phẩm, tại sao lại lẫn vào sản phẩm, có phải ở mỳ, bột hay gia vị không… Việc bây giờ là các doanh nghiệp phải cùng với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam để xác minh rất rõ vấn đề, xác định chất ethylene oxide ở trong thành phần nào của sản phẩm.
Đây là việc rất quan trọng. Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trực tiếp liên hệ và làm việc với cơ quan chức trách của các quốc gia có liên quan để làm rõ các yêu cầu trong vụ việc này.
– Như ông nói thì doanh nghiệp vẫn tuân thủ đúng quy định, tiêu chuẩn sản xuất, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng không xác định được chất ethylene oxide vượt ngưỡng ở thành phần nào của sản phẩm, rõ ràng đây là vấn đề cần đặt câu hỏi về năng lực kiểm tra của chính doanh nghiệp?
Theo luật của Việt Nam, các doanh nghiệp được quyền công bố về chất lượng của họ. Còn các cơ quan theo thẩm quyền sẽ tiến hành hậu kiểm các sản phẩm. Vì thế cần thời gian để các cơ quan làm rõ vấn đề này.
– Với các sản phẩm liên quan đang được bán trong nước, khi nào thì có kết quả kiểm nghiệm, thưa ông?
Bộ Công Thương không đứng ra làm một mình được, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, vì vậy chưa thể khẳng định khi nào. Phải chờ các cơ quan kiểm nghiệm khác chứ không riêng Bộ Công Thương. Việc kiểm nghiệm phải do các cơ quan có thẩm quyền, có chức năng để xác định về tính chất và mức độ.
Ngoài các sản phẩm này chúng tôi còn lấy các mẫu khác, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự, thậm chí là sẽ mở rộng hơn.
– Xin cảm ơn ông!
Hồi trung tuần tháng 8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một s.ố l.ô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thương hiệu mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good.
Một s.ố l.ô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa ethylene oxide. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Người tiêu dùng ăn phải chất này không có nguy hiểm cấp tính nhưng có thể gặp vấn đề sức khỏe nếu ăn phải ethylene oxide trong một thời gian dài. Cơ quan này cảnh báo cần hạn chế tối đa tiếp xúc với chất này.
Cách đây ít ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương.
Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc này trước ngày 7/9.